KINH ÁO NGHĨA MANDUKYA
Kinh Áo Nghĩa Mandukya là một phần của Kinh Vệ Đà Atharva. Đây là Kinh ngắn nhất trong các Kinh Áo Nghĩa, chỉ có 12 đoạn kệ, chủ yếu giảng về AUM, chân ngôn và thể tính của Đại Ngã Tâm Linh và Tự Ngã siêu việt, và phương tiện dẫn tới giác ngộ Bản Tính chân thật.
XƯNG TÁN VỆ ĐÀ
Aum. Kính xin tai chúng con, Ôi chư Thiên, chỉ nghe những âm thanh thiện lương, mắt chúng con chỉ thấy những hình tướng mĩ diệu. Kính xin chúng con, người thân yêu của ngài, có thân thể khoẻ mạnh với tứ chi lành lặn, thọ hưởng khoái lạc trong những năm tháng được an bài cho chúng con, tràn đầy tình xưng tán đấng Tối Cao. Aum Hoà Bình! Hoà Bình! Hoà Bình!
ĐOẠN I
Harih Aum! Từ chân chính Aum là tất cả điều này. Một giảng giải minh bạch như sau: Tất cả quá khứ, hiện tại và vị lai đều thực sự là Aum. Aum cũng là cái mà tồn tại bên ngoài mọi khái niệm về ba khoảng thời gian.
ĐOẠN II
Tất cả điều này thực sự là Đại Ngã. Tự Ngã này là Đại Ngã. Nó có bốn cảnh giới (bốn chân).
ĐOẠN III
Cảnh giới thứ nhất là Vaisvanara, mà hoạt trường là lúc thức tỉnh. Người ấy trực thức sự vật bên ngoài và có bảy phần thân thể và mười chín cơ quan, và có đối vật thô để cảm nghiệm.
ĐOẠN IV
Taijasa là cảnh giới thứ hai và hoạt trường của người ấy bao gồm các giấc mơ, khi người ấy trực thức sự vật bên trong, có bảy phần thân thể và mười chín cơ quan, và cảm nghiệm đối vật tinh tế.
ĐOẠN V
Giấc ngủ không mộng mị là cảnh giới trong ấy người ngủ chẳng vọng cầu bất cứ vật thể nào hay thấy bất kì giấc mơ nào. Prajna là cảnh giới thứ ba và hoạt trường của người ấy là giấc ngủ thâm sâu, nơi đó toàn thể thành nhất thể, vô sai biệt. Người ấy thực sự là một khối trực thức, tràn đầy an lạc và cảm nghiệm an lạc và là cửa ngõ dẫn tới trí huệ.
ĐOẠN VI
Đây là đấng Chủ Tể của tất cả, chủ tri của tất cả, bậc điều ngự bên trong, nguồn gốc từ đó vạn vật khởi đầu và vào đó cuối cùng chúng tan biến.
ĐOẠN VII
Turiya không phải là người có ý thức nội giới, cũng không có ý thức ngoại giới, không có ý thức cả hai, không phải là một khối hữu tình, không phải chỉ là ý thức đơn thuần, không phải là vô tri vô giác. Người ấy bất khả kiến, vô quan hệ, bất khả liễu hội, bất khả suy diễn, bất khả tư nghị, bất khả thuyết giảng, với bản tính cốt yếu của trực thức và cấu tạo Tự Ngã một mình, hoàn toàn vắng bóng mọi hiện tượng, nhất thiết hòa bình và an lạc, và bất nhị. Điều này được liễu hội như Turiya. Nó là Tự Ngã và phải được giác ngộ.
ĐOẠN VIII
Tự Ngã như thế cûng là Aum khi được xem là độc âm vận, cũng là Aum với các bộ phận được xem như âm thanh. Các cảnh giới là những chữ - A U và M - và những chữ là các cảnh giới.
ĐOẠN IX
Vaisvanara, người có cảnh giới thức như hoạt trường của mình, là A, chữ đầu tiên, bởi vì người nhất thiết dung nhiếp, hay người là cái đầu tiên. Người mà liễu hội điều này sẽ có tất cả những ước vọng của mình được thoả mãn và trở nên thứ nhất.
ĐOẠN X
Taijasa, người có cảnh giới mơ như hoạt trường của mình, là U, chữ thứ hai, bởi vì người ấy ở trên cao, hay bởi vì người đứng giữa hai cảnh giới. Người mà liễu ngộ điều này chứng đắc trí huệ tối cao, được mọi chúng sinh đối xử bình đẳng, và sẽ không có ai trong đời sau người mà không là người liễu ngộ Đại Ngã.
ĐOẠN XI
Prajna, người có cảnh giới ngủ như hoạt trường của mình, là M, chữ thứ ba của Aum, bởi vì người là thước đo và trong người tất cả thành một. Người mà liễu hội điều này có thể đạc lượng và triệt ngộ vạn vật trong bản thân mình.
ĐOẠN XII
Turiya, người không có từng phần (như âm thanh), người bất khả liễu hiểu, sự chấm dứt của mọi hiện tượng, chữ Aum an lạc và vô nhị, thực sự đồng nhất với Tự Ngã. Người liễu hội điều này hợp nhất vào trong Tự Ngã.