Mối Tình Thiên Thu
Một bản tự thuật thường không mang lại cho chính tác giả một niềm hãnh diện nào mà chỉ làm cho hắn thấy rõ được hắn hơn, thành thực với hắn hơn, và hiểu rằng hắn đang muốn cái gì, và đang trở thành cái gì. Tôi đang làm một bản tự thuật về chính cuộc đời của mình với tất cả những khó khăn và khát vọng để đạt được một cuộc sống chân thực. Tôi tự hỏi “con đường mình đã đi phải chăng là chính cuộc sống chân thực? Phải chăng mình đã đạt được những điều mình muốn, hay chỉ là những phù du ảo tưởng do trí óc ngu si và vô minh của mình tự tưởng tượng ra và theo đuổi?” Những khắc khoải của tuổi trẻ luôn chỗi dậy trở lại với tôi, những câu hỏi rất đơn giản mà tôi chưa biết phải trả lời ra sao trong cuộc đời hiện tại của mình. Câu hỏi thứ nhất là “Tôi muốn cái gì?”, và câu hỏi thứ hai thâm trầm sâu sắc hơn “Tôi là ai?”
Xin thú thực với tất cả sự chân thành của một con người đang đi tìm kiếm lại chính mình là tôi không hiểu mình là ai cả. Socrates vẫn thường bảo KNOW THYSELF nhưng thú thực tôi không thể hiểu chính mình là cái gì, là ai trong cõi đời ô trọc này. Ông chỉ vất câu sấm ngôn ra đấy nhưng lại không chỉ phương pháp để đi đến đó thì đành chịu thôi. Tôi đã tự hỗn mang với chính khủng hoảng mình, hay ông đã đưa người vào chỗ hỗn mang, hay là chính ông cũng chẳng hiểu gì cả, nghĩa là chẳng có phương pháp nào hết để tự tìm biết chính mình, mặc dù ông biết thừa bằng trực giác “Know Thyself” chính là con đường duy nhất của Truyền Thống nhân loại dẫn người ta đến cuộc sống chân thực, đến cứu cánh tối hậu của đời người. Nhưng dường như ông đã đề cao thần Apollo tượng trưng cho lý trí nhiều quá đến nỗi bóp nghẹt đi thần bản năng sự sống Dionysos, làm cho sự phối hiệp âm dương giữa Dionysos và Apollo bị đứt đoạn, và từ đó Hồn đã bị chết ngạt. Thế rồi môn đệ của ông tìm ra đủ mọi phương pháp để bù đắp vào chỗ thiếu sót mà ông đã vô tình hay cố ý bỏ lửng một cách tai hại. Nào là Plato đi xây dựng thế giới lý niệm xa cách thực tại trần gian biết mấy, khởi đầu cho cái gọi là “Đạo Đời ly dị”, và chỉ biết mình là ai khi phải bỏ “trần gian ô trọc” để ngắm nhìn “lý giới”. Thế là cuộc sống đa diện chỉ còn có thu vào con mắt, và tệ hơn nữa con mắt lý trí, chứ không phải là Tuệ Nhãn thần thông viên dung vô ngại. Nào là Aristotle đi tìm bản chất sự vật, về những ý niệm bản thể sự hữu, để rồi đắm chìm vào vật chất vô minh, quên bẵng mất Tính Thể bao la của Con Người Thực Sự. Thiện chí của cả hai là giải phóng con người khỏi những tin tưởng phù phiếm và vô minh, nhưng thực tế hai ông đã đưa con người vào tròng của nô lệ lý trí, vào tròng của những sự vật ngổn ngang hỗn tạp. Cái lầm nọ kéo dài bao thế kỉ, di họa đến đời nay, và ai theo họ cũng đều trở nên hoang mang trống rỗng, lục thần vô chủ. Và xin thú thực tôi đã là một nạn nhân khốn khổ của họ. Tôi đã tự đồng hóa chính mình với những ý tưởng này nọ, với những lí thuyết nọ kia, nhưng để rồi tất cả đều qua đi và để lại trong tôi một nỗi trống rỗng buồn nôn vì những vô nghĩa phi lí của một cuộc đời tẻ nhạt vô vị. Đây chính là một chút kinh nghiệm đau thương của sự lầm đường. Việc cuốn gói ra đi của những triết thuyết này gây ra do một sự khủng hoảng sâu xa ngấm ngầm tận trong đáy lòng tôi, trong khi tôi đi tìm một nền tảng cho chính mình, và chính sự khủng hoảng này đã tống ra ngoài một vật xa lạ không thể tiêu hóa được.
Ấy thế cho nên tôi phải bắt đầu lại một cách cẩn thận hơn và tự hỏi “Tôi muốn cái gì?” và hơn hết TÔI LÀ AI? Câu hỏi “Tôi là ai?” dường như tiếp ngay sau câu sấm ngôn “Know Thyself” một cách tự nhiên, nhưng câu trả lời lại không liền ngay sau đó mà đã trải qua bao nhiêu sự lầm đường lạc lối trong đêm tối vô minh của thời gian, phải trải qua bao nhiêu sự phủ định, để đưa tới một câu trả lời thật là buồn cười và hầu như không trả lời gì cả: TÔI LÀ TÔI, mà tiếng Anh dịch là I AM THAT I AM (Exodus, Chapter 3:14), hay nói ngắn hơn:
TÔI LÀ = I AM = JEHOVAH
Chính vì quá đơn giản như thế mà đã như chìm vào trong quên lãng của thời gian, và kéo theo sự quên lãng Tính Thể hay vong Tính (Sein-vergessenheit, thuật ngữ của M. Heidegger). Con người không còn là một Tại Thế Thể như Heidegger nói mà chỉ là những bóng ma đi bắt ảo ảnh ở tận nơi chân trời xa tắp tít, để rồi lạc vào đêm tối mù khơi, xa dần trần thế cụ thể, lạc vào “Vạn Kính Lâu” do chính trí thức vô minh của mình tạo ra, chỉ vì lòng tham dục vô tận mà không biết nơi phát tiết cũng như điều hòa cho trúng chỗ. Thế mới thật thấm thía câu nói của Trung Dung “Hỉ nộ ai lạc chi vị phát vị chi Trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa” (Những mối tình cảm trong lòng như vui mừng, tức giận, đau thương, sảng khoái khi chưa xuất hiện, còn ở trạng thái Tiềm Thể Uyên Mặc thì gọi là Trung. Khi chúng xuất hiện theo đúng tiết nhịp Uyên Nguyên phát ra từ Vũ Trụ Chi Tâm thì gọi là Hòa – Trung Dung, chương 1). Bất hòa khắp nơi phải chăng đó là kết quả của sự lỗi nhịp Thái Hòa do lòng tham không đáy mà ra chăng? Cuộc đời thực giản dị, chỉ có con người vô minh tự làm phiền đấy mà thôi. Chỉ có cái giản dị đó mới đưa con người đến chỗ thấu hiểu chính mình, thấu hiểu cội rễ của mình là gì mà thôi. Cái giản dị đó chính là: TÔI LÀ, và chỉ là thế. Kinh Chandogya Upanishad, chương 6, đoạn 8, tiết 7, đưa ra câu Mahavakya thời danh bao trùm tất cả nền Đạo Học Đông Phương:
TATTVAMASI = THAT THOU ART
Ở đây, TAT = THAT = TÍNH = CÁI ẤY = TÔI. Kinh Dịch cũng nói một cách uyển chuyển “Dị giản nhi thiên hạ chi lí đắc hĩ. Thiên hạ chi lí đắc nhi thành vị hồ kì trung hĩ” (Giản dị mà đạt được lẽ Trời, tức cái Lí Nhất Quán độc nhất vô nhị bao trùm tất cả vũ trụ. Khi đạt được lẽ Trời đó thì con người trở nên Người Thực Sự, đứng ở cương vị Nhân Hoàng giữa Trời cùng Đất – Hệ Từ Thượng, chương 1). Chạy theo những bóng hình phù du, vui với những cơn khát vọng ngắn ngủi, chỉ đưa con người đến chỗ tự diệt mà thôi, vì đã lạc mất Hồn rồi. Sự quên lãng Tính Thể, sự vong Tính chính là sự lạc mất Hồn vậy. Sự quên chân lí đơn giản đó chính là lạc mất Hồn đó vậy.
Thế nên tôi luôn phải cẩn thận đặt lại câu hỏi “Tôi là ai?” một cách thận trọng vô cùng vào tận tâm can mình trong tất cả mọi tác động của cuộc sống. Tôi nhớ lại lúc còn ở Việt Nam đã đọc cuốn “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên” của Thầy Kim Định, và điều tôi nhớ nhất là “Câu chuyện lạc Hồn của một chàng sinh viên thành Prague”. Khi đọc tôi có cảm tưởng rằng mình cũng giống chàng sinh viên nọ ở một vài khía cạnh. Đó là tuy không bán Linh Hồn mình cho ai (mà thực ra Hồn không thể bán được), nhưng cái Hồn thực sự của mình ở đâu, cái Linh Hồn, cái Bản Lai Diện Mục đó ở đâu, tôi thực không biết. Không biết mình rồi dẫn đến không biết tha nhân, không biết quê hương dân tộc, không biết nhân loại không xa mấy. Vì tha nhân, tổ quốc, nhân loại là những tấm gương soi sáng chính mình. Nếu mình không có Hồn thì soi vào làm sao mà thấy. Không biết mình thì dẫu có soi cách mấy đi nữa thì cũng không thể thấy được Hồn Thiêng của mình.
Trí óc miên man dẫn tôi đến những ngày xa xưa khi tôi còn bé lắm. Mỗi chủ nhật về thăm bà ngoại, ngoại thường bắt học thuộc nào là “Tam Tự Kinh”, nào là “Nhất Thiên Tự”. Hoàn toàn chẳng hiểu gì hết. May mà tôi cũng mau thuộc nên ngoại cho đi chơi. Những mẩu chuyện thần thoại, cổ tích mà ngoại kể, tôi đã lắng nghe say sưa hầu như quên ăn quên ngủ. Tất cả mọi câu chuyện đều thú vị, tràn đầy tình cảm vị tha cao thượng, tình Nhân Ái bao la man mác quyện khắp non sông đất nước, cũng như nói lên tinh thần Nghĩa Hiệp bênh vực những người bị lép vế. Nào là chuyện “Lưu Bình Dương Lễ” nêu cao tình nghĩa bạn bè thâm sâu, nào là chuyện “Thiếu Phụ Nam Xương” soi tỏ tinh thần kiên tâm chờ đợi. Rồi hình ảnh hào hùng uy linh “Cứu Nhân Độ Thế” của Thánh Gióng, mối tình thiên thu vạn đại cao thượng của Tiên Dung và Chử Đồng Tử cũng như của Sơn Tinh và Mỵ Nương, đến những mẩu chuyện dựng nước lớn lao cao cả của Bố Lạc Long Quân. Sự tích Trầu Cau nêu cao tình nghĩa anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa. Sự tích Bánh Dày Bánh Chưng nói lên ý nghĩa ngày Tết trong tinh thần làm người chân chính. May cho tôi những ngày Tết đó tôi vẫn còn được ăn bánh dày bánh chưng đầy đủ, những Tết sau này khi tôi lớn lên đã hầu như mất hẳn bánh dày, mặc dù mùi vị đạm bạc nhưng ăn không chán, đúng như lời vua phán với Tiết Liệu, và cũng đúng như lời của Trung Dung “Quân tử chi đạo đạm nhi bất yểm, giản nhi văn, ôn nhi lí” (Đạo của người quân tử tuy lợt lạt đạm bạc nhưng không chán vì nó bao la man mác; giản dị mà vẫn văn nhã, sáng tỏ, rành rẽ; ôn nhu tình cảm mà vẫn giữ lễ, vẫn có thứ tự – Trung Dung, chương 33). Trong mọi câu chuyện hầu như đều đề cập đến Tình Người với Người, giữa Người với Đất nước, với Tiên Tổ Tiền Nhân thật là lai láng bao la, mênh mông bát ngát không thể cùng được, không thể diễn tả, “bất khả tư nghị” chỉ có thể cảm nghiệm và thể nghiệm mà thôi. Rồi lớn lên hơn một chút nữa học về lịch sử Dân Tộc, về gương sáng dựng nước của cha ông, của tổ tiên anh linh, những mẫu mực sống đáng kính phục, những con người thực cao cả gieo vào lòng trẻ con những tình cảm thán phục, cùng những hình ảnh tuyệt vời nhớ hoài không quên. Những hình ảnh đó, những tâm tư tình cảm đó là những THỰC TẠI sống động hiện tiền, chứ không phải chỉ là những bóng hình của quá khứ bất động vô tình. Hình ảnh của Bố Lạc Long Quân, của Mẹ Âu Cơ bao rợp phủ trùm cả Vũ Trụ Tâm Linh, vượt thoát cổ kim đi vào hiện tại miên trường, chứ có phải chỉ là những mẫu người nào đó sống trong một thời gian nào đó chẳng liên hệ chi đến hiện tại này đâu. Các Ngài đã không còn là những thực tại lịch sử cá biệt mà đã trở thành những Sơ Nguyên Tượng (tạm dịch từ “archetypal image” của C. Jung, mặc dù nội dung không đúng lắm), đi vào tiềm thức cộng thông của không những Dân Tộc mà còn là của cả Nhân Tộc nữa, đi vào Tâm Linh nhân loại mở ra một trang sử mới: Huyền Sử của Dân Tộc Việt hay là VĂN LANG HUYỀN SỬ, Sử của những CON NGƯỜI MUÔN THUỞ, sống đời sống Đại Ngã, thở hút bằng những luồng thần khí vô cổ vô kim xuyên thấu vào tận nơi thâm tâm sâu thẳm của mỗi con người hiện diện là chính chúng ta. Chính vì thế mỗi khi chúng ta nghe kể lại những trang sử oai linh đầy thần khí đó, trong lòng mỗi người đều luôn mãi âm vang những cảm thông đồng điệu, và mỗi khi có cơn tao loạn nào là như muốn “đứng lên đáp lời sông núi” vậy. Là con cháu Lạc Hồng, có ai không cảm thấy trong tận cùng sâu thẳm của Tâm Linh mình không cùng rung lên một nhịp đập với Tiên Tổ, cái nhịp đập chan hòa Tình Tự Quê Hương Dân Tộc âm vang mãi trong thiên thu vạn đại. Đó chính là cái nhịp của VŨ TRỤ CHI TÂM và cũng chính là nhịp đập của Con Người Đại Ngã trong chính mỗi chúng ta. Cái nhịp đập sâu thẳm đó nếu không LẮNG NGHE với một tâm trí vắng lặng thì sẽ không cảm thông được, và tệ hơn nữa nếu để cho những cái ồn ào xáo động của những đợt sóng hiện tượng trên mặt Đại Dương Tính Thể che lấp đi mất thì đó chính là Lạc Hồn, là quên lãng Tính Thể, là Vong Thân.
Hồn con người là một Đại Dương sâu thẳm bao la man mác phủ trùm tất cả Vũ Trụ Thời Không, mà khi nhập thể vào người nào đó thì gọi là TÍNH, khi nhập thể xuất hiện bàng bạc nơi đất nước thì đó là HỒN NƯỚC là DÂN TỘC TÍNH, và khi ẩn khi hiện nơi toàn thể nhân loại thì đó là NHÂN TÍNH. NÓ thuần nhất thái công không có tư ý tư dục chi cả. HỒN chính là THẦN mà “Thần vô phương” (Thần không có nơi có chốn nhất định nào cả nhưng không đâu không ở, không đâu không có Thần – Kinh Dịch, Hệ Từ Thượng, chương 4).
Đó là những cảm xúc khi nhớ lại quãng thời gian thơ ấu thấm nhuần trong lịch sử huy hoàng của Dân Tộc, những trang Huyền Sử đầy khả kính mang ánh sáng Tâm Linh đến soi sáng và nuôi dưỡng tuổi thơ của tôi trong niềm Kính Cẩn, và trong Tình Yêu Thương bao la phổ biến. Khi lớn lên hơn một chút, thưởng ngoạn những thi văn của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, v.v… tất cả đều gợi lên trong lòng một chút hoài cảm về một “Thăng Long Thành Hoài Cổ”, về Quê Hương Dân Tộc, về những Tình Tự Con Người và Tổ Quốc, mà những ý vị thâm trầm điềm đạm hầu như bàng bạc mênh mông diệu vợi. Tôi không hiểu được một cách rõ rệt, nhưng trực nhận được một vài khía cạnh với những cảm xúc dâng tràn lai láng. Rồi đến những truyện “Tây Du Kí” (bằng chữ cũng như bằng hình), “Thủy Hử”, “Hán Sở Tranh Hùng”, “Thuyết Đường”, v.v…, truyện chưởng của Kim Dung, Cổ Long, v.v…phải nói là quên ăn quên ngủ mê say mà đọc, cận thị cũng vì đó mà ra. Những tiểu thuyết “đời mới” như của nhóm Tự Lực Văn Đoàn không cám dỗ nổi tôi, và thú thực là với đa số quyển tôi không cảm nổi, có lẽ trí óc tôi già cỗi quá chăng hay đó chỉ là những sản phẩm “ngoại lai” mang dấu vết của một thời “vàng son” không thực, hay chỉ là đóa hoa “nylon” tuy đẹp nhưng c nào cả. Tình cảm là hương vị chân thực, không phải là “nylon”, không phải là những bông hoa bằng cao su có thể giữ mãi mãi, nhưng vô tình chẳng cảm được lòng người. Sở dĩ loại tiểu thuyết “đời mới” này không thể cảm hóa được tôi chỉ vì chúng không mang Thể Tíh Vĩnh Cửu. Cố gắng để mà cảm cái hương vị “nylon” của nó là một thất bại đắng cay.
Thời gian đó tôi đọc nhưng không có một điểm tụ nào cả. Thế cho nên trí óc cứ mãi mông lung mơ hồ man mác, hết nhảy sang Đông lại sang Tây, lên Nam rồi xuống Bắc, chuyển hết đầu này sang đầu kia, giống như con khỉ chuyền hết từ cành này lại đến cành khác. Đó không phải là trạng thái”tâm viên ý mã” hay sao? Không có một chỗ tụ dầu rằng điểm tụ đó là “Hố Thẳm” đi chăng nữa. Bởi vì dầu sao con người ta cuối cùng rồi cũng nhảy vào Hố Thẳm không chóng thì không đó mà Nikos Kazantzakis đã tâm niệm “Giải đất mới chỉ có trong lòng người…Bổn phận mi là lên đường đi đến Hố Thẳm, một cách Im Lặng, một cách Rộng Lượng, và Không Hi Vọng” (Phạm Công Thiện, Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ & Triết Học, trang 432). Chính hào Cửu Tứ quẻ Kiền cũng viết “Hoặc dược tại uyên, Kiền đạo nãi cách” (Nhảy vào Hố Thẳm Tâm Linh chính là cách mạng triệt để trong Nội Tâm – Kinh Dịch, quẻ Kiền). Con đường tiến về Tâm Linh Đại Ngã phi đi qua Hố Thẳm trốn tránh làm sao được. Phải tẩy rửa sạch sẽ nhữ rác rưới còn đọng lại làm thành những thành kiến che lấp mất Tính Thể. Kinh Dịch đã đưa ra phương pháp “Múa Trống Tâm Linh” như sau “Dịch vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố” (đoạn tuyệt những suy tư động loạn của lí trí để Tâm Trí Vắng Lặng Trống Không thì tức khắc nhập vào được dòng sống Tâm Linh cảm thông với tất cả mọi sự – Hệ Từ Thượng, chương 10). Không như thế thì làm sao bước sang được hào cửu ngũ một cách ung dung tự tại an nhiên thư thái của một “Phi long tại thiên đại nhân tạo dã” (Rồng bay trên trời, người đại nhân tùy thời mà sáng tạo). Không qua giai đoạn “Tuyệt tứ: Vô ý, vô tất, vô cố vô ngã” (Dứt tuyệt được bốn mối là: không có ý riêng, không tuyệt đối hóa bất cứ hiện tượng nào, không cố chấp nhỏ nhen độc hữu, không còn cái tôi bản ngã – Luận Ngữ, chương Tử Hãn, tiết 4), gọi là via negativa, thì làm sao đi tới thống nhất lẫm liệt của Tâm Hồn gọi là via unitiva được. Có “Dục hồ Nghi” thì mới “Phong hồ Vũ Vu” chứ, và sau đó chỉ là “Vịnh nhi qui” ca hát mà về. Có gì mà phải tư lợ, mà phải âu lo, mà phải sợ hãi. Kinh Dịch cũng viết: “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự, thiên hạ hà tư hà lự” (Người ta còn phải lo gì nghĩ gì, thiên hạ rồi cũng quay về nhập thể vào dòng sống Tâm Linh dầu đi những con đường khác nhau, rồi cũng đi về tận nguồn của mọi suy tư cá biệt là Lí Nhất Quán, người ta còn phải lo gì nghĩ gì – Hệ Từ Hạ, chương 5). Cái Hố Thẳm cần thiết như thế đó.
Chính vì phải đi tìm Hố Thẳm, phải “tuyệt tứ” mà tôi không thỏa mãn với những trạng thái “tâm viên ý mã” này, cho nên tôi đã tự đi vào lãnh vực của Triết Lí, mong tìm ra nơi đây những giải đáp Minh Triết thấu triệt thỏa mãn nội tâm đang xao xuyến của tôi, cái xao xuyến cực độ của một con người tìm lại chính mình, tìm lại nguồn cội của mình, tìm về cái Hồn đã lạc đâu mất, cái xao xuyến của một lữ hành đang đi trong đêm tối vô minh của thời gian, tìm lại nhà của mình mà mình đã vì vô ý xa rời nó trong khi theo đuổi những gì hư mất phù du. Nhà đâu xa nhỉ, chỉ vì mình không chịu tìm kiếm đó thôi. “Hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”, câu nói của Phúc Âm (St. Matthew, chapter 7:8) vẫn âm vang thăm thẳm sao vội quên rồi.
Tôi lục tìm những sách Triết để đọc để nghiền ngẫm. May mắn cho tôi, khi đó một ông anh của tôi theo ngành Triết nên trên kệ sách của anh ấy có nhiều sách Triết. Cuốn sách Triết Lí đầu tiên mà tôi đọc là cuốn “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên” mà tôi đã nói ở trên về câu chuyện “lạc Hồn”. Trên kệ sách của anh tôi lúc đó chỉ có ba cuốn của Thầy Kim Định là “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên”, “Triết Lí Giáo Dục”, và “Chữ Thời”. Ngay chương đầu của cuốn “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên” tôi đã có một ấn tượng sâu sắc về câu chuyện lạc Hồn của chàng sinh viên thành Prague, vì những đồng điệu mà tôi tự cảm thấy cái ý vị thâm trầm do nơi câu chuyện gởi gấm. Sau đó Thầy lần lượt dẫn dắt tôi đi đến những đợt Hồn Nước. Trước hết là những Tình Tự Dân Tộc mà tôi cảm được ngay như khi bà ngoại kể cho nghe những mẩu chuyện thần thoại cổ tích từ thời thơ ấu, cũng như sau này khi tôi học lịch sử Dân Tộc. Bước thứ nhì Thầy đi đến nền Triết Lí Dân Tộc với những cơ cấu gây xúc động phi thường vào lòng tôi một cách mãnh liệt, rồi bước cuối cùng là “Tinh Nghĩa Nhập Thần” để giáp mặt cuộc đời trong tất cả những hỗn mang biến động của nó, hầu thâu hóa tinh hoa của tất cả những nền văn hóa khác đem về bồi đắp vào nền Văn Hóa của Dân Tộc theo chiều hướng tiến của Tâm Linh nhân loại. Cuốn sách thật đơn giản dễ hiểu và cảm nhận được ngay. Thật sự tôi mải mê đọc, đọc đi rồi đọc lại. Hồn là Thần, Thần là Hồn. Và Kinh Dịch có câu “Thần vô phương nhi Dịch vô thể”, Thần thì có ở cố định trong cái gì đâu nhưng là bàng bạc khắp nơi không đâu không ở. Chỉ phải có Tình Cảm thâm hậu, phải Cung Kính mới nhận ra được những cái tế vi mà mắt thường không thấy được. Thầy đưa ra một ví dụ tiêu biểu cho Hồn Nước, đó là Lỗ Gia Tiên, nói nôm na là tục thờ cúng ông bà. Cái này thì tôi cũng cảm được ngay vì nhà tôi có bài vị thờ ông bà tổ tiên. Hơn nữa Hồn của Lễ Gia Tiên là Đạo Hiếu. Hiếu chính là niềm Tôn Kính và tự Giáo Dục cái nguồn sống Tâm Linh đang ngầm chảy trong mỗi con người chúng ta không để cho đứt đoạn. Lễ Gia Tiên là một lối để lập thân hành đạo, lưu truyền Đạo Người Muôn Thuở mãi mãi bằng cách trở lại cội nguồn nơi thẳm cung lòng mình, Tín Thuận Thành Kính với Nội Tâm mình, luôn “Vãng Lai Tỉnh Tỉnh” (luôn luôn trở lại với nguồn suối Tâm Linh, với mạch Cam Tuyền – Kinh Dịch, quẻ Thủy Phong Tỉnh), đưa con người tiểu ngã về tắm lại trong suối nguồn Đại Ngã của Hồn Thiêng Dân Tộc, của Anh Linh Tiên Tổ Lạc Hồng.
Tôi xin thú thực rằng càng ngày khi tôi chạy theo ngoại vật, theo đuổi những cái hư mất phù du thì tôi càng thấy rõ ràng rằng cái học trục vật này càng ngày càng làm cho tôi khô cạn tâm hồn, không nơi an nghỉ, không chỗ hướng về, con người dường như bơ vơ lạc lõng giữa chợ đời, sống ơ hờ như một cái xác vô hồn giữa ngục tù của trần gian, ương ương dở dở, nếu nói theo kiểu hiện sinh tức là mang tâm trạng của kẻ “homelessness”, và tệ hơn nữa “thoughtlessness”. Tất cả đều trống rỗng một cách khủng khiếp, cái rỗng tuếch nhơ nhớp, nhầy nhụa, đen kịt chứ không phải cái trống rỗng thanh thản bình dị của những ai đã “Dị giản nhi đắc thiên lí”. Ai cũng biết cũng cảm thấy cứu cánh tối hậu, mục tiêu cuối cùng của cuộc đời là sống viên mãn, sống hạnh phúc, nhưng có muôn ngàn lối để đi đến đó, miễn là phải đi đến cùng cực con đường phải đi, vào tận nơi Nội Tâm thâm sâu của chính mỗi người chúng ta, để đi tới giáp chỗ với Hư Không (Lân Hư), nơi mà “hữu vô tương sinh”, nơi hội nhập của Đất Trời làm nên Bản Tính của Con Người Muôn Thuở. Muốn tiến tới đạt hạnh phúc thì phải hành động, không phải miễn cưỡng hành động hay bị bắt buộc hành động, hay là bị dụ hoặc vì danh vọng lợi lộc mà hành động, mà chính là AN NHIÊN TỰ TẠI trong hành động, thấy đáng làm thì làm tận lực, cái làm vì Nghĩa đưa con người tới miền An xứ Lạc, quê hương của Con Người Đại Ngã. Đấy chính là một cuộc chơi vĩ đại đầy hăng say thành khẩn, đem lại cái sống vui tươi an lạc cùng cực, làm nảy nở bản tính chân thực, đưa con người lại gần Thượng Đế hơn. Và những nỗi vô vị tẻ nhạt của cuộc đời ô trọc, đầy “phồn vinh giả tạo” này dần dần tan biến vào cái hiện thể nhầy nhụa để tự hóa thành những đám mây trắng bay vào thinh không vô tận, nhập vào cõi sống Uyên Nguyên của cái tiết nhịp khởi đầu cuộc sống của Con Người, đánh tan đi những giấc mộng triền miên hầu đưa ta trở về suối nguồn chân thực của nhân tâm thế đạo, của vũ trụ nhân sinh. Chính trong Tinh Thần ấy, Nguyễn Công Trứ tiên sinh đã tự ca vịnh trong bài thơ Nhân Sinh Thế Ấy:
Ôi nhân sinh là thế ấy
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín
Vật thái mạc cùng vân ảo biến
Thế đồ vô lự thủy doanh hư
Cái hình hài đã chắc thiệt chưa
Mà lẽo đẽo khóc sầu rứa mãi
Trời đất đã có hình cũng hoại
Ý chi chi mà chắc chi chi
Cuộc làm vui phải liệu kịp thì
Khi đắc chí lại có khi thất chí
Trông đó đó hãy suy cho kĩ
Dẫu xưa nay nào có trừ ai
Có tài mà cậy chi tài.
Có cảm có sống như thế mới thấy cuộc đời đầy tràn Nhân Tính như Uy Viễn tướng công đã diễn tả lại trong bài Nợ Phong Lưu:
Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
Nợ phong lưu kẻ trả có người vay
Trong trần gian ai biết ai hay
Làm ra đấng phi thường cho rõ trí
Quân tử dụng tâm vô đố kị
Trượng phu nhập thế hữu kinh quyền
Bất oán thiên diệc bất vưu nhân
Trong ba vạn sáu nghìn ngày đều thích chí
Năm ba chén non nhân nước trí
Một vài câu thơ thánh phú thần
Nhởn nhơ trong áng hồng trần
Sánh người chung đỉnh đai cân cũng vừa
Thảnh thơi bầu rượu túi thơ.
Mà muốn được như thế thì cứ an nhiên thụ Mệnh, sống thuận theo Thiên Tính, để thấy rằng cái Chí Nam Nhi đó như thế này đây:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên tiếng phi thường đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
Đấy không phải là một cuộc chơi vĩ đại đầy nhiệt tình thâm tín hay sao, một cuộc chơi đầy huyền lực dẫn tới cuộc sống chân thực, cuộc sống của Chân Nhân. Đời sống sở dĩ vô vị, vô nghĩa, đáng nôn mửa tẻ nhạt chỉ vì nó không chịu mang Đạo Lí đi kèm, nghĩa là không có Nhân Nghĩa nhập thể vào từng động tác của đời sống cụ thể, cho nên cái gọi là sống chỉ là một hình thức giả dối mang đầy nọa tính của sự lãng quên Tính Thể, của sự “lạc Hồn”. Đó chỉ là một sự chết đang phủ trùm. Chết chỉ vì Thần Linh đã ẩn mặt chạy trốn do chính con người đang tâm tàn nhẫn xua đuổi trong cái giấc ngủ triền miên phiền não. Thần Linh đã cao bay xa chạy, và con người lâm vào cảnh “mất Hồn”, bơ vơ lạc lõng trơ trọi giữa những đống vật chất ngổn ngang, cố gắng một cách triền phược giả dối để tự đồng hóa mình với đồ vật này hay sự vật kia, với tiền tài danh vọng, rồi chạy theo lòng tham dục đang bốc cháy dẫn đưa tới vực thẳm của vô minh. Kinh Lễ, thiên Nhạc Kí diễn tả tình trạng ấy như là “Nhân hóa vật dã giả, diệt Thiên Lí nhi cùng nhân dục giả dã” (Khi người trở nên vật thể thì Thiên Lí bị tiêu diệt vì lòng dục của con người bị đẩy đến chỗ cùng cực). Người đã hóa thành vật thể rồi thì còn gì mà nói nữa, nó không chịu làm người làm chủ nhân, nhưng lại chịu khúm núm làm kẻ nô lệ để mặc tình cho đồ vật sai sử dẫn đưa tới vực thẳm của vong thân vong bản. “Quân tử bất khí” (Luận Ngữ, chương Vi Chính, tiết 12) là nghĩa như thế, quân tử mà cũng trở thành khí cụ đồ vật như vậy thì còn gì xứng đáng là quân tử nữa. Thế là uổng phi một kiếp người mà đáng lẽ cuộc sống phải là càng ngày càng trở nên Người hơn, Nhân Bản hơn mới phải chứ nhỉ. Thiên lí đã bị diệt khi người hóa thành đồ vật, Thần Linh đã bay xa, chỉ còn lại một vực thẳm của dục vọng hỗn mang, không được điều lí và thế là người sống với nhau như “chó sói đối với người” (Homo homini lupus, thuật ngữ của Hobbes), đang tâm giẵm đạp giày xéo lên những mối tình cao thượng nhất của con người, để cưu mang trong lòng sự thờ ơ nô lệ ngày càng lan rộng nuốt trôi đi cái thế giới “văn minh” này.
Chạy đuổi theo vật chất, phóng tâm ra ngoài quá độ để đến nỗi lạc mất Hồn. Hỡi ơi! Có niềm đau nào to tát hơn nữa không! Kinh Dịch hào sơ cửu và thượng cửu quẻ Kiền viết: “Tiềm long vật dụng hạ dã” và “Kháng long hữu hối cùng chi tai dã”. Cả hai hào này đều quá xa người, đều dẫn đưa người vào hố vong thân cả nếu con người cứ mãi bám trụ vào đấy. Mạnh Tử cũng diễn tả cùng một trạng thái khi ông viết: “Nhĩ mục chi quan bất tư nhi tế ư vật. Vật giao vật tắc dẫn chi nhi dĩ hĩ” (Mạnh Tử, chương Cáo Tử Thượng, tiết 15), quan sát phóng tâm ra ngoài bởi cái gọi là “mắt thấy tai nghe của trăm họ” không phải là suy tư chân thực, và đó là đầu mối dẫn người đi vào con đường vong thân, vì trụ vào vật chất bất động đầy nọa tính, vào những ý niệm chết khô này nọ, lí giới không tưởng nọ kia, để rồi bị chúng giăng mắc thành lưới vô minh dẫn đưa tâm hồn con người vào hố vong thân vong bản ráo trọi.
Làm sao bây giờ? Làm sao để hú lại tiếng kêu Nhân Ái để cho Hồn trở lại với mình, với người, với nước cùng non? Thực sự Hồn có phải trờ trờ hiện hình ra đó như những đống đồ vật “nylon” đâu để mà hòng chạy theo rượt bắt bổ chụp, vì nếu nghĩ như thế thì càng đuổi bắt Hồn càng cao bay xa chạy càng biền biệt mất hút vào Hư Vô vô tận mà thôi. Xin hãy Dừng Lại, xin hãy Lắng Nghe tiếng gọi sâu xa thăm thẳm âm vang vọng lại từ thiên thu vạn đại. Lắng Nghe toàn tâm toàn ý thuận theo tiết nhịp Uyên Nguyên ấy, để cùng nhau hòa nhập làm Một trở nên Nhất Thể. Hãy như thi nhân Thanh Quan khi bước tới Đèo Ngang cảm nhận bao nhiêu tình ý miên man khơi tỏa:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại Trời Non Nước
Một mảnh Tình riêng ta với Ta.
Đó chính là cái dừng chân đột ngột làm đứt đoạn tất cả mọi tư tưởng, giật mình trông lại thân phận con người để thấy rằng trong bấy lâu nay nó đã ngủ triền miên giữa đống đồ vật ngổn ngang tăm tối, để THỨC TỈNH đón chào một ánh bình minh tươi sáng của một trời mới đất mới, để mở đầu cho một cuộc hội thoại giữa ta với Ta, đánh tan đi những vẩn vơ eo xèo chán nản của cuộc sống tuy huyên náo nhưng tẻ nhạt, để dấn bước tiến về nguồn cội của chính mình. Có giật mình như thế mới hiểu nổi bài thơ Thoát Vòng Danh Lợi mà Tồn Chất tiên sinh đã cảm nhận sâu xa:
Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Đám phồn hoa trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết
Quá giả vãng nhi bất thuyết
Cái hình hài làm thiệt cái thân chi
Cuộc đời thử ngẫm mà suy
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu
Hẹn với lợi danh ba chén rượu
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ
Truyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt
Mặc xa mã thị thành không dám biết
Thú yên hà trời đất để riêng ta
Nào ai ai biết chăng là.
Để rồi nhận ra rằng bấy lâu nay ta chỉ theo đuổi những gì huyễn mộng mà thôi. Hãy dừng lại để Nghe tiếng gọi của Chân Tâm, để thấy lại vầng trăng Tâm Linh Viên Mãn xa xưa nơi tiểu ngã đã bắt đầu rời Đại Ngã để ra đi dấn bước vào con đường “giang hồ vô định” của thời gian hiện hữu thúc phược, để cuối cùng lên đường trở về hợp nhất với Đại Ngã Tâm Linh Vũ Trụ. Có như vậy mới thấu rõ vần thơ bi tráng của Tố Như tiên sinh trong hai câu thơ Kiều sau:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Không có một nỗi đau khổ nào hơn khi mình đã đánh mất Linh Hồn để cam tâm đổi lấy những gì ảo ảnh phù du. Thế thì phải làm thế nào để cho Linh Hồn luôn ở lại với mình mà không bay mất hút vào quên lãng? Thế thì phải THÀNH KÍNH trở về với chính mình, cái Mình Đại Ngã, cái Hồn Thiêng Chân Thực, cái Bản Tính Trời phú cho. Cái Bản Tính đó chính là Thần, là Hồn, mà cái ta nhỏ tiểu ngã cần phải TÍN THUẬN phải TINH THÀNH với, thì mới mong “Nhập Thần” tức là nhập làm Một với Thần Linh Đại Ngã, còn gọi là “Nhập Nhân Tính” hay “Nhập Ư Thất”. Chỉ có tiểu ngã cần phải Cảm Nghiệm và Thể Nghiệm vào tận đáy thân tâm thì mới nhập thể hội thông vào chiều kích Siêu Linh của Đại Ngã trong một mối Tình thâm sâu diệu vợi, như những dòng sông chảy vào Đại Dương bao la bát ngát mênh mông vô tận của Tính Thể. Đó mới chính là cứu cánh cuối cùng của kiếp nhân sinh. Hồn như thế hiện diện khắp nơi từng giây từng phút, trong tôi trong bạn, trong khắp vạn vật, trải khắp vũ hoàn, không gì không có Hồn. Bạn cảm được Hồn trong tận đáy lòng bạn, tôi cảm được Hồn trong tận đáy lòng tôi, chúng ta cùng nhau cảm thông Hồn Thiêng Dân Tộc đang linh động nhảy múa ca vịnh an lạc trong cái tiết nhịp Uyên Nguyên của Vũ Trụ sinh sinh bất tức tràn đầy sáng tạo, mở đầu cho một cuộc hội thoại căn cơ, để cùng nhau xây đắp nền NHÂN BẢN TÂM LINH và cùng nhau học tập ĐẠO LÀM NGƯỜI của Tổ Tiên Dân Tộc với tất cả con người đang hiện diện ở đây và bây giờ trên mặt đất, để cùng nhau hát ca ngâm vịnh:
HỠI NGƯỜI! HÃY ĐOÀN KẾT LẠI!
Chỉ là Người tinh tuyền trong tư thế cảm thông linh hiện bàng bạc với Tiên Tổ hùng anh Lạc Hồng mới cảm nhận được chiều kích lớn lao của sự đoàn kết đó. Như thế mới có thể đứng lên “đáp lời sông núi”, đáp lại lời kêu gọi của Con Người Sơ Nguyên, của “Nhân chi sơ Tính bản thiện” (Tam Tự Kinh). Mà chính vì muốn Nghe được lời Nguyên Ngôn đầy tính cách viên dung quán nhất đó mà ta phải TÍN THUẬN với Đại Ngã Tâm Linh của Mình, với Bản Tính trung thực của Mình trên khắp các nẻo đường của đời sống – dĩ nhiên không phải tín thuận vào cái tư ý tư dục của cái ta tiểu ngã nhỏ bé triền phược – để trong mọi hoàn cảnh hạn hẹp của Mệnh ta đều có thể TẬN KÌ TÍNH, nghĩa là phát triển hết mọi khả năng của mình để phục vụ đời sống Tâm Linh của ta cho trọn vẹn. Đó chính là làm tròn Sứ Mệnh của Trời giao phó cho mỗi người chúng ta, Sứ Mệnh cao cả thiêng liêng của nước thiêng Tiên Rồng, để Thụ Mệnh, Nghe tiếng gọi Sơ Nguyên trong cái “Độc Nhất Vô Nhị” nơi mình. Hãy Cẩn Thận Kính Trọng phát triển cái độc nhất vô nhị đó nơi mình để cùng chung hướng về nhịp đập Uyên Nguyên của Toàn Thể Vũ Trụ Vạn Vật. Đó chính là nguyên nghĩa của ba chữ THẬN KÌ ĐỘC vậy. Có thế mới thấu hiểu THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ không phải chỉ là lời nói suông hời hợt, mà sẽ luôn mãi âm ba vang vọng mãnh liệt trong tâm thức của kẻ đi tìm trở về nhà, để theo ta trong mọi nẻo đường của đời sống thế tục, để đem Đạo vào Đời một cách êm thắm linh nhuận nhân sinh bằng những mối Tình Cảm Yêu Thương Cao Thượng nhưng chân thực cụ thể, làm cho đời sống tràn đầy ý nghĩa đáng sống mà hiện nay nó đang vắng mặt trên cái thế giới cằn cỗi đầy khổ đau vì n hiếm hoi, làm cho cõi nhân sinh ngày càng trở nên khô cạn héo mòn. Những Tâm Hồn đại độ vẫn thường phải trải qua những cơn ma chiết, cùng chịu đựng bao nhiêu phong sương lưu lạc trong cõi trần ai đầy hệ lụy này. Phải như vậy mới cảm nhận nổi vần thơ bi tráng mà Cao Chu Thần tiên sinh đã cưu mang trong bài Cuộc Phong Trần:
Có lưu lạc mới trải mùi trần thế
Còn trần ai khôn tỏ mặt công hầu
Ngất ngưởng thay con Tạo khéo cơ cầu
Muốn đại thụ hãy dìm cho lúng túng
Thân hệ bang gia chung hữu dụng
Thiên sinh hào kiệt bất ưng hư
Hãy bền lòng chớ chút oán vưu
Thời chí hĩ ngư long biến hóa
Thôi đã biết cùng thông là Mệnh cả
Cũng đừng đem hình dịch cầu chi
Hơn nhau cũng một chữ Thì.
Chính trong khi hòa nhập trong dòng Tinh Thần Truyền Thống Nhân Loại, Heraclitus đã xuất thần thốt lên: “When you have listened not to me but to the Meaning (LOGOS), it is wise within the same meaning to say: One is All” (Early Greek Thinking, page 59, M. Heidegger, English translation by D. F. Krell and F. A. Capuzzi – Xin tạm dịch: Không phải Nghe theo cái ta nhỏ bé này nhưng là Nghe Logos, Nghe lời Nguyên Ngôn viên dung vô ngại và chân nhận rằng Một là Tất Cả). Lắng Nghe chính là để Tâm Trí Trống Rỗng, tức là sự trải rộng mở ra của tiểu ngã thuận theo tiếng gọi của LOGOS, thì ngay lập tức sẽ có một cái gì rất thích hợp với số mệnh của người nghe sẽ xuất hiện lên. Cũng trong dòng sống Tâm Linh này mà Trang Tử đã viết: “Thả hữu Chân Nhân nhi hậu hữu Chân Tri” (Phải sống là Người Muôn Thuở rồi sau mới có thể đem lại Đạo Lí an bình cho nhân thế – Nam Hoa Kinh, chương Đại Tôn Sư), nghĩa là phải BE THYSELF đã rồi mới “Know Thyself”. Phải sống con người tròn đầy viên mãn đã rồi mới có thể cưu mang cái Tri trọn vẹn, cái Trí Tuệ vô song. Cái Sống Viên Mãn đó mênh mông man mác trùm khắp thiên địa, bao phủ càn khôn, chẳng thể lấy cái lí trí nhỏ bé vô minh của tiểu ngã để mà đo với đếm hầu mong cướp giựt vào mình. Hãy Kính Cẩn Tự Trọng chính Mình thì rồi sẽ cảm nghiệm NÓ trong phút giây uy linh đầy hứng khởi âm ba vang vọng vào tận các nẻo đường đời. Kinh Thi cũng viết: “Tương tại nhĩ thất, thượng bất quí vu ốc lậu. Vô viết bất hiển, mạc dư vân cấu. Thần khả cách tư, bất khả đạc tư, thẩn khả dịch tư” (Hồn chính là dòng sông Tương, là mối Tương Quan căn để, ở tận nơi sâu thẳm trong lòng mọi người. Hãy Kính Cẩn Tự Trọng để không có điều gì thẹn với chính Mình, dù ngay khi Ở Một Mình nơi xó tối. Chính vì Hồn tuy Vô Hình không hiển hiện nhưng lại hiện diện khắp nơi, cho nên chớ vì thế mà buông lung phóng túng tiểu ngã. Hồn cũng không thể đo lường bằng khoa học thực nghiệm hay những trắc nghiệm này nọ cùng những suy tư vẩn vơ rình mò chụp bắt của lí trí được, mà chỉ có thể Chứng Nghiệm bằng Tâm Thức Vũ Trụ mà thôi – Thiên Đại Nhã, bài Ức). Khéo mà lấy cái trí bủn xỉn nghèo nàn của tiểu ngã mà đo đếm Thiên Địa Chi Tâm thì chỉ có bị chết ngộp trong những đống thành kiến cứng đọng thôi. Lấy cái Hữu Hạn để đo cái Vô Hạn ư! Sao mà không biết tự lượng như thế! Phải là Tâm bao la mới cảm được Vũ Trụ bao la. Đó chính là cái luật Đồng Thanh Tương Ứng Đồng Khí Tương Cầu vậy. Có như thế mới cảm được cái thi vị bao la của bài thơ Buổi Chiều Lữ Thứ, trong mối Tình chan hòa giữa Người và vũ trụ vạn vật, mà thi nhân Thanh Quan đã cảm tác tuyệt diệu như sau:
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
Chính cái Tâm Thái Cực đó, cái Hồn Thiêng đó đã hướng dẫn Dân Tộc qua bao nhiêu bận thăng trầm, khi thì chống ngoại xâm bảo vệ nòi giống Lạc Hồng, khi thì xây dựng đất nước dẫn dắt dòng Bách Việt tiến lên nẻo đường Nhân Bản Tâm Linh. Cái Tâm Bát Nhã đó như một năng lực kì diệu mà nếu ta khéo biết vận dụng sẽ có thể hóa giải được tất cả những đấu tranh ý hệ vô bổ trên toàn thế giới hiện đang giằng co nhau giữa Hữu với Vô. Có thế mới gọi là đóng góp vào nền Văn Hóa nhân loại trong giai đoạn hòa hợp liên châu này. Để làm được như vậy thì cần phải đi sâu vào Hồn Nước, vì càng đi sâu ta càng sống một cách mãnh liệt hăng say thành khẩn, sống trọn vẹn tràn lan đầy hoan lạc sáng tạo. Càng đi sâu vào Nhân Tính càng hội thông với Dân Tộc mà cũng là con đường thênh thang dẫn tới Nhân Tộc. Đó là ý nghĩa thâm sâu bàng bạc của câu “Tinh nghĩa nhập Thần dĩ trí dụng dã” (Kinh Dịch, Hệ Từ Hạ, chương 5).
Đến bây giờ, sau bao năm tìm kiếm trong cực nhọc đau khổ vô vọng, tôi mới cảm nhận được sâu xa lời nói của đấng Vạn Thế Sư Biểu: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?” (Luận Ngữ, chương Học Nhi, tiết 1). Kẻ Học Đạo Làm Người mà lúc nào và luôn luôn, ở đây và bây giờ, Tu Thân trong tư thế Tồn Tâm Dưỡng Tính, tìm kiếm và phát triển tất cả những năng lực còn tiềm tàng trong con người mình để luôn thực tập hàm dưỡng cho tinh thông nhuần nhuyễn, há không lấy đó làm vui hay sao? Nếu có những người bạn chẳng ngại xa xôi vì Đồng Thanh Đồng Khí đến thăm viếng mình để cùng nhau xây dựng nền tảng NHÂN BẢN TÂM LINH cho đem đó ra làm mẫu mực Muôn Thuở nối tiếp Truyền Thống Văn Hiến Chi Bang, há không lấy đó làm an lạc sảng khoái hay sao? Hơn thế nữa, nếu chẳng ai biết mình thì một mình mình cứ “Độc Hành Kì Đạo”, “Độc Thiện Kì Thân”, tự hoàn bị lấy chính mình như một con người chân chính, há đó không phải là hạnh nguyện của bậc quân tử hay sao? Mình cứ an nhiên “Độc lập bất cụ, độn thế vô muộn” (Kinh Dịch, quẻ Trạch Phong Đại Quá), nghĩa là việc gì đáng làm dẫu toàn thiên hạ không ai làm mà mình vẫn cứ làm, an nhiên tự tại mà làm, làm một cách hào sảng thơ thới hân hoan; còn việc gì không đáng làm dẫu toàn thiên hạ thảy làm mà mình cũng không chịu làm, cứ tự nhiên nhi nhiên trong tư thái an vi. Một mình mình cứ hành động thuận thiên, cứ như Ông Cụ BÀN CỔ nhà ta tự xây đắp tô điểm một trật tự Vũ Trụ từ trong hỗn mang, xây dựng nhân sinh một cách an nhiên tự tại, đi sâu vào lòng nhân thế mà nhân thế cũng không thể nào biết mình, thế không phải là cái hạnh của bậc “Chí Nhân vô kỉ, Thần Nhân vô công, Thánh Nhân vô danh” (Nam Hoa Kinh, chương Tiêu Dao Du) hay sao. Tôi muốn hiểu nghĩa chữ “độn thế” như thế này: lặn sâu vào lòng đời, vào lòng thế nhân vũ trụ, để cảm nhận sâu xa rằng Đạo Đời không hai, để sống âm thầm lặng lẽ như Thời Gian xoay chuyển, cùng nhập làm Một với căn tính của Thời Gian. Do đó chỉ có bậc Thánh mang trong lòng Trí Huệ như hải, thâm cảm Vũ Trụ này là Vũ Trụ của Mình, thì tuy thân ở trong đời mà đời khó thể nhận ra được vì có còn cách biệt với ai nữa đâu, tất cả Vũ Trụ chỉ là thân tình là nhà của mình cả mà lị. Đó cũng là ý nghĩa thâm trầm trong câu: “Độn thế bất kiến tri nhi bất hối, duy thánh giả năng chi” (Độn thế chẳng ai thấy biết mình mà mình không buồn thì chỉ có bậc Thánh mới làm được như vậy mà thôi – Trung Dung, chương 11). Đấy! Cái Đạo Học Làm Người của cổ nhân thâm hậu thế đấy, chẳng đáng để tâm cho chúng ta suy tư, học hỏi, rồi thực hành hay sao.
Cái Học đó bên trong là Nội Thánh, nghĩa là bên trong từ phàm nhân tiểu ngã tiến lên bậc Thánh nhân Đại Ngã Tâm Linh, mà bên ngoài là Ngoại Vương, nghĩa là đem Tâm Vũ Trụ nhuần thấm đời sống tiểu ngã cá thể để nó bớt đi đối với kháng, để mang Nhân Ái xây lại hòa vui an lạc ở đời, mang lại Thái Hòa An Lạc trong nhân sinh. Đó không phải là ước muốn trong lòng mọi người chúng ta hay sao? Đó không phải là Chí Anh Hào mà Hi Văn tiên sinh vẫn thâm cảm hay sao:
Việc đời đã chắc chắn đâu
Ỡm ờ con Tạo một màu trêu ngươi
Hóa Nhi đa hí lộng
Đúc chuốt ra rồi bắt bẻ làm sao
Khéo gán phần những việc đâu đâu
Biết là mấy phân hiêu bàn thác
Sơ sinh bất hạnh thành đầu giác
Vạn lí ưng nan tích vũ mao
Trót đã mang một tiếng anh hào
Lại muốn chuốc cuộc nhàn sao phải
Mặc xui khiến dám nghĩ đâu thành bại
Đem thông minh mà đền lại Hóa Quân
Thử xem cơ Tạo xoay vần.
Đạo Làm Người đó lấy câu “Dĩ tu thân vi bản” (Lấy việc Tu Thân làm gốc lớn nhất để xây dựng và phát triển con Người Đại Ngã – Đại Học, chương 1) làm tôn chỉ tu luyện. Ở đây “Tu Thân chính là dùng Văn Hóa chân thực làm cho phát triển đến cùng cực tất cả mọi cơ năng thuộc thân cũng như tâm. Nói khác Tu Thân là con đường hữu hiệu nhất đưa đến Thiên Địa Chi Tâm, chính là nền tri thức quán thông thiên địa của những Chân Nhân tức là cái biết cao sâu nhất, vĩ đại nhất: là Đại Học trên các Đại Học” (Kim Định, Triết Lí Giáo Dục, trang 39). Cái bổn cái gốc đó là cái to lớn nhất, vững chắc nhất để con người y cứ nơi đấy mà lập thân hành đạo. Cái Học đó phải cầu nơi mình chứ không thể cầu ai khác làm thay cho mình được. Chính vì thế mà Mạnh Tử viết: “Hữu phóng tâm nhi bất tri cầu. Học vấn chi đạo vô tha cầu kì phóng tâm nhi dĩ hĩ” (Cái Lương Tâm, cái Hồn của mình đã thất lạc mà mình lại thờ ơ chẳng thèm tìm cách kiếm Nó trở lại, như thế không đáng buồn hay sao. Ấy thế cho nên, Người Học Hỏi Đạo Lí chỉ có một mục đích duy nhất trong cuộc đời mà thôi: tìm lại cái Hồn, cái Lương Tâm thất lạc của mình – Mạnh Tử, chương Cáo Tử Thượng, tiết 11). Luận Ngữ có viết: “Tu kỉ dĩ kính. Tu kỉ dĩ an nhân. Tu kỉ dĩ an bá tính” (Tu thân bằng Kính Trọng Mình, Kính Trọng Người, đó là con đường dẫn tới an hòa với tha nhân – Chương Hiến Vấn, tiết 45). Xin hỏi tại sao lại Tự Trọng Mình? Xin thưa chỉ vì Mình đáng Tôn Trọng từ nơi căn để, không cần đến cái gì ngoài mình mà mình mới được Trọng, bởi vì từ căn để Mình chính là Thượng Đế, và cả người khác cũng thế, cũng mang trong lòng Tính Thể của Thượng Đế như Ta. Cũng vậy trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, khi Ngài Phổ Hiền Bồ Tát khuyên nhủ những ai muốn làm nên công đức của Phật thì phải Tu mười điều hạnh nguyện lớn lao mà Nguyện đầu tiên là Lễ Kính các Đức Phật (Nhất giả Lễ Kính chư Phật), vì mỗi vị Phật đều mang Thể Tính của Con Người Đại Ngã. PHẬT chính là Dòng Sống Tâm Linh trôi chảy trong lòng mỗi người chúng ta mà ai quay vào sẽ cảm thấy sự dịu ngọt của mạch Cam Tuyền đó. Lễ Kính chư Phật nghĩa là Lễ Kính Đại Ngã Tâm Linh hiện diện nơi Mình, nơi Người, nơi Vũ Trụ Vạn Vật trong từng sát na. KÍNH là cốt lõi của LỄ, là Đức đầu tiên trong việc cư xử với tha nhân để tỏ lòng Tôn Trọng nhân phẩm nơi họ, và đó chính là nền móng an bình trong xã hội, vì bất cứ ai thấy được Tôn Kính cũng cảm thấy thỏa mãn nguyện vọng sâu thẳm trong lòng. Nên Kính cũng chính là đầu mối của hòa lạc an vui. Ba chữ VÔ BẤT KÍNH – Không gì không KÍNH, không lúc nào không KÍNH – mở đầu Kinh Lễ đủ để tóm tắt hết tất cả toàn thể Kinh Lễ, vì tất cả thiên địa vạn vật trên đời này đều mang trong tận tâm can Thể Tính của Thượng Đế, nghĩa là đều đáng được Kính Tôn. Nếu Trời đáng Tôn Người là Tâm của Trời cùng Đất. Chính thế người quân tử phải “hành đốc kính”, nghĩa là hành động hăng say tích cực trong việc phát triển con người Đại Ngã nơi mình. Để rồi “Kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân” (Mình muốn lập thân hành đạo thì cũng mong người được lập thân hành đạo trong tinh thần tương thân tương kính ái, để mình đạt thì người cũng đạt – Luận Ngữ, chương Ung Dã, tiết 28). Chính Mạnh Tử diễn tả rõ hơn trong câu: “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu” (Tôi yêu cha mẹ tôi để rồi yêu cha mẹ của mọi người, tôi yêu con tôi để rồi mở rộng ra tới con của mọi người – Mạnh Tử, chương Lương Huệ Vương Thượng, tiết 6). Trung Dung nói một cách rất bình thường giản dị hầu như ai cũng cảm thấy như vậy, nhưng mà lại quan trọng vô cùng, nó gần như là cái Luật Tự Nhiên, đó là “Quân tử chi đạo thí như hành viễn tất tự nhĩ, thí như đăng cao tất tự ti” (Cái gì cũng phải đi từ thấp đến cao, từ gần đến xa, đó chính là đạo của người quân tử vậy – Trung Dung, chương 15). CÁI GẦN MÌNH NHẤT CHÍNH LÀ ĐẠI NGÃ TÂM LINH. Cho nên cần phải Tu Thân, nghĩa là khuếch trương cái Đại Ngã để Nó chiếu sáng ra khắp nơi, như mặt trời soi rọi ánh dương quang cho vạn vật tự hóa. Không bắt đầu từ Mình mà cứ đòi đi xây dựng tha nhân, xã hội, quốc tế, thì cái hỏng đã thấy ngay từ căn cơ. Giày xéo lên tất cả Tình Người để mong thấy một nhân loại đại đồng trừu tượng ư! Thực là mơ hồ không tưởng và ngu ngốc quá đỗi!
Thực Tại bao giờ cũng giản dị đến độ làm cho người ta vong Tính, quên lãng thân phận làm người của mình. Sự Kính Trọng con người bắt nguồn từ lúc ta chân nhận ra Thể Tính sâu xa của chính mình và như vậy cùng một lúc nơi tha hữu. Thế mà từ xa xưa Tổ Tiên ta đã chân nhận và thể nghiệm điều đó hàng ngày từng giờ từng phút. Đó chính là trong tục thờ cúng ông bà hay Lễ Gia Tiên, nơi Đức Kính Tôn được dạy dỗ đến cùng cực, dạy con người đến chỗ hoàn bị. Lễ Gia Tiên chủ Kính, thế mà Tế Tự chính là để tỏ lòng Kính, như câu nói trong Luận Ngữ: “Tế tư Kính” (Hành Lễ trong tinh thần Tôn Kính tột bực – Chương Tử Trương, tiết 1). Không những tôn trọng người đã mất mà còn làm hoàn bị Tinh Thần Tế Tự của người đang sống. Tế Tự chính là tác động tinh tuyền nhất đưa con người trở về nguồn sống Tâm Linh để nhập Nhân Tính, để Thành Nhân. Đó cũng là ý nghĩa thâm thúy vô cùng trong câu: “Tế như tại. Tế Thần như Thần tại” (Tế Tự với lòng Thành Kính ở đây và bây giờ mãi mãi như là nhập làm Một với Thần Linh vì lúc nào Thần Linh cũng hiện hữu – Luận Ngữ, chương Bát Dật, tiết 12). Tác động tinh tuyền đó là làm sao “Nội tận ư Kỉ nhi ngoại thuận ư Đạo dã” (Kinh Lễ, thiên Tế Thống). Đó chính là Đạo Trung Thứ, là Lí Nhất Quán trong Đạo Học Đông Phương vậy. “Nội tận ư Kỉ” có nghĩa là Trung với nội tâm mình, là “Tận Kỉ chi vị Trung”. “Ngoại thuận ư Đạo” chính là “Suy Kỉ cập nhân chi vị Thứ” hay là Đạo “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn ai làm cho mình thì trước hết chớ làm cho ai khác – Luận Ngữ, chương Nhan Uyên, tiết 2). Tôi không thích nghe nhạc hardrock mà anh cứ suốt ngày vặn radio nhạc rock ầm ầm bắt tôi phải nghe thì đâu có làm cho tôi sướng, đó là trái với đạo “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” vậy. Nhìn vào gần hơn, tinh tế hơn, ta sẽ thấy trong Lễ Gia Tiên thì lối xếp đặt bài vị VĂN TỔ cũng chính là một diễn tả khác của Đạo Trung Thứ, của Lí Nhất Quán. Văn Tổ chính là “Nội tận ư kỉ” hay là Trung trong “Tận kỉ chi vị Trung”, còn Đạo Thứ trong “Suy kỉ cập nhân chi vị Thứ” thì thay thế Tằng, Cao, Tổ, Nỉ tượng trưng cho tứ hải Đông, Tây, Nam, Bắc chung một nhà. Do đó tế Văn Tổ là tác động Thành Kính nhất để qui hướng về Nội Tâm của người tế, rồi từ đó lan tỏa mối Tình Thâm ra xung quanh hóa thành Tình Huynh Đệ phổ biến, để Tình Một Mẹ Trăm Con được tưới rải khắp vũ hoàn. Đó không phải là đạo Nội Thánh Ngoại Vương hay sao. Đó không phải là Tế Thế An Bang hay sao.
Đạo Làm Người đó dĩ nhiên chẳng thể nào xa người, luôn lấy người làm trung tâm điểm xuất phát và qui hồi. Cho nên để trả lời câu hỏi “Tôi Là Ai?”, Kinh Lễ thiên Lễ Vận có định nghĩa về Người như sau: NHÂN GIẢ KỲ THIÊN ĐỊA CHI ĐỨC, ÂM DƯƠNG CHI GIAO, QUỈ THẦN CHI HỘI, NGŨ HÀNH CHI TÚ KHÍ DÃ (Người là cái Đức của Thiên Địa, là nơi Giao Hội của Âm Dương Quỉ Thần, là cái Khí Thiêng Anh Linh của Ngũ Hành). Câu định nghĩa trên thực là bao trùm, đưa con người lên bậc Tam Tài, giữ chức vụ Nhân Chủ với bổn phận từ trong căn để là luôn HÒA Trời với Đất, sắp đặt muôn loài trong một trật tự Vũ Trụ, vì tất cả chỉ là trong một tương giao cơ thể mật thiết không thể tách rời, tất cả chỉ là Một, là Thống Nhất (nhưng không đồng nhất). Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể là như thế. Con người là Thiên Địa Chi Tâm mà Lục Tượng Sơn tiên sinh đã thốt một cách sảng khoái xuất thần trong câu nói thời danh “VŨ TRỤ TIỆN THỊ NGÔ TÂM, NGÔ TÂM TỨC THỊ .VŨ TRỤ” (Vũ trụ chính là tâm ta, tâm ta chính là vũ trụ – Phan Sào Nam, Khổng Học Đăng, trang 715). Và chính vì thế mà “VŨ TRỤ NỘI SỰ NÃI KỈ PHẬN NỘI SỰ, KỈ PHẬN NỘI SỰ NÃI VŨ TRỤ NỘI SỰ” (Việc trong vũ trụ là việc của Mình, việc của Mình là việc trong vũ trụ – Phan Sào Nam, Khổng Học Đăng, trang 715). Đó cũng là Chức Phận Trượng Phu mà Tồn Chất tiên sinh Tâm Niệm:
Vũ trụ chức phận nội
Đấng Trượng Phu một túi kinh luân
THƯỢNG VỊ ĐỨC, HẠ VỊ DÂN
Nên nỗi phải xuất thân mà gánh vác
Có sự nghiệp mới đứng cùng trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây
Trí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây
Phải tùy thế mà ra tay kinh tế
Người đời thế trả nợ đời là thế
Của đồng lân thiên hạ của chung
Hơn nhau hai chữ Anh Hùng.
Thực ra câu nói Nội Thánh Ngoại Vương là để phân biệt rõ bên trong bên ngoài của cùng một Thực Thể, nhưng trong thực tế cả hai quyện lẫn vào nhau một cách hồn nhiên làm nên Nhất Thể. Câu hỏi kế tiếp là công việc nào làm nên Nội Thánh? Còn công việc nào làm nên Ngoại Vương? Xin lấy câu trả lời của sách Đại Học “ĐẠI HỌC CHI ĐẠO, TẠI MINH MINH ĐỨC, TẠI THÂN DÂN, TẠI CHỈ Ư CHÍ THIỆN” (Cái Đạo của Đại Học bao gồm Nội Thánh và Ngoại Vương. Làm sáng cái Đức Sáng, sáng cái Tâm Bát Nhã của mình là công việc làm thành Nội Thánh, còn đem Thân Dân hay Tình Thương phổ cập chúng sinh là chức phận làm nên Ngoại Vương, mà nơi hướng đến là dòng sống Tâm Linh hay Chí Thiện – Đại Học, chương 1). Kinh Dịch quẻ Hỏa Địa Tấn có viết: “MINH XUẤT ĐỊA THƯỢNG, TẤN, QUÂN TỬ DĨ TỰ CHIẾU MINH ĐỨC” (Mặt trời Trí Tuệ phát xuất từ mối Tình Thâm tỏa chiếu khắp mặt đất, đó là cái tượng của quẻ Tấn. Người quân tử chiêm nghiệm theo đấy mà hoàn thành công việc Nội Thánh là “tứ làm sáng Đức Sáng nơi Mình). Nói theo Trung Dung thì Chí Trung là Minh Minh Đức, Chí Hòa là Thân Dân, Chí Trung Hòa là Chí Thiện vậy. Trung là gốc lớn trong thiên hạ, Hòa là chỗ đạt đạo (TRUNG DÃ GIẢ THIÊN HẠ CHI ĐẠI BẢN DÃ, HÒA DÃ GIẢ THIÊN HẠ CHI ĐẠT ĐẠO DÃ – Trung Dung, chương 1). Trung để chỉ tác động nội hướng là đi vào Nội Tâm sâu thẳm đến chỗ cùng cực của mình gọi là Chí Trung, để đạt Tính Người chân thực. Hòa là phần bên ngoài, là Ở Đời sao cho mọi mối nhân luân, mọi việc ăn làm đều đi trúng tiết nhịp của Trung, của Nội Tâm sâu thẳm mới được gọi là dung dị hòa hài. Trung là căn để của Hòa, Hòa là hậu quả của Trung. Toàn thể Đạo Làm Người của Đông Phương có thể tóm tắt vào ba chữ CHÍ TRUNG HÒA này vậy. Xin lấy ví dụ hai chỡ Việt Nam ra luận bàn về ý nghĩa của nó. Việt có nghĩa là vượt lên trên, vượt qua, là “đáo bỉ ngạn” (vượt qua bờ bên kia), là “thiệp đại xuyên” (lội qua sông lớn). Nhưng để đi đâu? Để tiến về nguồn cội là cõi Tâm Linh chỉ hướng Nam, nơi hành Hỏa thuộc Tâm Linh. Nếu lấy tiếng Phạn Prajna paramita, thì Việt = Paramita, Nam = Prajna. Đó chính là Trí Tuệ Bát Nhã, là Trí Tuệ Siêu Việt, là dòng sống Tâm Linh, là Bản Tính chân thực của Con Người Muôn Thủa, và là cái gốc lớn của thiên hạ hay là Chí Trung, mà Việt Nam có duyên may là nơi kí thác thừa tự, vậy nên có Sứ Mệnh truyền bá nó ra. Hãy nhìn đặng tự chữ TÍNH 性 sẽ thấy nó biểu lộ dòng sống Tâm Linh một cách sâu thẳm siêu diệu nhất. TÍNH kép bởi TÂM 心 và SINH 生, ở đây Tâm = Tâm Linh và Sinh = Dòng Sống. Nói theo cơ cấu Ngũ Hành thì Tâm = 3 và Sinh = 2 hợp lại thành Tính = 5. Do đó Tính tượng trưng cho cái gì trọn vẹn siêu việt, là nơi tụ hội của đất trời, của khôn càn, nên chứa đựng tất cả Vũ Trụ mà chỉ cần ta quay về, Thành Thực quay về thì sẽ cảm thấy mọi sự mọi vật đều đầy đủ nơi Tâm ta, và điều đó không còn gì sung sướng hạnh phúc hơn. Đó chính là ý sâu trong câu nói của Mạnh Tử “VẠN VẬT GIAI BỊ Ư NGÃ HĨ, PHẢN THÂN NHI THÀNH LẠC MẠC ĐẠI YÊN” (Mạnh Tử, chương Tận Tâm Thượng, tiết 4). Còn gì vui sướng hơn khi thấy Tâm Mình là Vũ Trụ mà bấy lâu nay vì quên lãng hay vì chạy theo cái học trục vật mà quên bẵng đi mất, nay trở lại thì đúng là trở về Quê Hương Tinh Thần, nơi Thánh Địa của con người Đại Ngã, Quê Mẹ Việt Thường đầy Tình Thương hoan lạc siêu việt.
Số 3 chỉ Tâm Linh là cái gì bao la vô hạn, vô biên man mác không thay đổi, chưa có hình tích rõ rệt, không thể diễn tả, luôn luôn hiện hữu có mặt, và nhập thể vào cái hữu hạn là số 2 chỉ đời sống phù du luôn luôn biến động thay đổi này. Do đó Tâm Phải Trùm Cảnh (Sinh) Thì Mới Là TÍNH. Những con ố vài ba này được Kinh Dịch gọi là những con số nền tảng (THAM THIÊN LƯỠNG ĐỊA NHI Ỷ SỐ – Thuyết Quái, chương 1). Tâm tượng trưng cho Đức Trời phải bao trùm Đức Đất là Sinh, cũng như Tâm là tròn phải bao hàm đời sống là vuông, bánh dày phải ở trên bánh chưng. Cho nên để Tận Kì Tính, con người ta phải đem tất cả sự sống của cái ta tiểu ngã đi theo tiếng gọi của Tâm Linh thì một lúc nào đó trong cuộc đời, ánh sáng Đạo Thể siêu việt thời gian sẽ hớp chúng ta vào dòng sống Tâm Linh của vòng Đại Diễn Vũ Trụ xán lạn nọ. Tận Kì Tính là Hòa Tâm với Sinh theo nghĩa hòa 3 với 2 thành 5, nghĩa là lấy Tâm trùm cảnh, Tình trên lí, và khi điều đó hoàn bị – tức là tình cực thâm sâu thì văn sẽ sáng rực rỡ (TÌNH THÂM NHI VĂN MINH – Kinh Lễ, thiên Nhạc Kí) – thì đạt Mệnh hợp với Thái Cực. Đó chính là cứu cánh tối hậu của con người và là mục tiêu cuối cùng của khoa Siêu Hình Trung Thực, của nền Nhân Bản Tâm Linh chân thực.
Toàn thể Kinh Dịch được viết ra dưới ánh sáng Tâm Linh chỉ là cốt để giúp con người sống thuận theo dòng Tính Mệnh hầu đạt được cứu cánh của mình là Làm Người Muôn Thưở (TÍCH GIẢ THÁNH NHÂN CHI TÁC DỊCH DÃ, TƯƠNG DĨ THUẬN TÍNH MỆNH CHI LÍ – Thuyết Quái, chương 2). Trung Dung bảo phải SUẤT TÍNH. Suất Tính là một thái độ, một tác động trọn vẹn tinh tuyền, tự do lai xuất, không có cái ý tư riêng nhỏ hẹp độc chiếm của cái tôi tiểu ngã (tức là cái ego trong câu “cogito ergo sum” của Descartes) chen lấn vào. Vì thế phải gạt bỏ những tư ý tư dục để cho Thiên Tính nơi ta được phát hiện đầy đủ không bị vướng mắc trong những cái tư riêng hẹp hòi đó. Thành được cái Tính của mình trong cố gắng liên tục và giữ cho lâu dài như Thời Gian luôn xoay chuyển, đó là cửa dẫn vào Đạo Nghĩa Làm Người vậy (THÀNH T ÍNH TỒN TỒN ĐẠO NGHĨA CHI MÔN – Hệ Từ Thượng, chương 5). Chính ở tác động đạt Tính thụ Mệnh này mà sách Trung Dung diễn tả được trạng thái toàn diện đó “DUY THIÊN HẠ CHÍ THÀNH VI NĂNG TẬN KÌ TÍNH. NĂNG TẬN KÌ TÍNH TẮC NĂNG TẬN NHÂN CHI TÍNH. NĂNG TẬN NHÂN CHI TÍNH TẮC NĂNG TẬN VẬT CHI TÍNH. NĂNG TẬN VẬT CHI TÍNH TẮC KHẢ DĨ TÁN THIÊN ĐỊA CHI HÓA DỤC. KHẢ DĨ TÁN THIÊN ĐỊA CHI HÓA DỤC TẮC KHẢ DĨ DỮ THIÊN ĐỊA THAM HĨ” (Duy có bậc chí thành mới hiện thực được hết cái Bản Tính độc đáo trời phú cho mình. Mà hiện thực được cái Tính độc đáo đó của mình đến cùng cực cũng là hiện thực được Tính Bản Nhiên của Con Người Đại Ngã và lúc đó có thể tham dự cùng trời đất giúp vào đà tiến hóa của muôn vật – Trung Dung, chương 22). Giúp vào đà tiến hóa của muôn vật với ý nghĩa rất cụ thể, ở đây dục là no đủ còn hóa là nhởn nhơ thanh thoát như Tiên với đôi cánh thực sự. Cho nên Thành Tính có nghĩa là đi theo đạo Trung Hòa giữa âm và dương, giữa thiên và địa, phải Chí Trung mới Chí Hòa )mà tiếng Anh dịch là “When the centering is utmost, the harmony is greatest” – Đạo Trường Chung Cho Đông Á, Kim Định, trang 59), nghĩa là phải lặn sâu mãi vào miền Tiềm Thức Cộng Thông thì mới có thể đem hòa điệu đến cho một trời mới đất mới được. Đó cũng là Chí Thành mà “CHÍ THÀNH NHƯ THẦN” (Trung Dung, chương 24). Và Thần thì biến hóa ẩn hiện vô cùng vô tận không thể đo lường được (ÂM DƯƠNG BẤT TRẮC CHI VỊ THẦN – Kinh Dịch, Hệ Từ Thượng, chương 5). Cho nên cuối cùng TÍNH là Dòng Sống Tâm Linh đại đồng, trung tâm của mọi sự sống, mối đầu tiên của muôn loài, không có nó không vật nào sống được cho ra Hồn.
“Trong Kinh Dịch, Tính ẩn trốn chập chờn như dòng suối sâu chảy ngầm trong cỏ và làm cho cỏ xanh tươi, Tính làm Thái Cực thành Thái Cực: TÍNH LÀ DỊCH. Trong Đạo Đức Kinh, Tính mù mờ im lặng ngu ngơ huyền ảo, mở phương trời mây trắng cho Đạo thành Đạo, Tính làm cho không tên thành tên: TÍNH LÀ HUYỀN trong huyền chi hựu huyền” (Im Lặng Hố Thẳm, Phạm Công Thiện, trang 28). Cho nên nếu KNOW THYSELF là sấm ngôn của thần Apollo mà Socrates là đại diện phát biểu, thì TẬN KÌ TÍNH là khẩu hiệu sống của Con Người Đại Ngã Tâm Linh, của Con Người Việt Nam Muôn Thưở. Có thực hiện tận cùng cái Tính độc đáo của mình, tức phát triển cùng cực mọi quan năng Ý Tình Chí thì lúc ấy mới mong đạt Mệnh, tức là đạt tiết điệu Uyên Nguyên của nhịp sống sáng tạo, cái Nhịp Hai của Âm Dương Thái Hòa, Nhịp Ba của Tam Tài Nhân Chủ, Nhịp Năm của Ngũ Hành Tâm Linh cho đến Nhịp Chín của Cửu Trù Hồng Phạm, toàn là những Nhịp Sơ Nguyên của Vũ Trụ Tâm Linh. Toàn bộ nền siêu hình Kinh Dịch chỉ là một bản Ca Vũ Vũ Trụ, những điệu Ca điệu Vũ siêu linh mang nhịp sáng tạo đi vào căn cơ của Thời Tính cũng chính là căn cơ của Con Người Muôn Thưở. Căn cơ đó chính là Vũ Trụ Chi Tâm. Muốn tìm lại cái Tâm của Thiên Địa mà cũng chính là Tâm Mình xin hãy nhìn vào quẻ Phục hào sơ cửu “BẤT VIỄN CHI PHỤC DĨ TU THÂN DÔ (Tâm Vũ Trụ không xa người, muốn tìm lại nó cần phải Tu Thân). Thế cho nên chỉ có Tu Thân là con đường hữu hiệu nhất để đạt Thiên Địa Chi Tâm. Để đạt NÓ, Tam Tổ Tăng Xán cũng khuyên luôn phải trở về nguồn cội trong từng sát na Quán Chiếu Nội Tâm như được diễn tả trong một đoạn sau đây của bài Tín Tâm Minh nổi tiếng:
Qui căn đắc chỉ
Tùy chiếu thất tông
Tu du phản chiếu
Thắng khước tiền không
Địa Lôi Phục, cái tên nghe kì lạ thú vị nhỉ. Muốn cảm được Thiên Địa Chi Tâm phải dùng ý chí sắt đá như địa chấn để phá vỡ đi tất cả những bức tường thành của vô minh giả tạo, phải tuyệt tứ, phải bế quan phong tỏa “nhĩ mục chi tư”, phải ngưng hết mọi vọng tưởng nghĩa là dùng phép Chỉ quán, ở đây “chỉ” là ngưng vọng tưởng và “quán” là Quán Tự Tại trong Tâm Kinh Bát Nhã (QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT HÀNH THÂM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA THỜI CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG ĐỘ NHẤT THIẾT KHỔ ÁCH), nghĩa là không cho những tư tưởng động loạn về những chuyện thế gian xuất hiện, đưa con Tâm về chỗ thuần phác tự nhiên, vào chốn trung cung hành Thổ, mà không đi ra ngoài bưng biền biên tái của lí trí đa tạp. Đó là ý nghĩa của lời tượng quẻ Phục “LÔI TẠI ĐỊA TRUNG, PHỤC, TIÊN VƯƠNG DĨ CHÍ NHẬT BẾ QUAN, THƯƠNG LỮ BẤT HÀNH, HẬU BẤT TỈNH PHƯƠNG”. Có như thế mới hầu mong thấy được Bản Lai Diện Mục của chính mình. Nói cách khác phải AN THỔ, nghĩa là quảng cái học thông minh lí trí đi để Tâm Hồn Trống Rỗng thì một lúc nào đó ánh sáng Đạo Thể sẽ lóe sáng và con người cảm thông là Một với Toàn Thể Vũ Trụ Vạn Vật. An Thổ cũng có nghĩa là đem Ý Tình Chí trở về con Tâm Vũ Trụ nơi phát xuất ra chúng thì mới cảm được Vũ Trụ và Con Người là Một. Đó chính là ý nghĩa thâm trầm trong lời tượng của quẻ Trạch Sơn Hàm “SƠN THƯỢNG HỮU TRẠCH, HÀM, QUÂN TỬ DĨ HƯ THỤ NHÂN”. Và một khi đã Cảm Thông rồi, đã Chứng Nghiệm rồi thì dẫu cho có thiên lôi chẻ núi phong vũ bão táp dốc biển đi nữa thì người quân tử vẫn An Nhiên Tự Tại mà dấn bước trên con đường hành đạo tiến đức tu nghiệp. Lời tượng quẻ Hằng viết về tâm trạng đó như là “LÔI PHONG, HẰNG, QUÂN TỬ DĨ LẬP BẤT DỊCH PHƯƠNG”, tức là đã đi vào miền Hoan xứ Nghệ, vào quê hương Tinh Thần Vĩnh Cửu rồi thì còn phải sợ bóng sợ gió gì nữa. Lúc đó tất cả Ý Tình Chí đều xuôi dòng về Chân Tâm, và Con Người sống thuận theo Thiên Lí. Chính đây là trạng thái mà quẻ Hằng đã diễn tả “NHẬT NGUYỆT ĐẮC THIÊN NHI NĂNG CỬU CHIẾU, TỨ THỜI BIẾN HÓA NHI NĂNG CỬU THÀNH, THÁNH NHÂN CỬU Ư KÌ ĐẠO NHI THIÊN HẠ HÓA THÀNH. QUAN KÌ SỞ HẰNG NHI THIÊN ĐỊA VẠN VẬT CHI TÌNH KHẢ KIẾN HĨ”. Ý Tình Chí (ám chỉ nhật nguyệt) đã về với Tâm (đắc thiên) thì chiếu rọi muôn đời, thành tựu biến hóa, và Thánh Nhân an trụ nơi Đạo Làm Người mà thiên hạ đều thành nhân. chỉ cần quán cái Tâm Tự Tại thì sẽ thấy cái Tình tràn lan thâm hậu của thiên địa vạn vật vậy. Cái Tình ấy còn bàng bạc hương vị trong bài thơ Sĩ Tụng với Thể Tính ngàn đời của nó, không những gói trọn cuộc đời của Tồn Chất tiên sinh mà còn là Tâm Niệm của bao Tâm Hồn Việt Nam Muôn Thưở:
TƯỚC HỮU NGŨ SĨ CƯ KÌ LIỆT
DÂN HỮU TỨ SĨ VI CHI TIÊN
Có giang sơn thì SĨ đã có tên
Từ Chu Hán vốn SĨ này là quí
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị
ĐẠO LẬP THÂN PHẢI GIỮ LẤY CƯƠNG THƯỜNG
KHÍ HẠO NHIÊN CHÍ ĐẠI CHÍ CƯƠNG
So chính khí đã đầy trong trời đất
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
HIÊU HIÊU NHIÊN ĐIẾU VỊ CANH SẰN
Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là SĨ sau là khanh tướng
KINH LUÂN KHỞI TÂM THƯỢNG
BINH GIÁP TÀNG HUNG TRUNG
VŨ TRỤ CHI GIAN GIAI PHẬN SỰ
NAM NHI ĐÁO THỬ THỊ HÀO HÙNG
Nước nhà yên mà SĨ được thung dung
Bấy giờ SĨ mới tìm ông Hoàng Thạch
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi
Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi tới
Gẫm việc đời mà nhắm kẻ trọc thanh
Này này SĨ mới hoàn danh
Đối với người Đông Phương thì tướng của Tâm là vọng tưởng, nên nếu tư tưởng hiểu theo nghĩa “eidos” của Plato thì đó cũng gọi là vọng tưởng vì chúng không có tự tính chân thực, nghĩa là không thể đứng bên ngoài Tâm Vũ Trụ được. Vậy Tâm là gì? Xin lấy chữ “hridayam” trong tiếng Phạn để phân tích thì Hridayam = Hrit + ayam = this is the center. Nghĩa là:
HRIDAYAM = HEART AM I
Tâm không phải là vật thể, nó chính là Linh Hồn vũ trụ. Một cách gượng gạo, Tâm là điểm trung tâm mà người nào vật nào cũng cưu mang trong lòng như Tính Thể chân thực của mình, như trong câu “CÁC HỮU THÁI CỰC” (mỗi vật đều cưu mang Thái Cực). Tâm đó là Tâm Thái Cực viên dung vô ngại. Nói nhỏ thì Tâm nhỏ hơn những cái nhỏ nhất ta có thể tưởng tượng được, nó là điểm lí tưởng vô sắc vô thanh thông sang Vô Cực. Nói to thì Tâm to hơn cả những cái to nhất mà ta có thể hình dung ra được. Vậy mà tất cả những cái ta hình dung tưởng tượng đó chỉ ở trong Tâm Ta như câu nói của Trung Dung “PHÓNG CHI TẮC DI LỤC HẠP, QUYỆN CHI TẮC THỐI TÀNG Ư MẬT” (Mở ra thì nó phổ cập khắp cả vũ trụ, thâu lại thì nó sẽ ở yên một cách huyền bí trong lòng mình – Trung Dung, Chu Hi chương cú). Đây là con Tâm Đại Dương mà tất cả hiện tượng trên thế gian chỉ như là những bọt biển nổi trên bề mặt của nó. Lão Tử nói: “THIÊN HẠ VẠN VẬT SINH Ư HỮU, HỮU SINH Ư VÔ” (Mọi sự mọi vật dưới trời sinh ra từ Hữu Thể, còn chính Hữu Thể sinh ra bởi Vô Thể – Đạo Đức Kinh, chương 40). Cái Vô này chính là Chân Không mà cái Hữu đó chính là Diệu Hữu. Ôi! Đạo không thể gọi tên ra được bằng “cái” này hay “con” nọ, không thể nói ra được một cách hồ đồ loạn tưởng, nếu nói ra được, đặt tên được như những vật thể hiện tượng hữu hạn thì còn gì là Đạo Thường Hằng bất biến, là Danh Vĩnh Cửu vô biên nữa (ĐẠO KHẢ ĐẠO PHI THƯỜNG ĐẠO, DANH KHẢ DANH PHI THƯỜNG DANH – Đạo Đức Kinh, chương 1). Đạo là thái dương tỏa muôn tia sáng và sức sống cho vạn vật. Hỡi ơi! Không sinh ra Có, Im lặng sinh ra muôn lời. Vậy mỗi khi nói tới Đạo Học Đông Phương, chỉ một chữ VÔ là đủ gồm thâu hết mọi giá trị Tinh Thần, cũng như khi nói về Việt Đạo thì chỉ cần một chữ TRỐNG là đủ thu tóm được cả cốt lõi Tinh Hoa. Và chỉ có Tấm Lòng Uyên Mặc mới diễn tả được một phần nào cái Thể Tính của Chân Không Diệu Hữu này. Sau đây là những “phương trình” nền tảng nhất trong Đạo Học Đông Phương hay trong Truyền Thống nhân loại:
VÔ = TRUNG = ĐẠO = NHẤT = TRỐNG = KHÔNG
Muốn đạt đến cái Trống Vắng đó, Kinh Dịch đã viết một cách phất phơ “AN THỔ, ĐÔN HỒ NHÂN, CỐ NĂNG ÁI” (An trụ được Tâm Linh để hàm dưỡng cho thâm sâu Tình Người thì mới có khả năng yêu thương nhân loại được – Hệ Từ Thượng, chương 4). Thi hào Nguyễn Du cũng đã nói một cách thấp thoáng trong truyện Kiều khi trả lời về cách Ở Đời:
Đội Trời đạp Đất Ở Đời
Họ TỪ tên HẢI vốn người VIỆT ĐÔNG
Nghĩa là muốn Ở ĐỜI cho trọn vẹn cho ra người, ở đây và bây giờ, thì đầu phải đụng tới Trời, phải “HƯ KÌ TÂM” (trống rỗng tâm trí – Đạo Đức Kinh, chương 3), chân phải đạp lún xuống sâu tận vào lòng Đất thăm thẳm, phải “THỰC KÌ PHÚC” (nuôi dưỡng xác thân – Đạo Đức Kinh, chương 3), và Nội Tâm là một tấm lòng Đại Từ Đại Bi, Chí Nhân Chí Dũng như TỪ HẢI. Đó mới là mẫu người Việt Nam Muôn Thưở, mang Tình Thâm Bể Thẳm nhuần thắm khắp nhân quần xã hội. Chớ lấy thành bại luận Anh Hùng vì thành bại thuộc cõi hiện tượng, còn Anh Hùng đi những bước chân lưỡng hành vi diệu, ngang dọc dọc ngang giữa Trời cùng Đất, tiêu dao tự tại trong cái vô cùng vô tận của Tâm Linh Vũ Trụ, tuy Thực đấy nhưng mà Hư đấy, dẫu Hữu đó song lại Vô đó. Trong Kiếp Nhân Sinh này, Anh Hùng sống tận Nhân tận Nghĩa trong tâm trạng luôn An Nhiên Tự Tại Thư Thái. Đấy là nội dung thâm trầm mà Hi Văn tiên sinh đã nhắn nhủ:
NHÂN SINH NHƯ KÍ NHĨ
ĐẮC Ý TU TẬN HOAN
HỮU MÃ HỮU THUYỀN HỮU THỦY HỮU SAN
TỨC BỈNH CHÚC DẠ DU LƯƠNG HỮU DĨ
Đành vũ trụ ấy ngô nhân phận sự
Cũng tiêu dao cho tuế nguyệt thêm trường
VÂN THƯƠNG THƯƠNG HỀ THỦY ƯƠNG ƯƠNG
Phong quang ấy người sao nỡ phụ
NHƯỢC ĐÃI CÔNG THÀNH DANH TOẠI ĐỘ
NHẤT ĐÔI LÃO CỐT DĨ LĂNG TẰNG
THẾ THỜI SƠN CHI NAM SƠN CHI BẮC CHI TUNG HẰNG
Chắc đâu chuyện phù bình tán tụ
Lưng bầu rượu say cổ kim kim cổ
Một túi thơ vui hoa nguyệt nguyệt hoa
Khi cờ vây khi bài lá khi tiếu ngạo khi cầm ca
Nhận phong vị hào hoa làm lạc thú
Chỉ Lô Tản ngắm cùng thảo thụ
Cuộc tỉnh say say tỉnh ai hay
Thử xem con Tạo sau này
Con người là giống lưỡng thê, cái thân vật chất bé tẻo teo chẳng là bao nhưng khát vọng thì vô bờ bến, cho nên phải lái cái khát vọng đó vào con đường Tâm Linh. Chỉ có Tâm Đạo mới khiến cho được thảnh thơi thể xác, an lạc tâm hồn, gây nên những sảng khoái siêu vượt xuất thần.
Muốn đi trên con đường Tâm Đạo đó thì phải cố gắng mãi mãi đi vào Nội Tâm sâu thẳm của chính mình, nghĩa là phải “Tận Kì Tính” hay phải “Be Thyself”. Ở đây ta hãy đưa ra vòng Thái Cực (xin xem hình) để chỉ lên những bước tiến vào Nội Tâm. Vòng Thái Cực có bảy vòng đồng tâm tượng trưng cho bảy đợt tiến hóa của tâm thức con người. Càng tiến vào sâu trong Nội Tâm thì vật chất càng giảm bớt, tinh thần càng mở rộng từ 64 đến 32 và cứ mãi cho đến cuối cùng là VÔ THỂ, là TRUNG CUNG huyền diệu. Mỗi lần vượt qua một vòng là mỗi lần Giác Ngộ hay điểm đạo mà Truyền Thống nói bóng là sự Phục Sinh Tinh Thần. Chính đó là những may mắn bất ngờ làm ta cảm thấy thanh thoát đầy hứng khởi bừng sáng như có một dòng sống Tâm Linh viên mãn truyền dòng nước Cam Lồ vào mảnh đất Tâm làm nó trở nên sống động hữu tình, với những thái độ hành vi tràn đầy nhựa sống Tâm Linh và lòng Yêu Thương cao thượng, tâm trí ta ăm ắp với lí tưởng LÀM NGƯỜI, với chủ đạo VI NHÂN, như đang rung động quậy nhảy phong phú cuồn cuộn tuôn trào, như một hỏa diệm sơn đang phun những phún thạch tung tóe của Chân Lí. Có như vậy ta mới hiểu tại sao Khổng, Lão, Thích đã gây nên một ảnh hưởng thâm trầm sâu rộng bất chấp cả thời gian để đi vào tận lòng của một khối dân đông nhất nhân loại, đúng như lời Lão Tử đã diễn tả một cách mập mờ thấp thoáng “CỔ CHI THIỆN VI SĨ GIẢ, VI DIỆU HUYỀN THÔNG THÂM BẤT KHẢ THỨC” (Bậc Chân Nhân xưa tinh tế nhiệm màu thấu suốt lẽ cao siêu huyền bí sâu xa không thể đo lường được – Đạo Đức Kinh, chương 15). Các Ngài đã trở thành Một với Đạo Thể viên dung, sống mãi với vô tận thời gian cùng thở luồng thần khí, cùng hát khúc sinh ca vũ trụ. Các Ngài là những mùa Xuân bất tận bơm nhựa sống sinh lực nguyên sơ vào tất cả những Tâm Hồn biết hướng về với tất cả tấm lòng Thành Kính Tận Tín. Mặt trời luôn bao giờ cũng hiện hữu và soi sáng, nhưng muốn thấy muốn tiếp nhận được ánh sáng của mặt trời thì chúng ta phải xoay mặt đối diện với nó. Đi vào Nội Tâm hay “thối tàng ư mật” là đi về hướng mặt trời Tâm Linh đang soi rọi nuôi dưỡng dẫn dắt. Một trong những phương pháp mà Thiền Tông đã dạy: “Từ đa niệm tới thiểu niệm, từ thiểu niệm tới nhất niệm, từ nhất niệm vào vô niệm”. “Một niệm trong sáng nhất định ấy là cái học sáng rộng cái học của Thánh Nhân. Một niệm thuần nhất là không niệm, tức là niệm rời niệm. Cho nên cái học của quân tử lấy vô niệm làm tông chỉ” (NHẤT NIỆM MINH ĐỊNH TIỆN THỊ TẬP HI CHI HỌC. NHẤT NIỆM GIẢ VÔ NIỆM DÃ, TỨC NIỆM NHI LI NIỆM DÃ. CỐ QUÂN TỬ CHI HỌC, DĨ VÔ NIỆM VI TÔNG – Kim Định, Cơ Cấu Việt Nho, trang 268). Từ nhất niệm vào vô niệm để Tĩnh Tâm, để Phối Thiên, Huyền Đồng, hay Kiến Tính. Đó là một trong muôn ngàn cách để diễn tả hướng đi của Đạo Học là quay về Thống Nhất với Nội Tâm, là “phản thân nhi thành lạc mạc đại yên”. Kinh Dịch nói một cách rõ ràng “THÁNH NHÂN DĨ THỬ TẨY TÂM THỐI TÀNG Ư MẬT” (Tẩy rửa tất cả những thành kiến vô minh đang là những chướng ngại vật, tức là trở về với Tâm Linh mình, đó là cái học của Thánh Nhân vậy – Hệ Từ Thượng, chương 11). Điều cốt yếu là phải cực kì Trống Rỗng Tâm Trí. Đến đây ta cũng hiểu tại sao người quân tử dùng trúc làm biểu hiệu vì thân trúc thẳng lòng trúc rỗng (tiết trực tâm hư). Người quân tử phải có lòng trống rỗng không chứa thiên kiến. Để tẩy rửa sạch sẽ những thành kiến này, Lão Tử viết: “CHÍ HƯ CỰC THỦ TĨNH ĐỐC” (Đến chỗ rỗng không cùng cực, giữ im lặng rất mực – Đạo Đức Kinh, chương 16), nghĩa là phải nhảy ra khỏi các cặp tương đối để đi vào cái nõn xe (đạo xu), cái trung tâm của mọi huyền niệm, không còn những dục vọng khuấy động lên cho cái lí trí hữu vi nữa. Đó cũng là cực tả trạng thái Đạt Đạo trúng tiết của người quân tử vậy. Lúc ấy là đi vào miền “Tiêu Dao Viên Mãn Huyền Đồng Tề Vật” cùng vũ trụ vạn vật, để thấy rằng mọi sự đầy đủ nơi ta chỉ cần quay lại Nội Tâm thì không có cái vui nào bằng. Và cái học đời xưa cao thâm mạc trắc là như thế đấy. Càng học càng thấy bao la man mác mà lại sâu thẳm quyến rủ không cùng. Thế mới thấm câu nói của Chu Hối Am tiên sinh “KÌ VỊ VÔ CÙNG GIAI THỰC HỌC DÃ. THIỆN ĐỘC GIẢ NGOẠN SÁCH NHI HỮU ĐẮC YÊN, TẮC CHUNG THÂN DỤNG CHI, HỮU BẤT NĂNG TẬN GIẢ HĨ” (Cái ý vị của Đạo vô cùng vô tận mà tất cả đều là Thực Tại. Những ai chiêm nghiệm để đạt Đạo Trung Dung thì suốt đời thực hành cũng không thể múc cạn hết được vì cốt lõi của nó chính là Vũ Trụ Chi Tâm bao la man mác – Trung Dung, Chu Hi chương cú). Đường dẫu xa nhưng người xưa đã nói “Có chí thì nên”. Đó là nội dung của bài thơ Hữu Chí Cánh Thành sau đây của Ngộ Trai tiên sinh:
Cùng đạt có riêng chi mệnh số
Hành tàng nào hẹn với văn chương
Đường công danh sau trước cũng là thường
Con tạo Hóa phải rằng ghen ghét mãi
Duyên ngư thủy còn dành cơ hội lại
Quyết tang bồng cho phỉ chí trượng phu
Trong trần ai ai kém ai ru
Tài bộ thế khoa danh ờ lại có
ĐỘC THƯ THIÊN BẤT PHỤ
HỮU CHÍ SỰ CÁNH THÀNH
Giang sơn đành có cậy nơi mình
Mà vội mỉa anh hùng chi bấy nhẽ
Đã sinh ra ở trong phù thế
Nợ trần ai đành cũng tính xong
Nhắn lời nói với non sông
Giang sơn hầu dễ anh hùng mấy ai
Thanh vân trông đấy mà coi
Ôi! Đạo không xa người và không thể rời người dù chỉ một phút một giây. Đạo mà có thể xa người thì cái đó không phải là Đạo Thường Hằng nữa rồi. Đạo đã Thường Hằng thì Hồn cũng Thường Hằng vĩnh cửu, vẫn ở lại trong đời để linh nhuận đời sống, để dẫn đưa con người dấn bước trở về nguồn căn. Hồn mãi mãi âm thầm chờ đợi kêu gọi tiểu ngã lên đường trở về, đừng đi ra ngoài xa quá, đừng phóng tâm để rồi nỏ mồm lên kêu “lạc Hồn”, Hồn ta đâu rồi? Đi lạc nơi đâu rồi? Đã lạc rồi thì dù có hiện diện ở đây nhưng cũng không hiện hữu bây giờ. “TÂM BẤT TẠI YÊN THỊ NHI BẤT KIẾN THÍNH NHI BẤT VĂN THỰC NHI BẤT TRI KÌ VỊ” (Hồn đã chẳng hiện diện ở đây và bây giờ thì dù có hiện diện xác thân thì cũng chỉ là máy móc cơ khí mà thôi, dẫu có trông nhưng chẳng thấy, lắng nhưng không nghe được tiếng lòng, có ăn cũng chẳng biết được mùi vị – Đại Học, chương 7). Thế là mở đầu cho xú uế vong thân tràn vào, khổ lụy trùm khắp, dẫn đưa nhau vào vực thẳm vong bổn hết trọi. Lão Tử nói: “VẠN VẬT ĐẮC NHẤT DĨ SINH” (Muôn vật nhờ Hồn mà sống mà có tình cảm – Đạo Đức Kinh, chương 39), nay Hồn đã cao chạy xa bay thì “VẠN VẬT VÔ DĨ SINH TƯƠNG KHỦNG DIỆT” (Có hiện diện đó cũng như chết rồi – Đạo Đức Kinh, chương 39), nghĩa là có còn Ở Đời nữa đâu mà chẳng chết. Nhà đã lạc xa quá rồi, Tính đã lặn mất, Hồn đã tị nạn, thế là bơ vơ trơ trọi tứ cố vô thân, chỉ còn đường làm nô lệ cho vật chất dù dưới bất cứ dạng thức tinh vi nào đi nữa cũng chỉ là nô lệ, hoi hóp sống dưới lớp hương “nylon” giả tạo mà cứ tưởng là Thực Tại là Hồn Sống, rồi hè nhau mà cướp giật, mà đả kích, mà bôi nhọ. Bi phù!
Tâm Hồn cứ trụ mãi nơi những hữu thể mộng mơ giả tạo thì dù miệng có nói giải phóng, tay chân có hành động tích cực mấy đi nữa, rốt cuộc Hồn vẫn biền biệt. Muốn tìm lại Hồn đã lạc thì phải đào sâu, càng tiến sâu vào Nội Tâm của mình là càng trở về nhập vào Thể Tính Vĩnh Cửu của Thượng Đế. Chỉ vì Đạo Làm Người xuất phát tại nơi sâu thẳm ấy của Tâm Thái Cực nên không thể đổi dời, và người quân tử y cứ vào Nội Tâm siêu linh của mình để hành động xử thế theo Thiên Lí, vì “THIÊN LÍ TẠI NHÂN TÂM” và Nhân tâm thì không thể li lìa dù chỉ một giây. Đó chính là ý câu nói của Trung Dung “ĐẠO CHI BẢN NGUYÊN XUẤT Ư THIÊN NHI BẤT KHẢ DỊCH, KÌ THỰC THỂ BỊ Ư KỈ NHI BẤT KHẢ LI” (Trung Dung, chương 1). Chính vì thế mà khi hành đạo con người không bị vong thân vong bản, vì mọi tác động tinh tuyền đều phát xuất từ nguồn cội siêu linh, nên đều là tự nhiên nhi nhiên, tự do lai xuất. Hành động theo Thiên Lí, theo căn cơ của Thời gian mà cũng là căn cơ của con người Chân Nhân. Cho nên “THIÊN HÀNH KIỆN QUÂN TỬ DĨ TỰ CƯỜNG BẤT TỨC” (Trời tác động kiên cường lưu chảy suốt đêm ngày thì người quân tử cũn hành động TỰ CƯỜNG không ngơi nghỉ, tiến vào Nội tâm theo những vòng tròn đồng tâm xoáy vào trung tâm căn tính của đại Ngã Tâm linh – Kinh Dịch, quẻ Kiền). Hi Văn tiên sinh đã diễn tả một cách tài tình trong bài Đạo Phật:
Thuyền từ một lá chơi vơi
Bể trần chở hết mấy người trầm luân
THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ VÔ NHƯ PHẬT
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài
Chiếc thuyền Từ một lá chơi vơi
Vớt chìm đắm đưa lên cõi Tĩnh
Chữ KIẾN TÍNH cũng là SUẤT TÍNH
Trong ống nhòm để tiếng HƯ VÔ
Kẻ muốn đem nhân kì nhân hỏa kì thư lư kì cư
Song Đạo Thống hãy rành rành công cứ
BANG Y THIÊN LÍ HÀNH TƯƠNG KHỨ
ĐÔ TỰ NHÂN TÂM TỐ XUẤT LAI
Bát khang trang chẳng chút chông gai
Cũng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc
Trong nhật dụng sao rằng đạo khác
Cái luân hồi chẳng ở đâu xa
Nghiệp duyên vốn tại mình ra
Nơi vuông tấc đủ Thiên Đường Địa Ngục
Ví chưa thoát lòng trần mắt tục
Nên mơ màng một bước lên khơi
Khiến cho phiền muộn NHƯ LAI
Cả nền văn Hóa dân Tộc là làm thế nào để người sống theo Bản Tính tự nhiên mà trời phú cho riêng mình mà thôi. Đó là dùng VĂN để cải hóa toàn thể thân tâm con người. Nếu “TÍNH TƯƠNG CẬN Dà TẬP TƯƠNG VIỄN DÔ (Tính bản nhiên thì gần, do tập tục hướng ngoại mà càng ngày càng xa – Luận Ngữ, chương Dương Hóa, tiết 2), thì Văn Hóa Dân tộc chính là ý nghĩa chữ TẬP, nhưng là tập làm sao để cho trở lại cùng với Tính, cùng với Thiên Lí, chứ không phải là những tập tục xa rời Tính Thể của Con Người muôn Thưở. Mà nó cũng có một nghĩa khác nữa là đi từ cái viễn nghĩa là cái tư riêng của mọi người, để đi đến chỗ Thống Nhất (nhưng không đồng nhất) hòa điệu cùng Tính Thể viên dung quán nhất. Sách Trung Dung cũng quảng diễn thêm “TỰ THÀNH MINH VỊ CHI TÍNH. TỰ MINH THÀNH VỊ CHI GIÁO” (Tự nhiên thành kính mà sáng đạo mà thành đạo gọi là Tính hợp với câu “suất tính chi vị đạo” ở đầu trang sách Trung dung. Những lúc Tính đã bị che khuất, lúc Hồn đã biền biệt, phải soi sáng phải minh giải mới hiểu ra để thi hành để tập luyện thì gọi là Giáo, cùng nghĩa với câu “tu đạo chi vị giáo” – Trung Dung, chương 21). Cho nên phải Trung Thành, không phải trung thành với những cái tư ý tư dục mà là Trung với Tâm và Thành với Đại Ngã Tâm Linh tức Tnh Mệnh. Mà Tính với Mệnh với Thần với Hồn là Một, tất cả đều trỏ vào một thực thể vô cùng u linh nhưng lại cực kì quang minh linh diệu, và ở ngay trong Thâm Tâm của ta. Đạo Học chính là làm sáng tỏ cái ĐỨC MINH đó, làm sáng tỏ đức Minh đó một cách thiết tha, bằng cả Tâm Hồn trìu mến, bằng một ý chí kiên cường. Xin hãy Lắng Nghe cấ nói của Đại Học “HỮU PHỈ QUÂN TỬ NHƯ THIẾT NHƯ THA, NHƯ TRÁC NHƯ MA, SẮT HỀ GIẢN HỀ, HÁCH HỀ HUYẾN HỀ, HỮU PHỈ QUÂN TỬ CHUNG BẤT KHẢ HUYÊN HỀ” (Người quân tử Tu Thân mình một cách thiết tha trìu mến, lúc nào cũng nhớ đến một mẫu Người Lí Tưởng Muôn Thưở để giùi mài cắt giũa, để cho toàn thể thân tâm mình luôn hướng về nguồn suối Tâm Linh, để nhập thể, để hoan ca, để nhảy múa theo bản nhạc vũ trụ đang tưng bừng chảy trong huyết quản của những ai Thành Tín thuận theo – Đại Học, chương 3). Là người quân tử ít ra ai cũng cưu mang trong lòng một hình bóng Đại Ngã như Luận Ngữ đã nói “QUÂN TỬ HOÀI HÌNH” (Chương Lí Nhân, tiết 11), để đôn đốc tâm nguyện làm người sao cho ngày càng thêm sung mãn tràn đầy Chân Thiện Mĩ. Xin hãy nghe Trương Hoành Cừ tiên sinh nói: “VỊ THIÊN ĐỊA LẬP TÂM, VỊ SINH DÂN LẬP MỆNH, VỊ VÃNG THÁNH KẾ TUYỆT HỌC, VỊ VẠN THẾ KHAI THÁI BÌNH” (Vì trời đất Thành Kính lập tâm, vì nhân loại mà lập mệnh, vì thánh nhân đã qua để tiếp tục cái ngọn đuốc vi nhân soi sáng cả hoàn cầu, vì muôn thưở khai mở an bình thịnh trị cho mọi người – Kim Định, Chữ Thời, trang 441-442).
Thế cái gì làm nên Con Người Muôn Thưở? Chính ĐỨC NHÂN NGHĨA làm nên Con Người Thực Sự. Trung Dung noi: “NHÂN GIẢ NHÂN DÃ, NGHĨA GIẢ NGHI DÔ (Đức Nhân làm nên con người, Đức Nghĩa là để thích nghi với hoàn cảnh – Trung Dung, chương 20). NHÂN chính là cái mà khi người nào có thì tỏ ra nhân hậu, nhân ái, nhân nhượng. Còn NGHĨA là thích nghi với mọi hoàn cảnh, nói rộng ra là thích nghi với cả trời cùng đất, nói cụ thể là thích nghi với tình người, để lúc nào cũng tạo điểu kiện đôn hậu cho tình người được phát triển đằm thắm tươi vui. Mạnh Tử viết: “TRẮC ẨN CHI TÂM NHÂN DÃ. TU Ố CHI TÂM NGHĨA DÃ. CUNG KÍNH CHI TÂM LỄ DÃ. THỊ PHI CHI TÂM TRÍ DÃ. NHÂN NGHĨA LỄ TRÍ PHI DO THA NGOẠI THƯỚC NGà DÃ. NGà CỐ HỮU CHI DÃ. PHẤT TƯ NHĨ HĨ. CỐ VIẾT: “CẦU TẮC ĐẮC CHI, XẢ TẮC THẤT CHI”.” (Có tấm lòng biết thương xót chẳng nỡ, đó là khởi đầu của Đức Nhân. Có tấm lòng biết hổ thẹn chán ghét, đó là khởi đầu của Đức Nghĩa. Có tấm lòng biết cung khiêm kính nhường, đó là khởi đầu của Đức Lễ. Có tấm lòng biết phải biết quấy, đó là khởi đầu của Đức Trí. Những Đức Nhân Nghĩa Lễ Trí này chẳng phải là cái gì bên ngoài có thể bổ chụp đo đếm, rồi đồng hóa như những vật thể hữu hạn. Tất cả đều có sẵn nơi Mình, nhưng tại mình chẳng tưởng tới mà thôi. Cho nên: “Ai tìm cầu thì đạt được. Ai bỏ phế thì mất.” – Mạnh Tử, chương Cáo Tử Thượng, tiết 6). Ở ĐỜI tức là khi nói về nơi chốn mà tâm hồn mình hướng vào. Chính Nhân Nghĩa mới là chỗ là nơi chốn để lòng hướng vào. Đấy là cái gốc lớn nhất để con người lập thân hành đạo vậy. Có như thế thì những cái nhỏ bé ngọn ngành mới không trói buộc được Ta. Đó mới chính là cái làm nên Đại Nhân vậy. Đấy cũng là ý trong câu nói của Mạnh Tử: “TIÊN LẬP HỒ KÌ ĐẠI GIẢ TẮC KÌ TIỂU GIẢ BẤT NĂNG ĐOẠT DÃ. THỬ VỊ ĐẠI NHÂN NHI DĨ HĨ.” (Chương Cáo Tử Thượng, tiết 15). Cho nên người xưa nói: “VÔ NGHĨA VÔ LỄ HÀ DĨ VI NHÂN” (Không nghĩa không lễ lấy gì để làm người). Chính ĐỨC NHÂN mới làm ta nên Người chứ không phải cái ta ăn vào miệng. Mỗi hành động Nhân Nghĩa của ta trọn vẹn hóa con người của ta, linh thiêng hóa con người tiểu ngã, làm cho Tâm Hồn ta ngày càng mở rộng, để cuối cùng đột nhiên mở rộng ra như vũ trụ bao khắp càn khôn, nhập vào làm Một với Vũ trụ Chi Tâm để trở thành một Hóa Công, cùng tham dự với trời đất trong việc hóa dục muôn loài. Nhà cách mạng Trần Cao Vân đã phô diễn một cách tuyệt vời trong bài Vịnh Tam Tài thời danh:
Trời đất sinh Ta có ý không
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất in Ta một chữ đồng
Đất nứt Ta ra Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Trời che Đất chở Ta thong thả
Trời Đất Ta đầy đủ HÓA CÔNG
Xin đừng để cho những tư tưởng hành động nô lệ chen vào làm giảm đi cái giá trị Nhân Hoàng của con người Chân Nhân. Khi tâm tư mở rộng ra như vũ trụ là bao quát khắp hết không chừa sót một vật gì, để có thể sắp đặt trong một trật tự Vũ Trụ hòa hài, nơi mỗi vật được ở yên trong vị trí Tính Mệnh của mình, cùng nhau xây nên nền Thái Hòa Vũ Trụ. Sứ mệnh của Nhân hoàng nằm ở chỗ đó. Hãy Lắng Nghe Nguyên Ngôn thâm trầm bàng bạc “KIỀN ĐẠO BIẾN HÓA, CÁC CHÍNH TÍNH MỆNH, BẢO HỢP THÁI HÒA” (Đạo trời luôn biến hóa để mỗi vật đạt được Tính Mệnh của mình cùng nhau xây dựng nền Thái Hòa – Kinh Dịch, quẻ Kiền), để biết cái lí tưởng của con người là luôn mãi Tự Cường Bất Tức hành động theo Thiên Lí. Chính trong trạng thái Tâm Hồn rộng mở đó mà Trung Dung đã diễn tả “CHÍ TRUNG HÒA THIÊN ĐỊA VỊ YÊN VẠN VẬT DỤC YÊN” (Vào tận nơi sâu thẳm trung tâm điểm của mọi huyền lực thì sẽ đạt đạo là bảo hợp thái hòa, làm cho thiên địa đợc ở yên vào vị trí tiên thiên, và vạn vật được nuôi dưỡng giáo hóa – Trung Dung, chương 1). Cái Đạo Làm Người gần thì CHÍNH TÂM THÀNH Ý, Tu Tâm Dưỡng Tính hàm dưỡng chính mình cho ra Người Thực Sự, rồi phụng sự cha mẹ anh em bè bạn vợ chồng, xa thì phục vụ tha nhân xã hội nhân loại; phải đi từ gần đến xa, từ bản thân đến gia đình quốc gia thiên hạ, để mà “BÁC HẬU PHỐI ĐỊA CAO MINH PHỐI THIÊN DU CỬU VÔ CƯƠNG” (Đức rộng lớn bao trùm chuyên chở hết mọi vật như Không Gian, Đạo vận hành không ngừng nghỉ như Thời Gian, cả hai cùng hòa điệu tiến về Vĩnh Cửu Vô Biên – Trung Dung, chương 26), tiến hòai tiến mãi không ngừng nghỉ một giây phút nào, lúc nào cũng có công việc cho mình để làm, để cho mình tự thực hiện Sứ Mệnh Vi Nhân, lúc nào cũng phải sử dụng TRÍ NHÂN DŨNG để đạt tới Chân Thiện Mĩ trong từng giây từng phút. Người quân tử đến chết mới được an nghỉ (sinh kí tử qui), còn kẻ tiểu nhân đến chết mới thôi làm bậy. Tinh Thần Vi Nhân đó lúc nào và mãi mãi cũng cùng với Ta đi trên mọi nẻo đường đời, để trong mọi hoàn cảnh đều làm cho nó hoằng đại cao viễn phổ bác tới mọi chúng sinh. Chính vì thế mà ta mới thấu hiểu “NHÂN NĂNG HOẰNG ĐẠO, PHI ĐẠO HOẰNG NHÂN” (Con người có thể mở rộng đạo vì “linh tại ngã bất linh tại ngã”, nếu ta đã không linh đã lạc hồn không chịu làm người thì chẳng có đạo nào mà có thể hoằng đại cho ta được – Luận Ngữ, chương Vệ Linh Công, tiết 28). Như thế nhiệm vụ của mỗi người trai là phải làm cho Rõ Mặt Tu Mi như Uy Viễn tướng công đã thốt một cách thơ thới hân hoan:
THÔNG MINH NHẤT NAM TỬ
YẾU VI THIÊN HẠ KÌ
Trót sinh ra thời phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu
Đố kị sá chi con Tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung
Cho Rõ Mặt Tu Mi Nam Tử
Trong vũ trụ đã đành phận sự
Phải có danh mà đối với non sông
Đi không chẳng lẽ về không
Sứ Mệnh Vi Nhân đó là KHẮC KỈ PHỤC LỄ. Khắc Kỉ tức là làm sung mãn con Tâm Đại Ngã của mình để nó luôn tuôn trào những tư tưởng sáng chói nóng bỏng Chân Lí, những hành động Yêu Thương Nhân Ái đại độ bao dung, để cho con Tâm Nhân Ái luôn bao trùm lấy mọi hành động cử chỉ của ta trong lối sống hàng ngày, để cho mối liên hệ giữa người và người ngày càng đẹp đẽ cao nhã linh thiêng, để làm nảy ra những mối tình cao thượng bao la trung thực, để trong mọi xử thế luôn đặt Tình trên lí, để ngoài tuy là lí nhưng trong là Tình, để Tình cực thâm hậu cho Đạo Làm Người được sáng tỏ ra. Đó mới là con người Văn Minh có Văn Hóa chân thực. Muốn thế cần trở lại với LỄ. Lễ ở đây có nghĩa là cái tiết điệu Uyên Nguyên của Vũ Trụ, để sống thuận theo Tính Mệnh, không lỗi nhịp trong cái bản đại hòa tấu của vũ trụ. Kinh Lễ thiên Nhạc Kí có nói: “ĐẠI NHẠC DỮ THIÊN ĐỊA ĐỒNG HÒA. ĐẠI LỄ DỮ THIÊN ĐỊA ĐỒNG TIẾT” (Nhạc lớn lao cao cả là cùng hòa nhịp với thiên địa, lễ lớn lao cao cả là đi trúng tiết với thiên địa). Người xưa mỗi khi nói Lễ là có Nhạc đi kèm, hoặc nói Nhạc là có Lễ đi kèm, để cho không bên nào lấn áp bên nào, để cho cả hai cùng nhau hợp xướng hòa điệu trong cái bản thần ca ca ngợi Con Người Muôn Thưở. “NHẠC THẮNG TẮC LƯU, LỄ THẮNG TẮC LI” (Nhạc mà lấn áp thì người trở nên phóng túng, lễ mà lấn áp thì người trở nên cách biệt – Kinh Lễ, thiên Nhạc Kí). Lễ Nhạc đưa con người vào Đạo Trung Hòa, mà cụ thể là không thái quá cũng không bất cập. Thiên về Nhạc thì thái quá lưu lãng bất cận nhân tình, mà thiên về Lễ sẽ ra bất cập hủ lậu không biết tùy thời mà ứng biến. Chỉ có Lễ Nhạc hòa hài, Lễ hai Nhạc ba, thì con người ung dung trúng đạo tự nhiên không phải miễn cưỡng. Còn khi hiểu theo nghĩa siêu hình thì Trung Hòa là Trung với Thường Hằng, với Tính thể Vĩnh Cửu Vô Biên, để lúc nào và bao giờ ở đây cũng làm cho trọn vẹn mọi hành động và tư tưởng của chính mình là Tiến Về Vô Biên bằng tác động tinh tuyền linh thiêng nhất. Nếu con người không có xương sống tuy không thể đứng được nhưng vẫn làm người được, thì làm người mà vô lễ vô nghĩa thì dẫu có đứng được như người nhưng cũng không thể thành nhân được. Không Học Lễ, không Hành Lễ Nghĩa Liêm Sỉ thì lấy gì mà lập thân hành đạo, đó chính là ý nghĩa của câu “BẤT HỌC LỄ VÔ DĨ LẬP” (Luận Ngữ, chương Quí Thị, tiết 13) vậy. Lễ chính là hàm súc dưỡng nuôi cho Tình Người ngày càng được thêm thâm hậu, hoàn bị hơn, để mối tương giao giữa người và người ngày càng trọn vẹn tràn đầy Nhân Tính hơn. Lễ chính là một cách linh động cụ thể của câu nói “NỘI TẬN Ư KỈ NHI NGOẠI THUẬN Ư ĐẠO” (Trong thì hoàn bị chính mình để chiếu ra ngoài thì thuận theo đạo làm người). Lễ là nét đặc trưng nhất của Văn Hóa Đông Phương, nơi mà con người cùng những mối tương giao được nuôi dưỡng và phát triển thực thâm sâu hồn hậu. Con người sở dĩ linh thiêng hơn vạn vật (nhân linh ư vạn vật) là vì có LỄ NGHĨA LIÊM SỈ. Lục Tử Tĩnh tiên sinh viết: “SỈ TỒN TẮC TÂM TỒN, SỈ VONG TẮC TÂM VONG.” (Biết xấu hổ thì Tâm còn. Không biết xấu hổ thì Tâm mất – Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc, quyển Hạ, trang 167). Không có Lễ Nghĩa Liêm Sỉ thì thân xác lí trí dẫu có khác loài vật thật đấy nhưng tâm hồn thì vẫn chỉ là một giống súc sinh mà thôi. Mà như thế có gọi là người đi nữa cũng chỉ là một danh từ suông mà không có thực chất. Người ta khi ăn cam biết ăn ruột bỏ vỏ, thì tại sao hành Lễ lại không biết Đôn Hậu Tình Người, Kính Trọng tha nhân mà chỉ còn hành Lễ với cái vỏ kềnh cơi, với những chi tiết rườm rà không thực tâm. Luận Ngữ có viết: “NHÂN NHI BẤT NHÂN NHƯ LỄ HÀ? NHÂN NHI BẤT NHÂN NHƯ NHẠC HÀ?” (Người mà không còn lòng Nhân Ái thì lấy cái gì mà thi hành Lễ Nghĩa Liêm Sỉ? Người mà không còn Tình Cảm thâm hậu không còn là Người nữa thì làm sao mà cảm được Nhạc – Chương 3, tiết 3).
Ở ĐỞI cho thâm sâu chính là CƯ KÍNH nghĩa là Ở LẠI mà Kính Trọng cái Đại Ngã Tâm Linh luôn hiện diện nơi mình, chứ không phải cái tôi tiểu ngã bé nhỏ với những huênh hoang, khoác lác, kênh kiệu, khoe mẽ, tự hào một cách vô ý thức. Nếu thực là Đại Ngã Tâm Linh thì luôn siêu việt thường hằng bất biến vô hình, vô tượng, vô thanh, vô xú, có hiện hình trờ trờ ra đó cho ta bắt lấy, cho ta chiếm đoạt làm của riêng mình đâu. Kính làm Tình Người ngày càng thêm thâm hậu sâu xa không lỗi nhịp, để ở đâu và bao giờ cũng theo đúng nhịp của Thời Gian và Vĩnh Cửu, cái nhịp Âm Dương Hòa, cái nhịp Đạo Thể luôn đập trong con Tâm Vũ Trụ ở nơi mình. Đạo Trung Dung giản dị như thế nhưng lại khó theo cho đến cùng cực là vậy. Sống với tư cách là một người dân luôn theo đuểi hiện tượng hàng ngày bị trói buộc vì sự vật ngổn ngang trăm mối và vì sự phiền não vô vị của xã hội, mà không sống với tư cách là người Nhân Chủ điều hòa xếp đặt vạn vật thì Đạo Trung Dung trở nên khó khăn vô cùng. Đó là ý của câu “TRUNG DUNG KÌ CHÍ HĨ HỒ, DÂN TIỂN NĂNG CỬU HĨ” (Trung Dung, chương 3). Kiếp nhân sinh có ra có vào, có lúc bận rộn cũng phải có lúc nhàn nhã, có lúc tỉnh thì cũng phải có lúc say sưa ngây ngất, có lúc thực là lắm lời thì cũng phải có lúc Im Lặng. Thế mới đi đúng tiết nhịp của Vũ Trụ Càn Khôn chứ nhỉ. Thế mới gọi là “KÌ DUY THÁNH NHÂN HỒ, TRI TIẾN THOÁI TỒN VONG NHI BẤT THẤT KÌ CHÍNH GIẢ, KÌ DUY THÁNH NHÂN HỒ” (Kinh Dịch, quẻ Kiền). Tồn Chất tiên sinh cũng phô diễn nhân sinh quan ấy trong bài Thú Rượu Thơ sau:
Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười
Cái công danh là cái nợ đời
Đường thản lí cát nhân chi đã vội
Dắt lỏng giang sơn vào nửa túi
Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu
Cảnh cùng thông ai có bận chi đâu
Mùi tiêu sái với trần gian dễ mấy
HỮU DANH NHÀN PHÚ QUÍ
VÔ SỰ TIỂU THẦN TIÊN
Đấng Anh Hùng an phận lạc thiên
So trời đất cũng nhất ban xuân ý
Khi lang miếu đã đành công danh ấy
Lúc yên hà khước thị xuất nhân gian
HÀNH TÀNG BẤT NHỊ KÌ QUAN
Cõi đời nở mặt giang san Thái Hòa
Còn Xuân may lại còn hoa
Thú Rượu Thơ càng lúc càng hiếm hoi. Cái Nhàn càng ngày càng ít ỏi trong cái thời đại bần nhược điêu linh này, khi tất cả đều bồn chồn lo lắng trong nỗi bất an thường trực. Hãy Lắng Nghe hương vị mênh mông trong bài thơ Mặc Đời mà Cao Chu Thần tiên sinh cảm hứng xuất thần:
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo
ĐOẠN TỐNG NHẤT SINH DUY HỮU TỬU
TRẦM TƯ BÁCH KẾ BẤT NHƯ NHÀN
Dưới thiều quang thấp thoáng bóng Nam San
Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ
Khoảng trời đất cổ kim kim cổ
Mảnh hình hài không có có không
Lọ là thiên tứ vạn chung
Ôi! “Hỏi Nhàn là cái chi chi. Không chi chi cũng chi chi với Nhàn”. Hỡi ơi! Thời đại nô lệ, con người không còn làm chủ lấy được mình thì làm sao mà hiểu được ý vị thâm sâu của chữ nhàn. Thanh Nhàn là một cái gì mênh mông diệu vợi mà Uy Viễn tướng công đã tự nhủ với chính mình là hãy luôn trân trọng gìn giữ trong bất cứ giây phút nào của cuộc sống:
THỊ TẠI MÔN TIỀN NÁO
NGUYỆT LAI MÔN HẠ NHÀN
So lao tâm lao lực cũng một đàn
Người nhân thế muốn Nhàn sao được
Nên phải giữ lấy Nhàn làm trước
Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi
Mười lăm trẻ năm mươi già không kể
Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì
Khi hỉ lạc khi ái dục khi sầu bi
Chứa chi lắm một bầu nhân dục
TRI TÚC TIỆN TÚC ĐÃI TÚC HÀ THỜI TÚC
TRI NHÀN TIỆN NHÀN ĐÃI NHÀN HÀ THỜI NHÀN
Cầm kì Thi Tửu với giang san
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế
NGÃ KIM NHẬT TẠI TỌA CHI ĐỊA
CỔ CHI NHÂN TẰNG TIÊN NGÃ TỌA CHI
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni
Ai hay hát mà ai hay nghe hát
Sông Xích bích buông thuyền năm Nhâm Tuất
Để ông Tô riêng một thú thanh tao
Chữ Nhàn là chữ làm sao
Đó là lòng thâm tín chân thành của tôi khi sống trong bầu không khí Tâm linh của Đạo Làm Người mà Tiên Tổ Lạc Hồng đã cưu mang xây dựng và phát triển nước thiêng Tiên Rồng. Cái Đạo đó là nêu cao lí tưởng Làm Người viên mãn, dương cao ngọn cờ Vi Nhân, đem thái bình hạnh phúc không phải chỉ đến cho riêng mình, cho nhóm mình, cho tổ quốc mình mà còn cho cả nhân loại, để có thể thấy toàn nhân loại là một vườn cây trái tốt tươi luôn được phát triển sung mãn đến tột độ. Lí tưởng đó được gởi gấm trong bốn chữ VĂN HIẾN CHI BANG, nơi cưu mang những con người lí tưởng luôn hiến dâng cho VĂN cho ĐẠO LÀM NGƯỜI cao cả xiết bao. Thấy đáng làm là làm, làm vì NHÂN vì NGHĨA, làm vì ĐẠI NGHĨA để phục vụ nhân sinh không màng danh lợi. Xin hãy lắng nghe vần thơ muôn điệu của Tồn Chất tiên sinh trong bài Quân Tử Cố Cùng:
Tang bồng là cái nợ
Đấng làm trai chi sợ áng công danh
PHÚ QUÍ TƯƠNG DĨ HẬU NGÔ SINH
BẦN TIỆN TƯƠNG DĨ NGỌC NGÔ THÀNH
Cái vinh nhục nhục vinh là đắp đổi
THÙY NĂNG THẾ THƯỢNG VONG DANH LỢI
TIỆN THỊ NHÂN GIAN NHẤT HÓA CÔNG
Thôi thời thôi Quân Tử Cố Cùng
Cùng khi ấy hẳn là thông khi khác
SỐ TẢO VÃN TÙY CƠ PHÚ THÁC
Chớ như ai chí chắt cũng tay không
Chơi cho phỉ chí tang bồng
Rồi ngắm nhìn chiêm nghiệm lại cuộc đời của THÁNH GIÓNG, của những Anh Hùng Dân Tộc sẽ thấy tỏa ra ánh sáng lung linh khả kính bao phủ Vũ Trụ Tâm Linh của Con Người Muôn Thưở. Đạo Làm Người đó, nền Nhân Bản Tâm Linh tinh tuyền nhất đó đã hướng dẫn không những dòng giống Lạc Việt mà còn cả cõi Á Châu từ trong thời tiền sử tiền niệm, từ miền còn dùng toàn Trực Thị Tâm Linh, cho đến tận nay, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, vẫn luôn đứng vững vàng vì nền Văn Hóa đó chính là bản chất của Con Người Thiên Thu. Muốn Làm Người Vạn Đại thì con đường hữu hiệu nhất chính là trở về nguồn cội của chính mình, của nền Văn Hóa Dân Tộc mình, để thấy rằng Tiên Tổ đã xây Đạo Làm Người trên một nền tảng vững chắc nhất không có gì lay chuyển nổi. Nền tảng đó chính là căn cơ của Thời Gian mà cũng chính là căn cơ của Con Người Đại Ngã, là nền Nhân Bản Tâm Linh Vũ Trụ để con người sống hết cỡ người. Nền tảng đó nằm trong tất cả mọi người, và hễ đã sinh là người thì đều cưu mang sẵn Bản Tính chân thực đó trong tận nơi sâu thẳm của mỗi người. Chỉ cần mỗi chúng ta TẬN KÌ TÍNH thì đó chính là thực hành Đạo Làm Người trong hành trình tiến về Tuyệt Đối Thể. Và mọi nền giáo dục trung thực đều nhắm vào hướng hoàn bị con người Chân Nhân đó cho tất cả mọi người. Đó chính là ý vị thâm trầm mà sách Trung Dung đã khẳng định trong ba câu mở đầu bộ sách “THIÊN MỆNH CHI VỊ TÍNH, SUẤT TÍNH CHI VỊ ĐẠO, TU ĐẠO CHI VỊ GIÁO” (Tính bản nhiên chính là mệnh lệnh của Trời, Suất Tính hay Tận Kì Tính gọi là Đạo Làm Người. Tuân theo Đạo Làm Người chính là Giáo Dục). Nếu làm được như thế sao gọi được là “lạc Hồn”. Nếu làm được như thế sao chúng ta lại không thể hú Hồn về với nước cùng non. Nếu làm được như thế sao chúng ta lại không thể ngang dọc dọc ngang như Hi Văn tiên sinh đã diễn tả trong bài Quen Thú Vẫy Vùng:
Hồ thỉ đã quen tay vũ trụ
Cầm thư chi lạ mặt quan hà
Túi giang sơn bốn bể cũng là nhà
Nên vương thổ cả trong trời đất Việt
Ví chẳng điền viên vui tuế nguyệt
Âu đem thân thế hẹn tang bồng
Kém gì Nam Bắc Tây Đông
Đường thư kiếm vẫy vùng cho hết đất
DI KHUẤT TRƯỢNG PHU ƯNG BẤT BẤT
BÃO AN QUÂN TỬ TÍN VÔ VÔ
Cuộc trăm năm chữ tố hành hồ
Bề khu xử qui mô hoàn tự biệt
Cung tường ấy cho thiên hạ biết
Biết rằng ai to nhỏ nhỏ to
May ra mở mặt rừng Nho
Quân dân một gánh giang hồ cũng xong
NAM NHI ĐÁO THỬ THỊ HÙNG
Tôi xin mượn lời của Tăng Tử “QUÂN TỬ DĨ VĂN HỘI HỮU, DĨ HỮU PHỤ NHÂN” (Người quân tử lấy Văn Hóa cao cả, lấy Đạo Làm Người để hội thông cùng với những Tâm Hồn Văn Hiến, để nhờ những người BẠN này mà chúng ta cùng nhau tiến bước trên con đường VI NHÂN ngày một trọn hảo vẹn toàn, cùng nhau xây đắp nước thiêng Tiên Rồng để xứng đáng “Làm Người huy hoàng phải chọn làm người Việt Nam”, để nước thiêng lan tràn khắp hoàn vũ, đem lại một Trật Tự, một nền Thái Hòa Vũ Trụ cho toàn thể nhân loại – Luận Ngữ, chương Nhan Uyên, tiết 23). Và làm như thế mới thấy rõ ràng tâm niệm của mọi người Việt Nam được biểu lộ trong bài thơ sau đây của một người ẩn sĩ:
Oai hùng dân Việt sống hiên ngang
Bút sử còn ghi tích rõ ràng
Nhớ gốc TIÊN RỒNG công TỔ PHỤ
Cùng nhau xây đắp hậu HỒNG BÀNG
Đó không phải là một cuộc chơi vĩ đại hay sao, một cuộc chơi mang đầy tính chất Linh Thiêng hay sao, vì mình đã nhập cuộc chơi, chơi trò chơi thế mệnh, để mỗi người đều là một “HÓA NHI ĐA HÍ LỘNG” vui say hăng hái trong tạo dựng một trời mới đất mới, trong tâm trạng luôn Thức Tỉnh nhưng hành động say mê không vụ lợi như Hài Nhi. Đó mới là ý nghĩa chân thực của hai chữ “PHONG LƯU”, nghĩa là tác động tinh tuyền nhất vì tác động đó không có đối tượng là vật thể, hay nói chính xác hơn đối tượng đó chính là Siêu Việt Thể, Vô Biên Tính. Thánh Gióng làm vì Ngài thấy đáng làm là làm, làm theo Bản Tính Vũ Trụ, làm như chơi. BỐ Lạc Long Quân cũng làm công cuộc dựng nước như một trò chơi Sáng Tạo tinh tuyền. MẸ Âu Cơ như ẩn như hiện mà bóng dáng MẸ che rợp bầu trời Tâm Linh để các con luôn được Nghe Huấn Linh từ MẸ, từ Bà Mẹ Việt Nam Muôn Thưở. Mẹ sinh ra trăm con phương trưởng để người con nào cũng là Anh Hùng Văn Hóa, cũng là HÙNG VƯƠNG, đem TÌNH THƯƠNG bao la như Trời Biển nhuần thắm nhân loại, có thế mới chân nhận được giá trị tiềm tàng của bài thơ mang Thể Tính Vĩnh Cửu sau đây, mà một Người Bạn Muôn Thưở đã sáng tạo trong phút giây cảm hứng xuất thần:
Bọc TÌNH THƯƠNG MẸ đã sinh TA
Trăm con khôn lớn dựng Sơn Hà
Đắp xây TÌNH LÍ, VUÔNG TRÒN hợp
Hòa Nghê Thường khúc điệu hoan ca
Cuộc chơi vĩ đại đó còn được cảm nhận bàng bạc trong ước vọng của Tăng Điểm “MỘ XUÂN GIẢ XUÂN PHỤC KÍ THÀNH, QUÁN GIẢ NGŨ LỤC NHÂN, ĐỒNG TỬ LỤC THẤT NHÂN, DỤC HỒ NGHI< PHONG HỒ VŨ VU, VỊNH NHI QUI” (Ngày cuối Xuân mát mẻ, áo Xuân may xong, cùng năm sáu bạn đến tuổi đội mũ với sáu bảy em nhỏ, cùng ra tắm ở sông Nghi rồi lên hóng gió mát ở đền Vũ Vu, sau đó nắm tay nhau ca hát vang trời mà về – Luận Ngữ, chương Tiên Tiến, tiết 25). Cuộc sống mà được như thế là sướng nhất đời, ung dung tự tại đi đúng tiết nhịp của đất trời của Thời Gian căn cơ, nghĩa là đi đúng tiết nhịp của Đại Ngã Tâm Linh. Cái tinh tuyền của cuộc chơi nằm ở ca vũ, vì đó chính là tác động hoàn hảo nhất nhằm trọn vẹn hóa Con Người Muôn Thưở. Ca vũ chính là “Múa Trống Tâm Linh”, để con người chắp đôi cánh tiên của Mẹ Âu Cơ bay khắp bầu trời bao la an lạc của cõi Thiên tiên Đại Vũ trụ. Thế cho nên Học Làm Người tức là học làm sao chắp đôi cánh tiên bay vào vũ trụ. “HỒNG TIỆM VU QUÌ, KÌ VŨ KHẢ DỤNG VI NGHI” (Con chim Hồng bay vút vào vô tận Thời Gian nhưng cái lông vũ của nó vẫn còn rơi rớt lại để con người hăng hái an lạc dấn bước tiến về nguồn cội – Kinh Dịch, quẻ Phong Sơn Tiệm). Như vậy, Văn Hóa mới có ý nghĩa hoá thành Tiên Chim bay vào Vũ Trụ, nghĩa là:
VĂN HÓA = VŨ HÓA
Chính vì thế tôi muốn hiểu ba câu nói mở đầu sách Luận Ngữ “HỌC NHI THỜI TẬP CHI BẤT DIỆC DUYỆT HỒ? HỮU BẰNG TỰ VIỄN PHƯƠNG LAI BẤT DIỆC LẠC HỒ? NHÂN BẤT TRI NHI BẤT UẤN BẤT DIỆC QUÂN TỬ HỒ?” như sau: Học Làm Người là tập làm sao Múa Trống Tâm Linh để bay bổng vào khắp Vũ Trụ Đại Thời Không thì đó chính là vui sướng nhất đời. Để rồi nhờ bay vào Vũ trụ Tâm Linh đó mà gặp gỡ lại biết bao nhiêu bạn hữu cùng bay lượn khoái lạc trong bầu khí Đồng Thanh Tương Ứng Đồng Khí Tương Cầu, dẫu từ viễn phương xa xôi diệu vợi cũng cùng đến với Mình trong mối thần giao cách cảm để cùng chung nhau xây đắp Nước Thiêng Tiên Rồng theo Huấn Linh của Tiên Tổ truyền lại. Đó không phải là niềm an lạc lớn lao hơn hết trong Tình Bạn hay sao. Chính vì bay vào Vũ Trụ Tâm Linh sâu xa viên mãn như thế mà rồi cuối cùng sẽ gặp lại tất cả Hồn Thiêng Tiên Tổ cùng nhau Ca Múa trong bản Hòa tấu Vũ Trụ nhập vào Đại Dương sinh sinh bất tức. Đó không phải là sinh thú của người Quân tử Ở ĐỜI ư. Thế thì lúc nào và bao giờ cũng có thể tùy thời tùy hoàn cảnh mà tạo nên cuộc chơi đầy hứng khởi hoàn bị Con Người Đại Ngã nơi mình, không có chi phải lo buồn đau đáu như bị mất mát cái gì. “QUÂN TỬ KIẾN CƠ NHI TÁC” (Quân tử tác động thuận theo cái nhịp đập Uyên Nguyên của Thiên Địa Chi Tâm – Kinh Dịch, Hệ Từ Hạ, chương 5). Mà cái nhịp đó có lúc nào đứt quãng trong khoảng Đại Thời Không trong Mình đâu, thế nên ta có thể thấu hiểu niềm an nhiên tự tại trong vần thơ sau đây của Ngộ Trai tiên sinh, bài Lo Gì Chẳng Có Lúc Chơi:
THI TỬU CẦM KÌ KHÁCH
PHONG VÂN TUYẾT NGUYỆT THIÊN
Mặt tài tình đang độ thiếu niên
Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí
Thơ một túi gieo vần Đỗ Lí
Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh
Đàn Bá Nha gẩy khúc tính tang tình
Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã
Lúc vị ngộ Vị tân Sằn dã
Lấy bút nghiên mà hẹn với non sông
Xe Thang Văn nhất đán tao phùng
Bao nhiêu nợ tang bồng đem trả hết
TRI MỆNH THỨC THỜI DUY TUẤN KIỆT
HỮU DUYÊN HÀ XỨ BẤT PHONG LƯU
NGÔ TÂM HÀ CỤ HÀ ƯU?
Ôi! Lo gì mà chẳng có lúc chơi. Chơi quên ngày quên tháng, quên cả cái già nua tuổi tác nó sắp đến như trong bài thơ Đời Người Thấm thoát sau đây của Hi Văn tiên sinh:
Nhân sinh ba vạn sảu nghìn thôi
Vạn sáu tiêu nhăng đã hết rồi
Nhắn bảo con tạo xoay vần lại
Để khách tang bồng rộng đất chơi
Cái Học Làm Người đó vui đến nỗi làm cho Đức Khổng quên cả ưu sầu vì cái già sắp tới. Cái Học làm cho con người càng già càng dẻo càng dai. Đó là ý vị sâu xa trong đoạn văn sau đây của Luận Ngữ “KÌ VI NHÂN DÃ, PHÁT PHẪN VONG THỰC, LẠC DĨ VONG ƯU, BẤT TRI LÃO CHI TƯƠNG CHÍ VÂN NHĨ?” (Chương Thuật Nhi, tiết 18). Học với một cái Tâm bao la quảng đại như thế thì có lúc nào mà chẳng an lạc vui tươi ôn hòa bình thản, lúc nào cũng AN NHIÊN TỰ TẠI nhịp theo Đạo Lớn. Những buồn vui tầm phào chỉ là những bọt biển chẳng thể nào động tới cõi lòng bao la man mác như Đại Dương đó được. Cái Học đó làm cho Ở ĐỜI càng ngày càng sung mãn chân thực hơn, luôn luôn tuôn chảy về hướng Đại Dương bao la của Tính Thể Vũ Trụ. Cái Học của kẻ Đại Trượng Phu mà Mạnh Tử đã diễn tả thực lớn lao cao cả “CƯ THIÊN HẠ CHI QUẢNG CU, HÀNH THIÊN HẠ CHI ĐẠI ĐẠO, LẬP THIÊN HẠ CHI CHÍNH VỊ. ĐẮC CHÍ DỮ DÂN DO CHI. BẤT ĐẮC CHÍ ĐỘC HÀNH KÌ ĐẠO. PHÚ QUÍ BẤT NĂNG DÂM, BẦN TIỆN BẤT NĂNG DI, UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT. THỬ CHI VỊ ĐẠI TRƯỢNG PHU” (Hãy ở nơi rộng lớn nhất trong thiên hạ nghĩa là ở nơi Đức Nhân. Hãy hành động theo cái Đạo cao cả nhất trong thiên hạ nghĩa là làm vì Đại Nghĩa. Hãy đứng trong vị trí Nhân Hoàng, nơi “Đại Lễ dữ thiên địa đồng tiết”. Đạt được Tâm Nguyện của mình thì cũng làm cho mọi người được đạt Tâm Nguyện của họ. Nếu không đạt được Tâm Nguyện thì một mình mình theo Đạo Lớn. Giàu sang không phóng túng buông lung để làm lạc mất chí mình. Nghèo hèn không thay đổi Đạo Làm Người. Không có một uy vũ nào trên cõi đời này có thể bắt buộc mình làm nô lệ được. Đó chính là Đạo Làm Người của bậc đại Trượng Phu – Mạnh Tử, chương Đằng Văn Công Hạ, tiết 2). Cái Học có nền tảng an lạc ngay từ căn để như thế không phải là thực học hay sao? Mùi vị của nó chẳng phải vô cùng là gì? Ôi! Bao la man mác viết mãi chẳng cùng. Cái Học như thế thì lo gì lạc với chẳng lạc mất Hồn. Cái Học đó ngày một ngày đưa Con Người vào cõi Tự Do, An Nhiên Tự tại trong việc xây đắp nền tảng Nhân Bản Tâm Linh để lưu truyền công nghiệp ngàn thu. Chính cái Học đó đã đeo đẳng mãi Phan Sào Nam tiên sinh trong suốt cuộc đời hành đạo vì dân vì nước, bất chấp trong lao tù khốn khổ. Bài thơ Ngồi Tù Cảm tác đã gói ghém phần nào tâm sự của tiên sinh:
Nếu chết phăng đi cái cũng hay
Còn Ta ta lại nghĩ sao đây
TRỜI ĐÂU CÓ NGỤC CHÔN THẦN THÁNH
ĐẤT HÁ KHÔNG ĐƯỜNG RUỔI GIÓ MÂY
Tát cạn bể Đông chiều tấc lưỡi
Phá tan rừng Bắc vẫy đôi tay
ANH EM AI NẤY XIN THÊM GẮNG
CÔNG NGHIỆP NGÀN THU HÁ MỘT NGÀY
Để kết thúc, xin mượn câu nói của Lụn Ngữ “NHÂN VIỄN HỒ TAI? NGÃ DỤC NHÂN TƯ NHÂN CHÍ HĨ” (ĐỨC NHÂN nằm ở nơi sâu thẳm trong TÂM TA đó, đâu có xa xôi gì. Nếu ta thực sự muốn LÀM NGƯỜI, muốn thấy được BẢN LAI DIỆN MỤC thì NHÂN tự khai mở để hớp Ta vào DÒNG SỐNG TÂM LINH ngay vậy – Chương Thuật Nhi, tiết 29). Rốt cuộc trong thâm sâu của Tính Thể Thời Gian, Hồn hiện diện từ lúc nào và từ bao giờ, chẳng mất mát chẳng suy suyển chút gì. Chỉ cần con người toàn tâm toàn ý Thành Tín với Hồn Đại Ngã trung thực đó trong mỗi tác động sinh sống thì rồi sẽ được hớp vào cuộc sống sinh sinh bất tức viên dung vô ngại hoan lạc tận cùng bất khả diễn tả. Kinh Dịch viết: “THƯ BẤT TẬN NGÔN, NGÔN BẤT TẬN Ý. NHIÊN TẮC THÁNH NHÂN CHI Ý KÌ BẤT KHẢ KIẾN HỒ. THÁNH NHÂN LẬP TƯỢNG DĨ TẬN Ý” (Sách viết không hết được lời, lời không múc cạn hết được ý. Mà cái ý của Thánh nhân khó có thể thấu hiểu tận nơi tận chốn được. Do đó Thánh nhân đưa ra những Sơ Nguyên Tượng để diễn tả hết mọi ý trong tất cả mọi khả thể tiềm tàng của nó – Hệ Từ Thượng, chương 12). Cái tượng đó là con Rồng với đôi cánh Tiên Chim bay hút vào vô tạn Thời Gian phủ trùm Vũ Trụ tỏa ánh sáng miên viễn vào tận đời sống thường nhật để hướng dẫn con người Thành Tín dấn bước lên đường theo tiếng gọi của Nguyên Ngôn, của Ý Trung Nhân lí tưởng đang chờ đón trong thiên thu vạn đại với nụ hôn nồng thắm chở theo đầy hoan lạc siêu phàm. Sơ Nguyên Tượng CON RỒNG CHÁU TIÊN là một Thực Tại Huyền Sử, do đó đã đi vào Tiềm Thức Cộng Thông của Dân Tộc, mà mọi người con Lạc Hồng đều chân nhận trong tận đáy lòng. Không những thế nó còn đi sâu vào Tiềm Thức của Nhân Tộc để thấy rằng nhân loại chỉ là anh em đúng với ý nghĩa câu “tứ hải giai huynh đệ”. Đó không phải là một sự thực khác được diễn tả lại trong Huyền Thoại cái bọc Thái Cực trăm trứng của Mẹ Âu Cơ đó ru! Không phải người trong nước đều là Đồng Bào ư! Sao nỡ để cái học trục vật làm xa rời NHÂN TÍNH như vậy! Sao nỡ để những tên Cao Biền của thời mới yểm trấn Linh Khí của núi sông như vậy! Xin tất cả hãy cùng nhau đứng lên nối chí Thánh Tản Viên nhổ vào mặt những tên Cao Biền như thế để hô to lên bốn chữ linh thiêng:
VIỆT THƯỜNG MUÔN NĂM
Chúng ta hãy để Dòng Sống VIỆT THƯỜNG luôn luôn tuôn chảy không ngừng trong Tâm Huyết của những VIỆT NHÂN như là những THỰC TẠI HUYỀN SỬ, luôn luôn mang lại những luồng thần khí Chí Đại Chí Cương mênh mông bát ngát nuôi dưỡng ĐẠI NGÃ, nuôi dưỡng DÒNG SỐNG TÂM LINH VĨNH CỬU, đem mẫu mực LẠC HỒNG làm gương soi sáng vạn thế, để dòng BÁCH VIỆT luôn mãi trường tồn trong Vô Tận Thời Gian. Xin Kính Tặng bài thơ sau đây như một món quà sơ khởi cho những ai đang trên hành trình tiến về TUYỆT ĐỐI THỂ TÂM LINH:
TA tự SINH SINH giữa NÚI SÔNG
Hỏi ra TA dòng dõi TIÊN RỒNG
Phong lưu TA sống đời AN LẠC
Căn cơ MÌNH cảm ở HƯ KHÔNG
VỊNH QUI (1) SẢNG KHOÁI HỒN GIAO CHỈ
DU NGHỆ (2) HÂN HOAN CHÍ LẠC HỒNG
Tất cả ĐẤT TRỜI vang TIẾT NHỊP
Vui chơi TA hành ĐẠO HÓA CÔNG
Vui chơi TA hành ĐẠO HÓA CÔNG
HƯ TÂM TRỜI ĐẤT CẢM GIAO THÔNG
Phải nên TẤU CÁCH VÔ NGÔN (3) nhỉ
Thời ra THÌ MỊ HỮU TRANH (4) không
QUỐC TỔ TRUNG THÀNH NĂNG DIỆU HỮU
GIA TIÊN TÍN THUẬN TẠI CHÂN KHÔNG
Nghìn năm công nghiệp VĂN LANG đó
Vạn thế noi gương mẫu LẠC HỒNG.
CHÚ THÍCH
(1) Vịnh qui: Lấy từ câu “Vịnh nhi qui” trong “Dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi qui” (Luận Ngữ, chương Tiên tấn, tiết 11).
(2) Du nghệ: Lấy từ câu “Du ư nghệ” trong “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (Luận Ngữ, chương Thuật Nhi, tiết 6).
(3) & (4) Tấu Cách Vô Ngôn, Thì mị Hữu Tranh: Trích từ Kinh Thi, thiên Thương Tụng, bài Liệt Tổ.
SÁCH THAM KHẢO
(1) Tứ Thư Ngũ Kinh.
(2) Lão Tử Đạo Đức Kinh.
(3) Trang Tử Nam Hoa Kinh.
(4) Hoa Nghiêm Kinh, Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm.
(5) Phan Sào Nam, Khổng Học Đăng.
(6) Kim Định, Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên.
(7) Kim Định, Triết Lý Giáo Dục.
(8) Kim Định, Cơ Cấu Việt Nho.
(9) Kim Định, Tâm Tư.
(10) Kim Định, Chữ Thời.
(11) Kim Định, Nhân Chủ.
(12) Kim Định, Văn Lang Vũ Bộ.
(13) Kim Định, Hùng Việt Sử Ca.
(14) Kim Định, Kinh Hùng Khải Triết.
(15) Kim Định, Sứ Điệp Trống Đồng.
(16) Kim Định, Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc.
(17) Giản Chi &Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc, quyển Hạ.
(18) Phạm Công Thiện, Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ & Triết Học.
(19) Phạm Công Thiện, Im Lặng Hố Thẳm.
(20) Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương.
(21) Trần Trung Viên &Hư Chu, Văn Đàn Bảo Giám.
(22) Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luậa, tập thượng, dịch giả Trúc Khê.
(23) Daisetz Teitaro Suzuki, Essays In Zen Buddhism, First Series.
(24) The Upanishads, volume IV, a new translation by Swami Nikhilananda,Ramakrishna – Vivekananda center, New York, Second Edition 1979.
(25) Martin Heidegger, Early Greek Thinking: The Dawn Of Western Philosophy, translated by David Farrell Krell and Frank A. Capuzzi, 1984.
(26) Friedrich Nieyzsche, The Birth Of Tragedy, translated by Francis Golffing, 1956.
(27) Carl Gustav Jung, The Archetypes And The Collective Unconscious, Volume 9 Part I Of The Collected Works, translated by R.F.C. Hull, Bollingen Series XX, Pantheon Books Inc., 1959.
Xin thú thực với tất cả sự chân thành của một con người đang đi tìm kiếm lại chính mình là tôi không hiểu mình là ai cả. Socrates vẫn thường bảo KNOW THYSELF nhưng thú thực tôi không thể hiểu chính mình là cái gì, là ai trong cõi đời ô trọc này. Ông chỉ vất câu sấm ngôn ra đấy nhưng lại không chỉ phương pháp để đi đến đó thì đành chịu thôi. Tôi đã tự hỗn mang với chính khủng hoảng mình, hay ông đã đưa người vào chỗ hỗn mang, hay là chính ông cũng chẳng hiểu gì cả, nghĩa là chẳng có phương pháp nào hết để tự tìm biết chính mình, mặc dù ông biết thừa bằng trực giác “Know Thyself” chính là con đường duy nhất của Truyền Thống nhân loại dẫn người ta đến cuộc sống chân thực, đến cứu cánh tối hậu của đời người. Nhưng dường như ông đã đề cao thần Apollo tượng trưng cho lý trí nhiều quá đến nỗi bóp nghẹt đi thần bản năng sự sống Dionysos, làm cho sự phối hiệp âm dương giữa Dionysos và Apollo bị đứt đoạn, và từ đó Hồn đã bị chết ngạt. Thế rồi môn đệ của ông tìm ra đủ mọi phương pháp để bù đắp vào chỗ thiếu sót mà ông đã vô tình hay cố ý bỏ lửng một cách tai hại. Nào là Plato đi xây dựng thế giới lý niệm xa cách thực tại trần gian biết mấy, khởi đầu cho cái gọi là “Đạo Đời ly dị”, và chỉ biết mình là ai khi phải bỏ “trần gian ô trọc” để ngắm nhìn “lý giới”. Thế là cuộc sống đa diện chỉ còn có thu vào con mắt, và tệ hơn nữa con mắt lý trí, chứ không phải là Tuệ Nhãn thần thông viên dung vô ngại. Nào là Aristotle đi tìm bản chất sự vật, về những ý niệm bản thể sự hữu, để rồi đắm chìm vào vật chất vô minh, quên bẵng mất Tính Thể bao la của Con Người Thực Sự. Thiện chí của cả hai là giải phóng con người khỏi những tin tưởng phù phiếm và vô minh, nhưng thực tế hai ông đã đưa con người vào tròng của nô lệ lý trí, vào tròng của những sự vật ngổn ngang hỗn tạp. Cái lầm nọ kéo dài bao thế kỉ, di họa đến đời nay, và ai theo họ cũng đều trở nên hoang mang trống rỗng, lục thần vô chủ. Và xin thú thực tôi đã là một nạn nhân khốn khổ của họ. Tôi đã tự đồng hóa chính mình với những ý tưởng này nọ, với những lí thuyết nọ kia, nhưng để rồi tất cả đều qua đi và để lại trong tôi một nỗi trống rỗng buồn nôn vì những vô nghĩa phi lí của một cuộc đời tẻ nhạt vô vị. Đây chính là một chút kinh nghiệm đau thương của sự lầm đường. Việc cuốn gói ra đi của những triết thuyết này gây ra do một sự khủng hoảng sâu xa ngấm ngầm tận trong đáy lòng tôi, trong khi tôi đi tìm một nền tảng cho chính mình, và chính sự khủng hoảng này đã tống ra ngoài một vật xa lạ không thể tiêu hóa được.
Ấy thế cho nên tôi phải bắt đầu lại một cách cẩn thận hơn và tự hỏi “Tôi muốn cái gì?” và hơn hết TÔI LÀ AI? Câu hỏi “Tôi là ai?” dường như tiếp ngay sau câu sấm ngôn “Know Thyself” một cách tự nhiên, nhưng câu trả lời lại không liền ngay sau đó mà đã trải qua bao nhiêu sự lầm đường lạc lối trong đêm tối vô minh của thời gian, phải trải qua bao nhiêu sự phủ định, để đưa tới một câu trả lời thật là buồn cười và hầu như không trả lời gì cả: TÔI LÀ TÔI, mà tiếng Anh dịch là I AM THAT I AM (Exodus, Chapter 3:14), hay nói ngắn hơn:
TÔI LÀ = I AM = JEHOVAH
Chính vì quá đơn giản như thế mà đã như chìm vào trong quên lãng của thời gian, và kéo theo sự quên lãng Tính Thể hay vong Tính (Sein-vergessenheit, thuật ngữ của M. Heidegger). Con người không còn là một Tại Thế Thể như Heidegger nói mà chỉ là những bóng ma đi bắt ảo ảnh ở tận nơi chân trời xa tắp tít, để rồi lạc vào đêm tối mù khơi, xa dần trần thế cụ thể, lạc vào “Vạn Kính Lâu” do chính trí thức vô minh của mình tạo ra, chỉ vì lòng tham dục vô tận mà không biết nơi phát tiết cũng như điều hòa cho trúng chỗ. Thế mới thật thấm thía câu nói của Trung Dung “Hỉ nộ ai lạc chi vị phát vị chi Trung, phát nhi giai trúng tiết vị chi hòa” (Những mối tình cảm trong lòng như vui mừng, tức giận, đau thương, sảng khoái khi chưa xuất hiện, còn ở trạng thái Tiềm Thể Uyên Mặc thì gọi là Trung. Khi chúng xuất hiện theo đúng tiết nhịp Uyên Nguyên phát ra từ Vũ Trụ Chi Tâm thì gọi là Hòa – Trung Dung, chương 1). Bất hòa khắp nơi phải chăng đó là kết quả của sự lỗi nhịp Thái Hòa do lòng tham không đáy mà ra chăng? Cuộc đời thực giản dị, chỉ có con người vô minh tự làm phiền đấy mà thôi. Chỉ có cái giản dị đó mới đưa con người đến chỗ thấu hiểu chính mình, thấu hiểu cội rễ của mình là gì mà thôi. Cái giản dị đó chính là: TÔI LÀ, và chỉ là thế. Kinh Chandogya Upanishad, chương 6, đoạn 8, tiết 7, đưa ra câu Mahavakya thời danh bao trùm tất cả nền Đạo Học Đông Phương:
TATTVAMASI = THAT THOU ART
Ở đây, TAT = THAT = TÍNH = CÁI ẤY = TÔI. Kinh Dịch cũng nói một cách uyển chuyển “Dị giản nhi thiên hạ chi lí đắc hĩ. Thiên hạ chi lí đắc nhi thành vị hồ kì trung hĩ” (Giản dị mà đạt được lẽ Trời, tức cái Lí Nhất Quán độc nhất vô nhị bao trùm tất cả vũ trụ. Khi đạt được lẽ Trời đó thì con người trở nên Người Thực Sự, đứng ở cương vị Nhân Hoàng giữa Trời cùng Đất – Hệ Từ Thượng, chương 1). Chạy theo những bóng hình phù du, vui với những cơn khát vọng ngắn ngủi, chỉ đưa con người đến chỗ tự diệt mà thôi, vì đã lạc mất Hồn rồi. Sự quên lãng Tính Thể, sự vong Tính chính là sự lạc mất Hồn vậy. Sự quên chân lí đơn giản đó chính là lạc mất Hồn đó vậy.
Thế nên tôi luôn phải cẩn thận đặt lại câu hỏi “Tôi là ai?” một cách thận trọng vô cùng vào tận tâm can mình trong tất cả mọi tác động của cuộc sống. Tôi nhớ lại lúc còn ở Việt Nam đã đọc cuốn “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên” của Thầy Kim Định, và điều tôi nhớ nhất là “Câu chuyện lạc Hồn của một chàng sinh viên thành Prague”. Khi đọc tôi có cảm tưởng rằng mình cũng giống chàng sinh viên nọ ở một vài khía cạnh. Đó là tuy không bán Linh Hồn mình cho ai (mà thực ra Hồn không thể bán được), nhưng cái Hồn thực sự của mình ở đâu, cái Linh Hồn, cái Bản Lai Diện Mục đó ở đâu, tôi thực không biết. Không biết mình rồi dẫn đến không biết tha nhân, không biết quê hương dân tộc, không biết nhân loại không xa mấy. Vì tha nhân, tổ quốc, nhân loại là những tấm gương soi sáng chính mình. Nếu mình không có Hồn thì soi vào làm sao mà thấy. Không biết mình thì dẫu có soi cách mấy đi nữa thì cũng không thể thấy được Hồn Thiêng của mình.
Trí óc miên man dẫn tôi đến những ngày xa xưa khi tôi còn bé lắm. Mỗi chủ nhật về thăm bà ngoại, ngoại thường bắt học thuộc nào là “Tam Tự Kinh”, nào là “Nhất Thiên Tự”. Hoàn toàn chẳng hiểu gì hết. May mà tôi cũng mau thuộc nên ngoại cho đi chơi. Những mẩu chuyện thần thoại, cổ tích mà ngoại kể, tôi đã lắng nghe say sưa hầu như quên ăn quên ngủ. Tất cả mọi câu chuyện đều thú vị, tràn đầy tình cảm vị tha cao thượng, tình Nhân Ái bao la man mác quyện khắp non sông đất nước, cũng như nói lên tinh thần Nghĩa Hiệp bênh vực những người bị lép vế. Nào là chuyện “Lưu Bình Dương Lễ” nêu cao tình nghĩa bạn bè thâm sâu, nào là chuyện “Thiếu Phụ Nam Xương” soi tỏ tinh thần kiên tâm chờ đợi. Rồi hình ảnh hào hùng uy linh “Cứu Nhân Độ Thế” của Thánh Gióng, mối tình thiên thu vạn đại cao thượng của Tiên Dung và Chử Đồng Tử cũng như của Sơn Tinh và Mỵ Nương, đến những mẩu chuyện dựng nước lớn lao cao cả của Bố Lạc Long Quân. Sự tích Trầu Cau nêu cao tình nghĩa anh em hòa thuận, vợ chồng tiết nghĩa. Sự tích Bánh Dày Bánh Chưng nói lên ý nghĩa ngày Tết trong tinh thần làm người chân chính. May cho tôi những ngày Tết đó tôi vẫn còn được ăn bánh dày bánh chưng đầy đủ, những Tết sau này khi tôi lớn lên đã hầu như mất hẳn bánh dày, mặc dù mùi vị đạm bạc nhưng ăn không chán, đúng như lời vua phán với Tiết Liệu, và cũng đúng như lời của Trung Dung “Quân tử chi đạo đạm nhi bất yểm, giản nhi văn, ôn nhi lí” (Đạo của người quân tử tuy lợt lạt đạm bạc nhưng không chán vì nó bao la man mác; giản dị mà vẫn văn nhã, sáng tỏ, rành rẽ; ôn nhu tình cảm mà vẫn giữ lễ, vẫn có thứ tự – Trung Dung, chương 33). Trong mọi câu chuyện hầu như đều đề cập đến Tình Người với Người, giữa Người với Đất nước, với Tiên Tổ Tiền Nhân thật là lai láng bao la, mênh mông bát ngát không thể cùng được, không thể diễn tả, “bất khả tư nghị” chỉ có thể cảm nghiệm và thể nghiệm mà thôi. Rồi lớn lên hơn một chút nữa học về lịch sử Dân Tộc, về gương sáng dựng nước của cha ông, của tổ tiên anh linh, những mẫu mực sống đáng kính phục, những con người thực cao cả gieo vào lòng trẻ con những tình cảm thán phục, cùng những hình ảnh tuyệt vời nhớ hoài không quên. Những hình ảnh đó, những tâm tư tình cảm đó là những THỰC TẠI sống động hiện tiền, chứ không phải chỉ là những bóng hình của quá khứ bất động vô tình. Hình ảnh của Bố Lạc Long Quân, của Mẹ Âu Cơ bao rợp phủ trùm cả Vũ Trụ Tâm Linh, vượt thoát cổ kim đi vào hiện tại miên trường, chứ có phải chỉ là những mẫu người nào đó sống trong một thời gian nào đó chẳng liên hệ chi đến hiện tại này đâu. Các Ngài đã không còn là những thực tại lịch sử cá biệt mà đã trở thành những Sơ Nguyên Tượng (tạm dịch từ “archetypal image” của C. Jung, mặc dù nội dung không đúng lắm), đi vào tiềm thức cộng thông của không những Dân Tộc mà còn là của cả Nhân Tộc nữa, đi vào Tâm Linh nhân loại mở ra một trang sử mới: Huyền Sử của Dân Tộc Việt hay là VĂN LANG HUYỀN SỬ, Sử của những CON NGƯỜI MUÔN THUỞ, sống đời sống Đại Ngã, thở hút bằng những luồng thần khí vô cổ vô kim xuyên thấu vào tận nơi thâm tâm sâu thẳm của mỗi con người hiện diện là chính chúng ta. Chính vì thế mỗi khi chúng ta nghe kể lại những trang sử oai linh đầy thần khí đó, trong lòng mỗi người đều luôn mãi âm vang những cảm thông đồng điệu, và mỗi khi có cơn tao loạn nào là như muốn “đứng lên đáp lời sông núi” vậy. Là con cháu Lạc Hồng, có ai không cảm thấy trong tận cùng sâu thẳm của Tâm Linh mình không cùng rung lên một nhịp đập với Tiên Tổ, cái nhịp đập chan hòa Tình Tự Quê Hương Dân Tộc âm vang mãi trong thiên thu vạn đại. Đó chính là cái nhịp của VŨ TRỤ CHI TÂM và cũng chính là nhịp đập của Con Người Đại Ngã trong chính mỗi chúng ta. Cái nhịp đập sâu thẳm đó nếu không LẮNG NGHE với một tâm trí vắng lặng thì sẽ không cảm thông được, và tệ hơn nữa nếu để cho những cái ồn ào xáo động của những đợt sóng hiện tượng trên mặt Đại Dương Tính Thể che lấp đi mất thì đó chính là Lạc Hồn, là quên lãng Tính Thể, là Vong Thân.
Hồn con người là một Đại Dương sâu thẳm bao la man mác phủ trùm tất cả Vũ Trụ Thời Không, mà khi nhập thể vào người nào đó thì gọi là TÍNH, khi nhập thể xuất hiện bàng bạc nơi đất nước thì đó là HỒN NƯỚC là DÂN TỘC TÍNH, và khi ẩn khi hiện nơi toàn thể nhân loại thì đó là NHÂN TÍNH. NÓ thuần nhất thái công không có tư ý tư dục chi cả. HỒN chính là THẦN mà “Thần vô phương” (Thần không có nơi có chốn nhất định nào cả nhưng không đâu không ở, không đâu không có Thần – Kinh Dịch, Hệ Từ Thượng, chương 4).
Đó là những cảm xúc khi nhớ lại quãng thời gian thơ ấu thấm nhuần trong lịch sử huy hoàng của Dân Tộc, những trang Huyền Sử đầy khả kính mang ánh sáng Tâm Linh đến soi sáng và nuôi dưỡng tuổi thơ của tôi trong niềm Kính Cẩn, và trong Tình Yêu Thương bao la phổ biến. Khi lớn lên hơn một chút, thưởng ngoạn những thi văn của Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan, v.v… tất cả đều gợi lên trong lòng một chút hoài cảm về một “Thăng Long Thành Hoài Cổ”, về Quê Hương Dân Tộc, về những Tình Tự Con Người và Tổ Quốc, mà những ý vị thâm trầm điềm đạm hầu như bàng bạc mênh mông diệu vợi. Tôi không hiểu được một cách rõ rệt, nhưng trực nhận được một vài khía cạnh với những cảm xúc dâng tràn lai láng. Rồi đến những truyện “Tây Du Kí” (bằng chữ cũng như bằng hình), “Thủy Hử”, “Hán Sở Tranh Hùng”, “Thuyết Đường”, v.v…, truyện chưởng của Kim Dung, Cổ Long, v.v…phải nói là quên ăn quên ngủ mê say mà đọc, cận thị cũng vì đó mà ra. Những tiểu thuyết “đời mới” như của nhóm Tự Lực Văn Đoàn không cám dỗ nổi tôi, và thú thực là với đa số quyển tôi không cảm nổi, có lẽ trí óc tôi già cỗi quá chăng hay đó chỉ là những sản phẩm “ngoại lai” mang dấu vết của một thời “vàng son” không thực, hay chỉ là đóa hoa “nylon” tuy đẹp nhưng c nào cả. Tình cảm là hương vị chân thực, không phải là “nylon”, không phải là những bông hoa bằng cao su có thể giữ mãi mãi, nhưng vô tình chẳng cảm được lòng người. Sở dĩ loại tiểu thuyết “đời mới” này không thể cảm hóa được tôi chỉ vì chúng không mang Thể Tíh Vĩnh Cửu. Cố gắng để mà cảm cái hương vị “nylon” của nó là một thất bại đắng cay.
Thời gian đó tôi đọc nhưng không có một điểm tụ nào cả. Thế cho nên trí óc cứ mãi mông lung mơ hồ man mác, hết nhảy sang Đông lại sang Tây, lên Nam rồi xuống Bắc, chuyển hết đầu này sang đầu kia, giống như con khỉ chuyền hết từ cành này lại đến cành khác. Đó không phải là trạng thái”tâm viên ý mã” hay sao? Không có một chỗ tụ dầu rằng điểm tụ đó là “Hố Thẳm” đi chăng nữa. Bởi vì dầu sao con người ta cuối cùng rồi cũng nhảy vào Hố Thẳm không chóng thì không đó mà Nikos Kazantzakis đã tâm niệm “Giải đất mới chỉ có trong lòng người…Bổn phận mi là lên đường đi đến Hố Thẳm, một cách Im Lặng, một cách Rộng Lượng, và Không Hi Vọng” (Phạm Công Thiện, Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ & Triết Học, trang 432). Chính hào Cửu Tứ quẻ Kiền cũng viết “Hoặc dược tại uyên, Kiền đạo nãi cách” (Nhảy vào Hố Thẳm Tâm Linh chính là cách mạng triệt để trong Nội Tâm – Kinh Dịch, quẻ Kiền). Con đường tiến về Tâm Linh Đại Ngã phi đi qua Hố Thẳm trốn tránh làm sao được. Phải tẩy rửa sạch sẽ nhữ rác rưới còn đọng lại làm thành những thành kiến che lấp mất Tính Thể. Kinh Dịch đã đưa ra phương pháp “Múa Trống Tâm Linh” như sau “Dịch vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố” (đoạn tuyệt những suy tư động loạn của lí trí để Tâm Trí Vắng Lặng Trống Không thì tức khắc nhập vào được dòng sống Tâm Linh cảm thông với tất cả mọi sự – Hệ Từ Thượng, chương 10). Không như thế thì làm sao bước sang được hào cửu ngũ một cách ung dung tự tại an nhiên thư thái của một “Phi long tại thiên đại nhân tạo dã” (Rồng bay trên trời, người đại nhân tùy thời mà sáng tạo). Không qua giai đoạn “Tuyệt tứ: Vô ý, vô tất, vô cố vô ngã” (Dứt tuyệt được bốn mối là: không có ý riêng, không tuyệt đối hóa bất cứ hiện tượng nào, không cố chấp nhỏ nhen độc hữu, không còn cái tôi bản ngã – Luận Ngữ, chương Tử Hãn, tiết 4), gọi là via negativa, thì làm sao đi tới thống nhất lẫm liệt của Tâm Hồn gọi là via unitiva được. Có “Dục hồ Nghi” thì mới “Phong hồ Vũ Vu” chứ, và sau đó chỉ là “Vịnh nhi qui” ca hát mà về. Có gì mà phải tư lợ, mà phải âu lo, mà phải sợ hãi. Kinh Dịch cũng viết: “Thiên hạ đồng qui nhi thù đồ, nhất trí nhi bách lự, thiên hạ hà tư hà lự” (Người ta còn phải lo gì nghĩ gì, thiên hạ rồi cũng quay về nhập thể vào dòng sống Tâm Linh dầu đi những con đường khác nhau, rồi cũng đi về tận nguồn của mọi suy tư cá biệt là Lí Nhất Quán, người ta còn phải lo gì nghĩ gì – Hệ Từ Hạ, chương 5). Cái Hố Thẳm cần thiết như thế đó.
Chính vì phải đi tìm Hố Thẳm, phải “tuyệt tứ” mà tôi không thỏa mãn với những trạng thái “tâm viên ý mã” này, cho nên tôi đã tự đi vào lãnh vực của Triết Lí, mong tìm ra nơi đây những giải đáp Minh Triết thấu triệt thỏa mãn nội tâm đang xao xuyến của tôi, cái xao xuyến cực độ của một con người tìm lại chính mình, tìm lại nguồn cội của mình, tìm về cái Hồn đã lạc đâu mất, cái xao xuyến của một lữ hành đang đi trong đêm tối vô minh của thời gian, tìm lại nhà của mình mà mình đã vì vô ý xa rời nó trong khi theo đuổi những gì hư mất phù du. Nhà đâu xa nhỉ, chỉ vì mình không chịu tìm kiếm đó thôi. “Hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ cửa thì sẽ mở cho”, câu nói của Phúc Âm (St. Matthew, chapter 7:8) vẫn âm vang thăm thẳm sao vội quên rồi.
Tôi lục tìm những sách Triết để đọc để nghiền ngẫm. May mắn cho tôi, khi đó một ông anh của tôi theo ngành Triết nên trên kệ sách của anh ấy có nhiều sách Triết. Cuốn sách Triết Lí đầu tiên mà tôi đọc là cuốn “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên” mà tôi đã nói ở trên về câu chuyện “lạc Hồn”. Trên kệ sách của anh tôi lúc đó chỉ có ba cuốn của Thầy Kim Định là “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên”, “Triết Lí Giáo Dục”, và “Chữ Thời”. Ngay chương đầu của cuốn “Hồn Nước với Lễ Gia Tiên” tôi đã có một ấn tượng sâu sắc về câu chuyện lạc Hồn của chàng sinh viên thành Prague, vì những đồng điệu mà tôi tự cảm thấy cái ý vị thâm trầm do nơi câu chuyện gởi gấm. Sau đó Thầy lần lượt dẫn dắt tôi đi đến những đợt Hồn Nước. Trước hết là những Tình Tự Dân Tộc mà tôi cảm được ngay như khi bà ngoại kể cho nghe những mẩu chuyện thần thoại cổ tích từ thời thơ ấu, cũng như sau này khi tôi học lịch sử Dân Tộc. Bước thứ nhì Thầy đi đến nền Triết Lí Dân Tộc với những cơ cấu gây xúc động phi thường vào lòng tôi một cách mãnh liệt, rồi bước cuối cùng là “Tinh Nghĩa Nhập Thần” để giáp mặt cuộc đời trong tất cả những hỗn mang biến động của nó, hầu thâu hóa tinh hoa của tất cả những nền văn hóa khác đem về bồi đắp vào nền Văn Hóa của Dân Tộc theo chiều hướng tiến của Tâm Linh nhân loại. Cuốn sách thật đơn giản dễ hiểu và cảm nhận được ngay. Thật sự tôi mải mê đọc, đọc đi rồi đọc lại. Hồn là Thần, Thần là Hồn. Và Kinh Dịch có câu “Thần vô phương nhi Dịch vô thể”, Thần thì có ở cố định trong cái gì đâu nhưng là bàng bạc khắp nơi không đâu không ở. Chỉ phải có Tình Cảm thâm hậu, phải Cung Kính mới nhận ra được những cái tế vi mà mắt thường không thấy được. Thầy đưa ra một ví dụ tiêu biểu cho Hồn Nước, đó là Lỗ Gia Tiên, nói nôm na là tục thờ cúng ông bà. Cái này thì tôi cũng cảm được ngay vì nhà tôi có bài vị thờ ông bà tổ tiên. Hơn nữa Hồn của Lễ Gia Tiên là Đạo Hiếu. Hiếu chính là niềm Tôn Kính và tự Giáo Dục cái nguồn sống Tâm Linh đang ngầm chảy trong mỗi con người chúng ta không để cho đứt đoạn. Lễ Gia Tiên là một lối để lập thân hành đạo, lưu truyền Đạo Người Muôn Thuở mãi mãi bằng cách trở lại cội nguồn nơi thẳm cung lòng mình, Tín Thuận Thành Kính với Nội Tâm mình, luôn “Vãng Lai Tỉnh Tỉnh” (luôn luôn trở lại với nguồn suối Tâm Linh, với mạch Cam Tuyền – Kinh Dịch, quẻ Thủy Phong Tỉnh), đưa con người tiểu ngã về tắm lại trong suối nguồn Đại Ngã của Hồn Thiêng Dân Tộc, của Anh Linh Tiên Tổ Lạc Hồng.
Tôi xin thú thực rằng càng ngày khi tôi chạy theo ngoại vật, theo đuổi những cái hư mất phù du thì tôi càng thấy rõ ràng rằng cái học trục vật này càng ngày càng làm cho tôi khô cạn tâm hồn, không nơi an nghỉ, không chỗ hướng về, con người dường như bơ vơ lạc lõng giữa chợ đời, sống ơ hờ như một cái xác vô hồn giữa ngục tù của trần gian, ương ương dở dở, nếu nói theo kiểu hiện sinh tức là mang tâm trạng của kẻ “homelessness”, và tệ hơn nữa “thoughtlessness”. Tất cả đều trống rỗng một cách khủng khiếp, cái rỗng tuếch nhơ nhớp, nhầy nhụa, đen kịt chứ không phải cái trống rỗng thanh thản bình dị của những ai đã “Dị giản nhi đắc thiên lí”. Ai cũng biết cũng cảm thấy cứu cánh tối hậu, mục tiêu cuối cùng của cuộc đời là sống viên mãn, sống hạnh phúc, nhưng có muôn ngàn lối để đi đến đó, miễn là phải đi đến cùng cực con đường phải đi, vào tận nơi Nội Tâm thâm sâu của chính mỗi người chúng ta, để đi tới giáp chỗ với Hư Không (Lân Hư), nơi mà “hữu vô tương sinh”, nơi hội nhập của Đất Trời làm nên Bản Tính của Con Người Muôn Thuở. Muốn tiến tới đạt hạnh phúc thì phải hành động, không phải miễn cưỡng hành động hay bị bắt buộc hành động, hay là bị dụ hoặc vì danh vọng lợi lộc mà hành động, mà chính là AN NHIÊN TỰ TẠI trong hành động, thấy đáng làm thì làm tận lực, cái làm vì Nghĩa đưa con người tới miền An xứ Lạc, quê hương của Con Người Đại Ngã. Đấy chính là một cuộc chơi vĩ đại đầy hăng say thành khẩn, đem lại cái sống vui tươi an lạc cùng cực, làm nảy nở bản tính chân thực, đưa con người lại gần Thượng Đế hơn. Và những nỗi vô vị tẻ nhạt của cuộc đời ô trọc, đầy “phồn vinh giả tạo” này dần dần tan biến vào cái hiện thể nhầy nhụa để tự hóa thành những đám mây trắng bay vào thinh không vô tận, nhập vào cõi sống Uyên Nguyên của cái tiết nhịp khởi đầu cuộc sống của Con Người, đánh tan đi những giấc mộng triền miên hầu đưa ta trở về suối nguồn chân thực của nhân tâm thế đạo, của vũ trụ nhân sinh. Chính trong Tinh Thần ấy, Nguyễn Công Trứ tiên sinh đã tự ca vịnh trong bài thơ Nhân Sinh Thế Ấy:
Ôi nhân sinh là thế ấy
Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao
Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào
Vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín
Vật thái mạc cùng vân ảo biến
Thế đồ vô lự thủy doanh hư
Cái hình hài đã chắc thiệt chưa
Mà lẽo đẽo khóc sầu rứa mãi
Trời đất đã có hình cũng hoại
Ý chi chi mà chắc chi chi
Cuộc làm vui phải liệu kịp thì
Khi đắc chí lại có khi thất chí
Trông đó đó hãy suy cho kĩ
Dẫu xưa nay nào có trừ ai
Có tài mà cậy chi tài.
Có cảm có sống như thế mới thấy cuộc đời đầy tràn Nhân Tính như Uy Viễn tướng công đã diễn tả lại trong bài Nợ Phong Lưu:
Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
Nợ phong lưu kẻ trả có người vay
Trong trần gian ai biết ai hay
Làm ra đấng phi thường cho rõ trí
Quân tử dụng tâm vô đố kị
Trượng phu nhập thế hữu kinh quyền
Bất oán thiên diệc bất vưu nhân
Trong ba vạn sáu nghìn ngày đều thích chí
Năm ba chén non nhân nước trí
Một vài câu thơ thánh phú thần
Nhởn nhơ trong áng hồng trần
Sánh người chung đỉnh đai cân cũng vừa
Thảnh thơi bầu rượu túi thơ.
Mà muốn được như thế thì cứ an nhiên thụ Mệnh, sống thuận theo Thiên Tính, để thấy rằng cái Chí Nam Nhi đó như thế này đây:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã hẳn rằng ai nhục ai vinh
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên tiếng phi thường đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
Đấy không phải là một cuộc chơi vĩ đại đầy nhiệt tình thâm tín hay sao, một cuộc chơi đầy huyền lực dẫn tới cuộc sống chân thực, cuộc sống của Chân Nhân. Đời sống sở dĩ vô vị, vô nghĩa, đáng nôn mửa tẻ nhạt chỉ vì nó không chịu mang Đạo Lí đi kèm, nghĩa là không có Nhân Nghĩa nhập thể vào từng động tác của đời sống cụ thể, cho nên cái gọi là sống chỉ là một hình thức giả dối mang đầy nọa tính của sự lãng quên Tính Thể, của sự “lạc Hồn”. Đó chỉ là một sự chết đang phủ trùm. Chết chỉ vì Thần Linh đã ẩn mặt chạy trốn do chính con người đang tâm tàn nhẫn xua đuổi trong cái giấc ngủ triền miên phiền não. Thần Linh đã cao bay xa chạy, và con người lâm vào cảnh “mất Hồn”, bơ vơ lạc lõng trơ trọi giữa những đống vật chất ngổn ngang, cố gắng một cách triền phược giả dối để tự đồng hóa mình với đồ vật này hay sự vật kia, với tiền tài danh vọng, rồi chạy theo lòng tham dục đang bốc cháy dẫn đưa tới vực thẳm của vô minh. Kinh Lễ, thiên Nhạc Kí diễn tả tình trạng ấy như là “Nhân hóa vật dã giả, diệt Thiên Lí nhi cùng nhân dục giả dã” (Khi người trở nên vật thể thì Thiên Lí bị tiêu diệt vì lòng dục của con người bị đẩy đến chỗ cùng cực). Người đã hóa thành vật thể rồi thì còn gì mà nói nữa, nó không chịu làm người làm chủ nhân, nhưng lại chịu khúm núm làm kẻ nô lệ để mặc tình cho đồ vật sai sử dẫn đưa tới vực thẳm của vong thân vong bản. “Quân tử bất khí” (Luận Ngữ, chương Vi Chính, tiết 12) là nghĩa như thế, quân tử mà cũng trở thành khí cụ đồ vật như vậy thì còn gì xứng đáng là quân tử nữa. Thế là uổng phi một kiếp người mà đáng lẽ cuộc sống phải là càng ngày càng trở nên Người hơn, Nhân Bản hơn mới phải chứ nhỉ. Thiên lí đã bị diệt khi người hóa thành đồ vật, Thần Linh đã bay xa, chỉ còn lại một vực thẳm của dục vọng hỗn mang, không được điều lí và thế là người sống với nhau như “chó sói đối với người” (Homo homini lupus, thuật ngữ của Hobbes), đang tâm giẵm đạp giày xéo lên những mối tình cao thượng nhất của con người, để cưu mang trong lòng sự thờ ơ nô lệ ngày càng lan rộng nuốt trôi đi cái thế giới “văn minh” này.
Chạy đuổi theo vật chất, phóng tâm ra ngoài quá độ để đến nỗi lạc mất Hồn. Hỡi ơi! Có niềm đau nào to tát hơn nữa không! Kinh Dịch hào sơ cửu và thượng cửu quẻ Kiền viết: “Tiềm long vật dụng hạ dã” và “Kháng long hữu hối cùng chi tai dã”. Cả hai hào này đều quá xa người, đều dẫn đưa người vào hố vong thân cả nếu con người cứ mãi bám trụ vào đấy. Mạnh Tử cũng diễn tả cùng một trạng thái khi ông viết: “Nhĩ mục chi quan bất tư nhi tế ư vật. Vật giao vật tắc dẫn chi nhi dĩ hĩ” (Mạnh Tử, chương Cáo Tử Thượng, tiết 15), quan sát phóng tâm ra ngoài bởi cái gọi là “mắt thấy tai nghe của trăm họ” không phải là suy tư chân thực, và đó là đầu mối dẫn người đi vào con đường vong thân, vì trụ vào vật chất bất động đầy nọa tính, vào những ý niệm chết khô này nọ, lí giới không tưởng nọ kia, để rồi bị chúng giăng mắc thành lưới vô minh dẫn đưa tâm hồn con người vào hố vong thân vong bản ráo trọi.
Làm sao bây giờ? Làm sao để hú lại tiếng kêu Nhân Ái để cho Hồn trở lại với mình, với người, với nước cùng non? Thực sự Hồn có phải trờ trờ hiện hình ra đó như những đống đồ vật “nylon” đâu để mà hòng chạy theo rượt bắt bổ chụp, vì nếu nghĩ như thế thì càng đuổi bắt Hồn càng cao bay xa chạy càng biền biệt mất hút vào Hư Vô vô tận mà thôi. Xin hãy Dừng Lại, xin hãy Lắng Nghe tiếng gọi sâu xa thăm thẳm âm vang vọng lại từ thiên thu vạn đại. Lắng Nghe toàn tâm toàn ý thuận theo tiết nhịp Uyên Nguyên ấy, để cùng nhau hòa nhập làm Một trở nên Nhất Thể. Hãy như thi nhân Thanh Quan khi bước tới Đèo Ngang cảm nhận bao nhiêu tình ý miên man khơi tỏa:
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại Trời Non Nước
Một mảnh Tình riêng ta với Ta.
Đó chính là cái dừng chân đột ngột làm đứt đoạn tất cả mọi tư tưởng, giật mình trông lại thân phận con người để thấy rằng trong bấy lâu nay nó đã ngủ triền miên giữa đống đồ vật ngổn ngang tăm tối, để THỨC TỈNH đón chào một ánh bình minh tươi sáng của một trời mới đất mới, để mở đầu cho một cuộc hội thoại giữa ta với Ta, đánh tan đi những vẩn vơ eo xèo chán nản của cuộc sống tuy huyên náo nhưng tẻ nhạt, để dấn bước tiến về nguồn cội của chính mình. Có giật mình như thế mới hiểu nổi bài thơ Thoát Vòng Danh Lợi mà Tồn Chất tiên sinh đã cảm nhận sâu xa:
Chen chúc lợi danh đà chán ngắt
Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao
Đám phồn hoa trót bước chân vào
Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết
Quá giả vãng nhi bất thuyết
Cái hình hài làm thiệt cái thân chi
Cuộc đời thử ngẫm mà suy
Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu
Hẹn với lợi danh ba chén rượu
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ
Truyện cổ kim so sánh tựa bàn cờ
Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt
Mặc xa mã thị thành không dám biết
Thú yên hà trời đất để riêng ta
Nào ai ai biết chăng là.
Để rồi nhận ra rằng bấy lâu nay ta chỉ theo đuổi những gì huyễn mộng mà thôi. Hãy dừng lại để Nghe tiếng gọi của Chân Tâm, để thấy lại vầng trăng Tâm Linh Viên Mãn xa xưa nơi tiểu ngã đã bắt đầu rời Đại Ngã để ra đi dấn bước vào con đường “giang hồ vô định” của thời gian hiện hữu thúc phược, để cuối cùng lên đường trở về hợp nhất với Đại Ngã Tâm Linh Vũ Trụ. Có như vậy mới thấu rõ vần thơ bi tráng của Tố Như tiên sinh trong hai câu thơ Kiều sau:
Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường.
Không có một nỗi đau khổ nào hơn khi mình đã đánh mất Linh Hồn để cam tâm đổi lấy những gì ảo ảnh phù du. Thế thì phải làm thế nào để cho Linh Hồn luôn ở lại với mình mà không bay mất hút vào quên lãng? Thế thì phải THÀNH KÍNH trở về với chính mình, cái Mình Đại Ngã, cái Hồn Thiêng Chân Thực, cái Bản Tính Trời phú cho. Cái Bản Tính đó chính là Thần, là Hồn, mà cái ta nhỏ tiểu ngã cần phải TÍN THUẬN phải TINH THÀNH với, thì mới mong “Nhập Thần” tức là nhập làm Một với Thần Linh Đại Ngã, còn gọi là “Nhập Nhân Tính” hay “Nhập Ư Thất”. Chỉ có tiểu ngã cần phải Cảm Nghiệm và Thể Nghiệm vào tận đáy thân tâm thì mới nhập thể hội thông vào chiều kích Siêu Linh của Đại Ngã trong một mối Tình thâm sâu diệu vợi, như những dòng sông chảy vào Đại Dương bao la bát ngát mênh mông vô tận của Tính Thể. Đó mới chính là cứu cánh cuối cùng của kiếp nhân sinh. Hồn như thế hiện diện khắp nơi từng giây từng phút, trong tôi trong bạn, trong khắp vạn vật, trải khắp vũ hoàn, không gì không có Hồn. Bạn cảm được Hồn trong tận đáy lòng bạn, tôi cảm được Hồn trong tận đáy lòng tôi, chúng ta cùng nhau cảm thông Hồn Thiêng Dân Tộc đang linh động nhảy múa ca vịnh an lạc trong cái tiết nhịp Uyên Nguyên của Vũ Trụ sinh sinh bất tức tràn đầy sáng tạo, mở đầu cho một cuộc hội thoại căn cơ, để cùng nhau xây đắp nền NHÂN BẢN TÂM LINH và cùng nhau học tập ĐẠO LÀM NGƯỜI của Tổ Tiên Dân Tộc với tất cả con người đang hiện diện ở đây và bây giờ trên mặt đất, để cùng nhau hát ca ngâm vịnh:
HỠI NGƯỜI! HÃY ĐOÀN KẾT LẠI!
Chỉ là Người tinh tuyền trong tư thế cảm thông linh hiện bàng bạc với Tiên Tổ hùng anh Lạc Hồng mới cảm nhận được chiều kích lớn lao của sự đoàn kết đó. Như thế mới có thể đứng lên “đáp lời sông núi”, đáp lại lời kêu gọi của Con Người Sơ Nguyên, của “Nhân chi sơ Tính bản thiện” (Tam Tự Kinh). Mà chính vì muốn Nghe được lời Nguyên Ngôn đầy tính cách viên dung quán nhất đó mà ta phải TÍN THUẬN với Đại Ngã Tâm Linh của Mình, với Bản Tính trung thực của Mình trên khắp các nẻo đường của đời sống – dĩ nhiên không phải tín thuận vào cái tư ý tư dục của cái ta tiểu ngã nhỏ bé triền phược – để trong mọi hoàn cảnh hạn hẹp của Mệnh ta đều có thể TẬN KÌ TÍNH, nghĩa là phát triển hết mọi khả năng của mình để phục vụ đời sống Tâm Linh của ta cho trọn vẹn. Đó chính là làm tròn Sứ Mệnh của Trời giao phó cho mỗi người chúng ta, Sứ Mệnh cao cả thiêng liêng của nước thiêng Tiên Rồng, để Thụ Mệnh, Nghe tiếng gọi Sơ Nguyên trong cái “Độc Nhất Vô Nhị” nơi mình. Hãy Cẩn Thận Kính Trọng phát triển cái độc nhất vô nhị đó nơi mình để cùng chung hướng về nhịp đập Uyên Nguyên của Toàn Thể Vũ Trụ Vạn Vật. Đó chính là nguyên nghĩa của ba chữ THẬN KÌ ĐỘC vậy. Có thế mới thấu hiểu THIÊN ĐỊA VẠN VẬT NHẤT THỂ không phải chỉ là lời nói suông hời hợt, mà sẽ luôn mãi âm ba vang vọng mãnh liệt trong tâm thức của kẻ đi tìm trở về nhà, để theo ta trong mọi nẻo đường của đời sống thế tục, để đem Đạo vào Đời một cách êm thắm linh nhuận nhân sinh bằng những mối Tình Cảm Yêu Thương Cao Thượng nhưng chân thực cụ thể, làm cho đời sống tràn đầy ý nghĩa đáng sống mà hiện nay nó đang vắng mặt trên cái thế giới cằn cỗi đầy khổ đau vì n hiếm hoi, làm cho cõi nhân sinh ngày càng trở nên khô cạn héo mòn. Những Tâm Hồn đại độ vẫn thường phải trải qua những cơn ma chiết, cùng chịu đựng bao nhiêu phong sương lưu lạc trong cõi trần ai đầy hệ lụy này. Phải như vậy mới cảm nhận nổi vần thơ bi tráng mà Cao Chu Thần tiên sinh đã cưu mang trong bài Cuộc Phong Trần:
Có lưu lạc mới trải mùi trần thế
Còn trần ai khôn tỏ mặt công hầu
Ngất ngưởng thay con Tạo khéo cơ cầu
Muốn đại thụ hãy dìm cho lúng túng
Thân hệ bang gia chung hữu dụng
Thiên sinh hào kiệt bất ưng hư
Hãy bền lòng chớ chút oán vưu
Thời chí hĩ ngư long biến hóa
Thôi đã biết cùng thông là Mệnh cả
Cũng đừng đem hình dịch cầu chi
Hơn nhau cũng một chữ Thì.
Chính trong khi hòa nhập trong dòng Tinh Thần Truyền Thống Nhân Loại, Heraclitus đã xuất thần thốt lên: “When you have listened not to me but to the Meaning (LOGOS), it is wise within the same meaning to say: One is All” (Early Greek Thinking, page 59, M. Heidegger, English translation by D. F. Krell and F. A. Capuzzi – Xin tạm dịch: Không phải Nghe theo cái ta nhỏ bé này nhưng là Nghe Logos, Nghe lời Nguyên Ngôn viên dung vô ngại và chân nhận rằng Một là Tất Cả). Lắng Nghe chính là để Tâm Trí Trống Rỗng, tức là sự trải rộng mở ra của tiểu ngã thuận theo tiếng gọi của LOGOS, thì ngay lập tức sẽ có một cái gì rất thích hợp với số mệnh của người nghe sẽ xuất hiện lên. Cũng trong dòng sống Tâm Linh này mà Trang Tử đã viết: “Thả hữu Chân Nhân nhi hậu hữu Chân Tri” (Phải sống là Người Muôn Thuở rồi sau mới có thể đem lại Đạo Lí an bình cho nhân thế – Nam Hoa Kinh, chương Đại Tôn Sư), nghĩa là phải BE THYSELF đã rồi mới “Know Thyself”. Phải sống con người tròn đầy viên mãn đã rồi mới có thể cưu mang cái Tri trọn vẹn, cái Trí Tuệ vô song. Cái Sống Viên Mãn đó mênh mông man mác trùm khắp thiên địa, bao phủ càn khôn, chẳng thể lấy cái lí trí nhỏ bé vô minh của tiểu ngã để mà đo với đếm hầu mong cướp giựt vào mình. Hãy Kính Cẩn Tự Trọng chính Mình thì rồi sẽ cảm nghiệm NÓ trong phút giây uy linh đầy hứng khởi âm ba vang vọng vào tận các nẻo đường đời. Kinh Thi cũng viết: “Tương tại nhĩ thất, thượng bất quí vu ốc lậu. Vô viết bất hiển, mạc dư vân cấu. Thần khả cách tư, bất khả đạc tư, thẩn khả dịch tư” (Hồn chính là dòng sông Tương, là mối Tương Quan căn để, ở tận nơi sâu thẳm trong lòng mọi người. Hãy Kính Cẩn Tự Trọng để không có điều gì thẹn với chính Mình, dù ngay khi Ở Một Mình nơi xó tối. Chính vì Hồn tuy Vô Hình không hiển hiện nhưng lại hiện diện khắp nơi, cho nên chớ vì thế mà buông lung phóng túng tiểu ngã. Hồn cũng không thể đo lường bằng khoa học thực nghiệm hay những trắc nghiệm này nọ cùng những suy tư vẩn vơ rình mò chụp bắt của lí trí được, mà chỉ có thể Chứng Nghiệm bằng Tâm Thức Vũ Trụ mà thôi – Thiên Đại Nhã, bài Ức). Khéo mà lấy cái trí bủn xỉn nghèo nàn của tiểu ngã mà đo đếm Thiên Địa Chi Tâm thì chỉ có bị chết ngộp trong những đống thành kiến cứng đọng thôi. Lấy cái Hữu Hạn để đo cái Vô Hạn ư! Sao mà không biết tự lượng như thế! Phải là Tâm bao la mới cảm được Vũ Trụ bao la. Đó chính là cái luật Đồng Thanh Tương Ứng Đồng Khí Tương Cầu vậy. Có như thế mới cảm được cái thi vị bao la của bài thơ Buổi Chiều Lữ Thứ, trong mối Tình chan hòa giữa Người và vũ trụ vạn vật, mà thi nhân Thanh Quan đã cảm tác tuyệt diệu như sau:
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa lẩn trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
Chính cái Tâm Thái Cực đó, cái Hồn Thiêng đó đã hướng dẫn Dân Tộc qua bao nhiêu bận thăng trầm, khi thì chống ngoại xâm bảo vệ nòi giống Lạc Hồng, khi thì xây dựng đất nước dẫn dắt dòng Bách Việt tiến lên nẻo đường Nhân Bản Tâm Linh. Cái Tâm Bát Nhã đó như một năng lực kì diệu mà nếu ta khéo biết vận dụng sẽ có thể hóa giải được tất cả những đấu tranh ý hệ vô bổ trên toàn thế giới hiện đang giằng co nhau giữa Hữu với Vô. Có thế mới gọi là đóng góp vào nền Văn Hóa nhân loại trong giai đoạn hòa hợp liên châu này. Để làm được như vậy thì cần phải đi sâu vào Hồn Nước, vì càng đi sâu ta càng sống một cách mãnh liệt hăng say thành khẩn, sống trọn vẹn tràn lan đầy hoan lạc sáng tạo. Càng đi sâu vào Nhân Tính càng hội thông với Dân Tộc mà cũng là con đường thênh thang dẫn tới Nhân Tộc. Đó là ý nghĩa thâm sâu bàng bạc của câu “Tinh nghĩa nhập Thần dĩ trí dụng dã” (Kinh Dịch, Hệ Từ Hạ, chương 5).
Đến bây giờ, sau bao năm tìm kiếm trong cực nhọc đau khổ vô vọng, tôi mới cảm nhận được sâu xa lời nói của đấng Vạn Thế Sư Biểu: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uấn, bất diệc quân tử hồ?” (Luận Ngữ, chương Học Nhi, tiết 1). Kẻ Học Đạo Làm Người mà lúc nào và luôn luôn, ở đây và bây giờ, Tu Thân trong tư thế Tồn Tâm Dưỡng Tính, tìm kiếm và phát triển tất cả những năng lực còn tiềm tàng trong con người mình để luôn thực tập hàm dưỡng cho tinh thông nhuần nhuyễn, há không lấy đó làm vui hay sao? Nếu có những người bạn chẳng ngại xa xôi vì Đồng Thanh Đồng Khí đến thăm viếng mình để cùng nhau xây dựng nền tảng NHÂN BẢN TÂM LINH cho đem đó ra làm mẫu mực Muôn Thuở nối tiếp Truyền Thống Văn Hiến Chi Bang, há không lấy đó làm an lạc sảng khoái hay sao? Hơn thế nữa, nếu chẳng ai biết mình thì một mình mình cứ “Độc Hành Kì Đạo”, “Độc Thiện Kì Thân”, tự hoàn bị lấy chính mình như một con người chân chính, há đó không phải là hạnh nguyện của bậc quân tử hay sao? Mình cứ an nhiên “Độc lập bất cụ, độn thế vô muộn” (Kinh Dịch, quẻ Trạch Phong Đại Quá), nghĩa là việc gì đáng làm dẫu toàn thiên hạ không ai làm mà mình vẫn cứ làm, an nhiên tự tại mà làm, làm một cách hào sảng thơ thới hân hoan; còn việc gì không đáng làm dẫu toàn thiên hạ thảy làm mà mình cũng không chịu làm, cứ tự nhiên nhi nhiên trong tư thái an vi. Một mình mình cứ hành động thuận thiên, cứ như Ông Cụ BÀN CỔ nhà ta tự xây đắp tô điểm một trật tự Vũ Trụ từ trong hỗn mang, xây dựng nhân sinh một cách an nhiên tự tại, đi sâu vào lòng nhân thế mà nhân thế cũng không thể nào biết mình, thế không phải là cái hạnh của bậc “Chí Nhân vô kỉ, Thần Nhân vô công, Thánh Nhân vô danh” (Nam Hoa Kinh, chương Tiêu Dao Du) hay sao. Tôi muốn hiểu nghĩa chữ “độn thế” như thế này: lặn sâu vào lòng đời, vào lòng thế nhân vũ trụ, để cảm nhận sâu xa rằng Đạo Đời không hai, để sống âm thầm lặng lẽ như Thời Gian xoay chuyển, cùng nhập làm Một với căn tính của Thời Gian. Do đó chỉ có bậc Thánh mang trong lòng Trí Huệ như hải, thâm cảm Vũ Trụ này là Vũ Trụ của Mình, thì tuy thân ở trong đời mà đời khó thể nhận ra được vì có còn cách biệt với ai nữa đâu, tất cả Vũ Trụ chỉ là thân tình là nhà của mình cả mà lị. Đó cũng là ý nghĩa thâm trầm trong câu: “Độn thế bất kiến tri nhi bất hối, duy thánh giả năng chi” (Độn thế chẳng ai thấy biết mình mà mình không buồn thì chỉ có bậc Thánh mới làm được như vậy mà thôi – Trung Dung, chương 11). Đấy! Cái Đạo Học Làm Người của cổ nhân thâm hậu thế đấy, chẳng đáng để tâm cho chúng ta suy tư, học hỏi, rồi thực hành hay sao.
Cái Học đó bên trong là Nội Thánh, nghĩa là bên trong từ phàm nhân tiểu ngã tiến lên bậc Thánh nhân Đại Ngã Tâm Linh, mà bên ngoài là Ngoại Vương, nghĩa là đem Tâm Vũ Trụ nhuần thấm đời sống tiểu ngã cá thể để nó bớt đi đối với kháng, để mang Nhân Ái xây lại hòa vui an lạc ở đời, mang lại Thái Hòa An Lạc trong nhân sinh. Đó không phải là ước muốn trong lòng mọi người chúng ta hay sao? Đó không phải là Chí Anh Hào mà Hi Văn tiên sinh vẫn thâm cảm hay sao:
Việc đời đã chắc chắn đâu
Ỡm ờ con Tạo một màu trêu ngươi
Hóa Nhi đa hí lộng
Đúc chuốt ra rồi bắt bẻ làm sao
Khéo gán phần những việc đâu đâu
Biết là mấy phân hiêu bàn thác
Sơ sinh bất hạnh thành đầu giác
Vạn lí ưng nan tích vũ mao
Trót đã mang một tiếng anh hào
Lại muốn chuốc cuộc nhàn sao phải
Mặc xui khiến dám nghĩ đâu thành bại
Đem thông minh mà đền lại Hóa Quân
Thử xem cơ Tạo xoay vần.
Đạo Làm Người đó lấy câu “Dĩ tu thân vi bản” (Lấy việc Tu Thân làm gốc lớn nhất để xây dựng và phát triển con Người Đại Ngã – Đại Học, chương 1) làm tôn chỉ tu luyện. Ở đây “Tu Thân chính là dùng Văn Hóa chân thực làm cho phát triển đến cùng cực tất cả mọi cơ năng thuộc thân cũng như tâm. Nói khác Tu Thân là con đường hữu hiệu nhất đưa đến Thiên Địa Chi Tâm, chính là nền tri thức quán thông thiên địa của những Chân Nhân tức là cái biết cao sâu nhất, vĩ đại nhất: là Đại Học trên các Đại Học” (Kim Định, Triết Lí Giáo Dục, trang 39). Cái bổn cái gốc đó là cái to lớn nhất, vững chắc nhất để con người y cứ nơi đấy mà lập thân hành đạo. Cái Học đó phải cầu nơi mình chứ không thể cầu ai khác làm thay cho mình được. Chính vì thế mà Mạnh Tử viết: “Hữu phóng tâm nhi bất tri cầu. Học vấn chi đạo vô tha cầu kì phóng tâm nhi dĩ hĩ” (Cái Lương Tâm, cái Hồn của mình đã thất lạc mà mình lại thờ ơ chẳng thèm tìm cách kiếm Nó trở lại, như thế không đáng buồn hay sao. Ấy thế cho nên, Người Học Hỏi Đạo Lí chỉ có một mục đích duy nhất trong cuộc đời mà thôi: tìm lại cái Hồn, cái Lương Tâm thất lạc của mình – Mạnh Tử, chương Cáo Tử Thượng, tiết 11). Luận Ngữ có viết: “Tu kỉ dĩ kính. Tu kỉ dĩ an nhân. Tu kỉ dĩ an bá tính” (Tu thân bằng Kính Trọng Mình, Kính Trọng Người, đó là con đường dẫn tới an hòa với tha nhân – Chương Hiến Vấn, tiết 45). Xin hỏi tại sao lại Tự Trọng Mình? Xin thưa chỉ vì Mình đáng Tôn Trọng từ nơi căn để, không cần đến cái gì ngoài mình mà mình mới được Trọng, bởi vì từ căn để Mình chính là Thượng Đế, và cả người khác cũng thế, cũng mang trong lòng Tính Thể của Thượng Đế như Ta. Cũng vậy trong Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, khi Ngài Phổ Hiền Bồ Tát khuyên nhủ những ai muốn làm nên công đức của Phật thì phải Tu mười điều hạnh nguyện lớn lao mà Nguyện đầu tiên là Lễ Kính các Đức Phật (Nhất giả Lễ Kính chư Phật), vì mỗi vị Phật đều mang Thể Tính của Con Người Đại Ngã. PHẬT chính là Dòng Sống Tâm Linh trôi chảy trong lòng mỗi người chúng ta mà ai quay vào sẽ cảm thấy sự dịu ngọt của mạch Cam Tuyền đó. Lễ Kính chư Phật nghĩa là Lễ Kính Đại Ngã Tâm Linh hiện diện nơi Mình, nơi Người, nơi Vũ Trụ Vạn Vật trong từng sát na. KÍNH là cốt lõi của LỄ, là Đức đầu tiên trong việc cư xử với tha nhân để tỏ lòng Tôn Trọng nhân phẩm nơi họ, và đó chính là nền móng an bình trong xã hội, vì bất cứ ai thấy được Tôn Kính cũng cảm thấy thỏa mãn nguyện vọng sâu thẳm trong lòng. Nên Kính cũng chính là đầu mối của hòa lạc an vui. Ba chữ VÔ BẤT KÍNH – Không gì không KÍNH, không lúc nào không KÍNH – mở đầu Kinh Lễ đủ để tóm tắt hết tất cả toàn thể Kinh Lễ, vì tất cả thiên địa vạn vật trên đời này đều mang trong tận tâm can Thể Tính của Thượng Đế, nghĩa là đều đáng được Kính Tôn. Nếu Trời đáng Tôn Người là Tâm của Trời cùng Đất. Chính thế người quân tử phải “hành đốc kính”, nghĩa là hành động hăng say tích cực trong việc phát triển con người Đại Ngã nơi mình. Để rồi “Kỉ dục lập nhi lập nhân, kỉ dục đạt nhi đạt nhân” (Mình muốn lập thân hành đạo thì cũng mong người được lập thân hành đạo trong tinh thần tương thân tương kính ái, để mình đạt thì người cũng đạt – Luận Ngữ, chương Ung Dã, tiết 28). Chính Mạnh Tử diễn tả rõ hơn trong câu: “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu” (Tôi yêu cha mẹ tôi để rồi yêu cha mẹ của mọi người, tôi yêu con tôi để rồi mở rộng ra tới con của mọi người – Mạnh Tử, chương Lương Huệ Vương Thượng, tiết 6). Trung Dung nói một cách rất bình thường giản dị hầu như ai cũng cảm thấy như vậy, nhưng mà lại quan trọng vô cùng, nó gần như là cái Luật Tự Nhiên, đó là “Quân tử chi đạo thí như hành viễn tất tự nhĩ, thí như đăng cao tất tự ti” (Cái gì cũng phải đi từ thấp đến cao, từ gần đến xa, đó chính là đạo của người quân tử vậy – Trung Dung, chương 15). CÁI GẦN MÌNH NHẤT CHÍNH LÀ ĐẠI NGÃ TÂM LINH. Cho nên cần phải Tu Thân, nghĩa là khuếch trương cái Đại Ngã để Nó chiếu sáng ra khắp nơi, như mặt trời soi rọi ánh dương quang cho vạn vật tự hóa. Không bắt đầu từ Mình mà cứ đòi đi xây dựng tha nhân, xã hội, quốc tế, thì cái hỏng đã thấy ngay từ căn cơ. Giày xéo lên tất cả Tình Người để mong thấy một nhân loại đại đồng trừu tượng ư! Thực là mơ hồ không tưởng và ngu ngốc quá đỗi!
Thực Tại bao giờ cũng giản dị đến độ làm cho người ta vong Tính, quên lãng thân phận làm người của mình. Sự Kính Trọng con người bắt nguồn từ lúc ta chân nhận ra Thể Tính sâu xa của chính mình và như vậy cùng một lúc nơi tha hữu. Thế mà từ xa xưa Tổ Tiên ta đã chân nhận và thể nghiệm điều đó hàng ngày từng giờ từng phút. Đó chính là trong tục thờ cúng ông bà hay Lễ Gia Tiên, nơi Đức Kính Tôn được dạy dỗ đến cùng cực, dạy con người đến chỗ hoàn bị. Lễ Gia Tiên chủ Kính, thế mà Tế Tự chính là để tỏ lòng Kính, như câu nói trong Luận Ngữ: “Tế tư Kính” (Hành Lễ trong tinh thần Tôn Kính tột bực – Chương Tử Trương, tiết 1). Không những tôn trọng người đã mất mà còn làm hoàn bị Tinh Thần Tế Tự của người đang sống. Tế Tự chính là tác động tinh tuyền nhất đưa con người trở về nguồn sống Tâm Linh để nhập Nhân Tính, để Thành Nhân. Đó cũng là ý nghĩa thâm thúy vô cùng trong câu: “Tế như tại. Tế Thần như Thần tại” (Tế Tự với lòng Thành Kính ở đây và bây giờ mãi mãi như là nhập làm Một với Thần Linh vì lúc nào Thần Linh cũng hiện hữu – Luận Ngữ, chương Bát Dật, tiết 12). Tác động tinh tuyền đó là làm sao “Nội tận ư Kỉ nhi ngoại thuận ư Đạo dã” (Kinh Lễ, thiên Tế Thống). Đó chính là Đạo Trung Thứ, là Lí Nhất Quán trong Đạo Học Đông Phương vậy. “Nội tận ư Kỉ” có nghĩa là Trung với nội tâm mình, là “Tận Kỉ chi vị Trung”. “Ngoại thuận ư Đạo” chính là “Suy Kỉ cập nhân chi vị Thứ” hay là Đạo “Kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” (Điều gì mình không muốn ai làm cho mình thì trước hết chớ làm cho ai khác – Luận Ngữ, chương Nhan Uyên, tiết 2). Tôi không thích nghe nhạc hardrock mà anh cứ suốt ngày vặn radio nhạc rock ầm ầm bắt tôi phải nghe thì đâu có làm cho tôi sướng, đó là trái với đạo “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân” vậy. Nhìn vào gần hơn, tinh tế hơn, ta sẽ thấy trong Lễ Gia Tiên thì lối xếp đặt bài vị VĂN TỔ cũng chính là một diễn tả khác của Đạo Trung Thứ, của Lí Nhất Quán. Văn Tổ chính là “Nội tận ư kỉ” hay là Trung trong “Tận kỉ chi vị Trung”, còn Đạo Thứ trong “Suy kỉ cập nhân chi vị Thứ” thì thay thế Tằng, Cao, Tổ, Nỉ tượng trưng cho tứ hải Đông, Tây, Nam, Bắc chung một nhà. Do đó tế Văn Tổ là tác động Thành Kính nhất để qui hướng về Nội Tâm của người tế, rồi từ đó lan tỏa mối Tình Thâm ra xung quanh hóa thành Tình Huynh Đệ phổ biến, để Tình Một Mẹ Trăm Con được tưới rải khắp vũ hoàn. Đó không phải là đạo Nội Thánh Ngoại Vương hay sao. Đó không phải là Tế Thế An Bang hay sao.
Đạo Làm Người đó dĩ nhiên chẳng thể nào xa người, luôn lấy người làm trung tâm điểm xuất phát và qui hồi. Cho nên để trả lời câu hỏi “Tôi Là Ai?”, Kinh Lễ thiên Lễ Vận có định nghĩa về Người như sau: NHÂN GIẢ KỲ THIÊN ĐỊA CHI ĐỨC, ÂM DƯƠNG CHI GIAO, QUỈ THẦN CHI HỘI, NGŨ HÀNH CHI TÚ KHÍ DÃ (Người là cái Đức của Thiên Địa, là nơi Giao Hội của Âm Dương Quỉ Thần, là cái Khí Thiêng Anh Linh của Ngũ Hành). Câu định nghĩa trên thực là bao trùm, đưa con người lên bậc Tam Tài, giữ chức vụ Nhân Chủ với bổn phận từ trong căn để là luôn HÒA Trời với Đất, sắp đặt muôn loài trong một trật tự Vũ Trụ, vì tất cả chỉ là trong một tương giao cơ thể mật thiết không thể tách rời, tất cả chỉ là Một, là Thống Nhất (nhưng không đồng nhất). Thiên Địa Vạn Vật Nhất Thể là như thế. Con người là Thiên Địa Chi Tâm mà Lục Tượng Sơn tiên sinh đã thốt một cách sảng khoái xuất thần trong câu nói thời danh “VŨ TRỤ TIỆN THỊ NGÔ TÂM, NGÔ TÂM TỨC THỊ .VŨ TRỤ” (Vũ trụ chính là tâm ta, tâm ta chính là vũ trụ – Phan Sào Nam, Khổng Học Đăng, trang 715). Và chính vì thế mà “VŨ TRỤ NỘI SỰ NÃI KỈ PHẬN NỘI SỰ, KỈ PHẬN NỘI SỰ NÃI VŨ TRỤ NỘI SỰ” (Việc trong vũ trụ là việc của Mình, việc của Mình là việc trong vũ trụ – Phan Sào Nam, Khổng Học Đăng, trang 715). Đó cũng là Chức Phận Trượng Phu mà Tồn Chất tiên sinh Tâm Niệm:
Vũ trụ chức phận nội
Đấng Trượng Phu một túi kinh luân
THƯỢNG VỊ ĐỨC, HẠ VỊ DÂN
Nên nỗi phải xuất thân mà gánh vác
Có sự nghiệp mới đứng cùng trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây
Trí tang bồng hồ thỉ dạ nào khuây
Phải tùy thế mà ra tay kinh tế
Người đời thế trả nợ đời là thế
Của đồng lân thiên hạ của chung
Hơn nhau hai chữ Anh Hùng.
Thực ra câu nói Nội Thánh Ngoại Vương là để phân biệt rõ bên trong bên ngoài của cùng một Thực Thể, nhưng trong thực tế cả hai quyện lẫn vào nhau một cách hồn nhiên làm nên Nhất Thể. Câu hỏi kế tiếp là công việc nào làm nên Nội Thánh? Còn công việc nào làm nên Ngoại Vương? Xin lấy câu trả lời của sách Đại Học “ĐẠI HỌC CHI ĐẠO, TẠI MINH MINH ĐỨC, TẠI THÂN DÂN, TẠI CHỈ Ư CHÍ THIỆN” (Cái Đạo của Đại Học bao gồm Nội Thánh và Ngoại Vương. Làm sáng cái Đức Sáng, sáng cái Tâm Bát Nhã của mình là công việc làm thành Nội Thánh, còn đem Thân Dân hay Tình Thương phổ cập chúng sinh là chức phận làm nên Ngoại Vương, mà nơi hướng đến là dòng sống Tâm Linh hay Chí Thiện – Đại Học, chương 1). Kinh Dịch quẻ Hỏa Địa Tấn có viết: “MINH XUẤT ĐỊA THƯỢNG, TẤN, QUÂN TỬ DĨ TỰ CHIẾU MINH ĐỨC” (Mặt trời Trí Tuệ phát xuất từ mối Tình Thâm tỏa chiếu khắp mặt đất, đó là cái tượng của quẻ Tấn. Người quân tử chiêm nghiệm theo đấy mà hoàn thành công việc Nội Thánh là “tứ làm sáng Đức Sáng nơi Mình). Nói theo Trung Dung thì Chí Trung là Minh Minh Đức, Chí Hòa là Thân Dân, Chí Trung Hòa là Chí Thiện vậy. Trung là gốc lớn trong thiên hạ, Hòa là chỗ đạt đạo (TRUNG DÃ GIẢ THIÊN HẠ CHI ĐẠI BẢN DÃ, HÒA DÃ GIẢ THIÊN HẠ CHI ĐẠT ĐẠO DÃ – Trung Dung, chương 1). Trung để chỉ tác động nội hướng là đi vào Nội Tâm sâu thẳm đến chỗ cùng cực của mình gọi là Chí Trung, để đạt Tính Người chân thực. Hòa là phần bên ngoài, là Ở Đời sao cho mọi mối nhân luân, mọi việc ăn làm đều đi trúng tiết nhịp của Trung, của Nội Tâm sâu thẳm mới được gọi là dung dị hòa hài. Trung là căn để của Hòa, Hòa là hậu quả của Trung. Toàn thể Đạo Làm Người của Đông Phương có thể tóm tắt vào ba chữ CHÍ TRUNG HÒA này vậy. Xin lấy ví dụ hai chỡ Việt Nam ra luận bàn về ý nghĩa của nó. Việt có nghĩa là vượt lên trên, vượt qua, là “đáo bỉ ngạn” (vượt qua bờ bên kia), là “thiệp đại xuyên” (lội qua sông lớn). Nhưng để đi đâu? Để tiến về nguồn cội là cõi Tâm Linh chỉ hướng Nam, nơi hành Hỏa thuộc Tâm Linh. Nếu lấy tiếng Phạn Prajna paramita, thì Việt = Paramita, Nam = Prajna. Đó chính là Trí Tuệ Bát Nhã, là Trí Tuệ Siêu Việt, là dòng sống Tâm Linh, là Bản Tính chân thực của Con Người Muôn Thủa, và là cái gốc lớn của thiên hạ hay là Chí Trung, mà Việt Nam có duyên may là nơi kí thác thừa tự, vậy nên có Sứ Mệnh truyền bá nó ra. Hãy nhìn đặng tự chữ TÍNH 性 sẽ thấy nó biểu lộ dòng sống Tâm Linh một cách sâu thẳm siêu diệu nhất. TÍNH kép bởi TÂM 心 và SINH 生, ở đây Tâm = Tâm Linh và Sinh = Dòng Sống. Nói theo cơ cấu Ngũ Hành thì Tâm = 3 và Sinh = 2 hợp lại thành Tính = 5. Do đó Tính tượng trưng cho cái gì trọn vẹn siêu việt, là nơi tụ hội của đất trời, của khôn càn, nên chứa đựng tất cả Vũ Trụ mà chỉ cần ta quay về, Thành Thực quay về thì sẽ cảm thấy mọi sự mọi vật đều đầy đủ nơi Tâm ta, và điều đó không còn gì sung sướng hạnh phúc hơn. Đó chính là ý sâu trong câu nói của Mạnh Tử “VẠN VẬT GIAI BỊ Ư NGÃ HĨ, PHẢN THÂN NHI THÀNH LẠC MẠC ĐẠI YÊN” (Mạnh Tử, chương Tận Tâm Thượng, tiết 4). Còn gì vui sướng hơn khi thấy Tâm Mình là Vũ Trụ mà bấy lâu nay vì quên lãng hay vì chạy theo cái học trục vật mà quên bẵng đi mất, nay trở lại thì đúng là trở về Quê Hương Tinh Thần, nơi Thánh Địa của con người Đại Ngã, Quê Mẹ Việt Thường đầy Tình Thương hoan lạc siêu việt.
Số 3 chỉ Tâm Linh là cái gì bao la vô hạn, vô biên man mác không thay đổi, chưa có hình tích rõ rệt, không thể diễn tả, luôn luôn hiện hữu có mặt, và nhập thể vào cái hữu hạn là số 2 chỉ đời sống phù du luôn luôn biến động thay đổi này. Do đó Tâm Phải Trùm Cảnh (Sinh) Thì Mới Là TÍNH. Những con ố vài ba này được Kinh Dịch gọi là những con số nền tảng (THAM THIÊN LƯỠNG ĐỊA NHI Ỷ SỐ – Thuyết Quái, chương 1). Tâm tượng trưng cho Đức Trời phải bao trùm Đức Đất là Sinh, cũng như Tâm là tròn phải bao hàm đời sống là vuông, bánh dày phải ở trên bánh chưng. Cho nên để Tận Kì Tính, con người ta phải đem tất cả sự sống của cái ta tiểu ngã đi theo tiếng gọi của Tâm Linh thì một lúc nào đó trong cuộc đời, ánh sáng Đạo Thể siêu việt thời gian sẽ hớp chúng ta vào dòng sống Tâm Linh của vòng Đại Diễn Vũ Trụ xán lạn nọ. Tận Kì Tính là Hòa Tâm với Sinh theo nghĩa hòa 3 với 2 thành 5, nghĩa là lấy Tâm trùm cảnh, Tình trên lí, và khi điều đó hoàn bị – tức là tình cực thâm sâu thì văn sẽ sáng rực rỡ (TÌNH THÂM NHI VĂN MINH – Kinh Lễ, thiên Nhạc Kí) – thì đạt Mệnh hợp với Thái Cực. Đó chính là cứu cánh tối hậu của con người và là mục tiêu cuối cùng của khoa Siêu Hình Trung Thực, của nền Nhân Bản Tâm Linh chân thực.
Toàn thể Kinh Dịch được viết ra dưới ánh sáng Tâm Linh chỉ là cốt để giúp con người sống thuận theo dòng Tính Mệnh hầu đạt được cứu cánh của mình là Làm Người Muôn Thưở (TÍCH GIẢ THÁNH NHÂN CHI TÁC DỊCH DÃ, TƯƠNG DĨ THUẬN TÍNH MỆNH CHI LÍ – Thuyết Quái, chương 2). Trung Dung bảo phải SUẤT TÍNH. Suất Tính là một thái độ, một tác động trọn vẹn tinh tuyền, tự do lai xuất, không có cái ý tư riêng nhỏ hẹp độc chiếm của cái tôi tiểu ngã (tức là cái ego trong câu “cogito ergo sum” của Descartes) chen lấn vào. Vì thế phải gạt bỏ những tư ý tư dục để cho Thiên Tính nơi ta được phát hiện đầy đủ không bị vướng mắc trong những cái tư riêng hẹp hòi đó. Thành được cái Tính của mình trong cố gắng liên tục và giữ cho lâu dài như Thời Gian luôn xoay chuyển, đó là cửa dẫn vào Đạo Nghĩa Làm Người vậy (THÀNH T ÍNH TỒN TỒN ĐẠO NGHĨA CHI MÔN – Hệ Từ Thượng, chương 5). Chính ở tác động đạt Tính thụ Mệnh này mà sách Trung Dung diễn tả được trạng thái toàn diện đó “DUY THIÊN HẠ CHÍ THÀNH VI NĂNG TẬN KÌ TÍNH. NĂNG TẬN KÌ TÍNH TẮC NĂNG TẬN NHÂN CHI TÍNH. NĂNG TẬN NHÂN CHI TÍNH TẮC NĂNG TẬN VẬT CHI TÍNH. NĂNG TẬN VẬT CHI TÍNH TẮC KHẢ DĨ TÁN THIÊN ĐỊA CHI HÓA DỤC. KHẢ DĨ TÁN THIÊN ĐỊA CHI HÓA DỤC TẮC KHẢ DĨ DỮ THIÊN ĐỊA THAM HĨ” (Duy có bậc chí thành mới hiện thực được hết cái Bản Tính độc đáo trời phú cho mình. Mà hiện thực được cái Tính độc đáo đó của mình đến cùng cực cũng là hiện thực được Tính Bản Nhiên của Con Người Đại Ngã và lúc đó có thể tham dự cùng trời đất giúp vào đà tiến hóa của muôn vật – Trung Dung, chương 22). Giúp vào đà tiến hóa của muôn vật với ý nghĩa rất cụ thể, ở đây dục là no đủ còn hóa là nhởn nhơ thanh thoát như Tiên với đôi cánh thực sự. Cho nên Thành Tính có nghĩa là đi theo đạo Trung Hòa giữa âm và dương, giữa thiên và địa, phải Chí Trung mới Chí Hòa )mà tiếng Anh dịch là “When the centering is utmost, the harmony is greatest” – Đạo Trường Chung Cho Đông Á, Kim Định, trang 59), nghĩa là phải lặn sâu mãi vào miền Tiềm Thức Cộng Thông thì mới có thể đem hòa điệu đến cho một trời mới đất mới được. Đó cũng là Chí Thành mà “CHÍ THÀNH NHƯ THẦN” (Trung Dung, chương 24). Và Thần thì biến hóa ẩn hiện vô cùng vô tận không thể đo lường được (ÂM DƯƠNG BẤT TRẮC CHI VỊ THẦN – Kinh Dịch, Hệ Từ Thượng, chương 5). Cho nên cuối cùng TÍNH là Dòng Sống Tâm Linh đại đồng, trung tâm của mọi sự sống, mối đầu tiên của muôn loài, không có nó không vật nào sống được cho ra Hồn.
“Trong Kinh Dịch, Tính ẩn trốn chập chờn như dòng suối sâu chảy ngầm trong cỏ và làm cho cỏ xanh tươi, Tính làm Thái Cực thành Thái Cực: TÍNH LÀ DỊCH. Trong Đạo Đức Kinh, Tính mù mờ im lặng ngu ngơ huyền ảo, mở phương trời mây trắng cho Đạo thành Đạo, Tính làm cho không tên thành tên: TÍNH LÀ HUYỀN trong huyền chi hựu huyền” (Im Lặng Hố Thẳm, Phạm Công Thiện, trang 28). Cho nên nếu KNOW THYSELF là sấm ngôn của thần Apollo mà Socrates là đại diện phát biểu, thì TẬN KÌ TÍNH là khẩu hiệu sống của Con Người Đại Ngã Tâm Linh, của Con Người Việt Nam Muôn Thưở. Có thực hiện tận cùng cái Tính độc đáo của mình, tức phát triển cùng cực mọi quan năng Ý Tình Chí thì lúc ấy mới mong đạt Mệnh, tức là đạt tiết điệu Uyên Nguyên của nhịp sống sáng tạo, cái Nhịp Hai của Âm Dương Thái Hòa, Nhịp Ba của Tam Tài Nhân Chủ, Nhịp Năm của Ngũ Hành Tâm Linh cho đến Nhịp Chín của Cửu Trù Hồng Phạm, toàn là những Nhịp Sơ Nguyên của Vũ Trụ Tâm Linh. Toàn bộ nền siêu hình Kinh Dịch chỉ là một bản Ca Vũ Vũ Trụ, những điệu Ca điệu Vũ siêu linh mang nhịp sáng tạo đi vào căn cơ của Thời Tính cũng chính là căn cơ của Con Người Muôn Thưở. Căn cơ đó chính là Vũ Trụ Chi Tâm. Muốn tìm lại cái Tâm của Thiên Địa mà cũng chính là Tâm Mình xin hãy nhìn vào quẻ Phục hào sơ cửu “BẤT VIỄN CHI PHỤC DĨ TU THÂN DÔ (Tâm Vũ Trụ không xa người, muốn tìm lại nó cần phải Tu Thân). Thế cho nên chỉ có Tu Thân là con đường hữu hiệu nhất để đạt Thiên Địa Chi Tâm. Để đạt NÓ, Tam Tổ Tăng Xán cũng khuyên luôn phải trở về nguồn cội trong từng sát na Quán Chiếu Nội Tâm như được diễn tả trong một đoạn sau đây của bài Tín Tâm Minh nổi tiếng:
Qui căn đắc chỉ
Tùy chiếu thất tông
Tu du phản chiếu
Thắng khước tiền không
Địa Lôi Phục, cái tên nghe kì lạ thú vị nhỉ. Muốn cảm được Thiên Địa Chi Tâm phải dùng ý chí sắt đá như địa chấn để phá vỡ đi tất cả những bức tường thành của vô minh giả tạo, phải tuyệt tứ, phải bế quan phong tỏa “nhĩ mục chi tư”, phải ngưng hết mọi vọng tưởng nghĩa là dùng phép Chỉ quán, ở đây “chỉ” là ngưng vọng tưởng và “quán” là Quán Tự Tại trong Tâm Kinh Bát Nhã (QUÁN TỰ TẠI BỒ TÁT HÀNH THÂM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA THỜI CHIẾU KIẾN NGŨ UẨN GIAI KHÔNG ĐỘ NHẤT THIẾT KHỔ ÁCH), nghĩa là không cho những tư tưởng động loạn về những chuyện thế gian xuất hiện, đưa con Tâm về chỗ thuần phác tự nhiên, vào chốn trung cung hành Thổ, mà không đi ra ngoài bưng biền biên tái của lí trí đa tạp. Đó là ý nghĩa của lời tượng quẻ Phục “LÔI TẠI ĐỊA TRUNG, PHỤC, TIÊN VƯƠNG DĨ CHÍ NHẬT BẾ QUAN, THƯƠNG LỮ BẤT HÀNH, HẬU BẤT TỈNH PHƯƠNG”. Có như thế mới hầu mong thấy được Bản Lai Diện Mục của chính mình. Nói cách khác phải AN THỔ, nghĩa là quảng cái học thông minh lí trí đi để Tâm Hồn Trống Rỗng thì một lúc nào đó ánh sáng Đạo Thể sẽ lóe sáng và con người cảm thông là Một với Toàn Thể Vũ Trụ Vạn Vật. An Thổ cũng có nghĩa là đem Ý Tình Chí trở về con Tâm Vũ Trụ nơi phát xuất ra chúng thì mới cảm được Vũ Trụ và Con Người là Một. Đó chính là ý nghĩa thâm trầm trong lời tượng của quẻ Trạch Sơn Hàm “SƠN THƯỢNG HỮU TRẠCH, HÀM, QUÂN TỬ DĨ HƯ THỤ NHÂN”. Và một khi đã Cảm Thông rồi, đã Chứng Nghiệm rồi thì dẫu cho có thiên lôi chẻ núi phong vũ bão táp dốc biển đi nữa thì người quân tử vẫn An Nhiên Tự Tại mà dấn bước trên con đường hành đạo tiến đức tu nghiệp. Lời tượng quẻ Hằng viết về tâm trạng đó như là “LÔI PHONG, HẰNG, QUÂN TỬ DĨ LẬP BẤT DỊCH PHƯƠNG”, tức là đã đi vào miền Hoan xứ Nghệ, vào quê hương Tinh Thần Vĩnh Cửu rồi thì còn phải sợ bóng sợ gió gì nữa. Lúc đó tất cả Ý Tình Chí đều xuôi dòng về Chân Tâm, và Con Người sống thuận theo Thiên Lí. Chính đây là trạng thái mà quẻ Hằng đã diễn tả “NHẬT NGUYỆT ĐẮC THIÊN NHI NĂNG CỬU CHIẾU, TỨ THỜI BIẾN HÓA NHI NĂNG CỬU THÀNH, THÁNH NHÂN CỬU Ư KÌ ĐẠO NHI THIÊN HẠ HÓA THÀNH. QUAN KÌ SỞ HẰNG NHI THIÊN ĐỊA VẠN VẬT CHI TÌNH KHẢ KIẾN HĨ”. Ý Tình Chí (ám chỉ nhật nguyệt) đã về với Tâm (đắc thiên) thì chiếu rọi muôn đời, thành tựu biến hóa, và Thánh Nhân an trụ nơi Đạo Làm Người mà thiên hạ đều thành nhân. chỉ cần quán cái Tâm Tự Tại thì sẽ thấy cái Tình tràn lan thâm hậu của thiên địa vạn vật vậy. Cái Tình ấy còn bàng bạc hương vị trong bài thơ Sĩ Tụng với Thể Tính ngàn đời của nó, không những gói trọn cuộc đời của Tồn Chất tiên sinh mà còn là Tâm Niệm của bao Tâm Hồn Việt Nam Muôn Thưở:
TƯỚC HỮU NGŨ SĨ CƯ KÌ LIỆT
DÂN HỮU TỨ SĨ VI CHI TIÊN
Có giang sơn thì SĨ đã có tên
Từ Chu Hán vốn SĨ này là quí
Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị
ĐẠO LẬP THÂN PHẢI GIỮ LẤY CƯƠNG THƯỜNG
KHÍ HẠO NHIÊN CHÍ ĐẠI CHÍ CƯƠNG
So chính khí đã đầy trong trời đất
Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất
HIÊU HIÊU NHIÊN ĐIẾU VỊ CANH SẰN
Xe bồ luân dầu chưa gặp Thang Văn
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị
Cầm chính đạo để tịch tà cự bí
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng
Trong lang miếu ra tài lương đống
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương
Làm sao cho bách thế lưu phương
Trước là SĨ sau là khanh tướng
KINH LUÂN KHỞI TÂM THƯỢNG
BINH GIÁP TÀNG HUNG TRUNG
VŨ TRỤ CHI GIAN GIAI PHẬN SỰ
NAM NHI ĐÁO THỬ THỊ HÀO HÙNG
Nước nhà yên mà SĨ được thung dung
Bấy giờ SĨ mới tìm ông Hoàng Thạch
Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch
Tiêu dao nơi hàn cốc thanh sơn
Nào thơ nào rượu nào địch nào đờn
Đồ thích chí chất đầy trong một túi
Mặc ai hỏi mặc ai không hỏi tới
Gẫm việc đời mà nhắm kẻ trọc thanh
Này này SĨ mới hoàn danh
Đối với người Đông Phương thì tướng của Tâm là vọng tưởng, nên nếu tư tưởng hiểu theo nghĩa “eidos” của Plato thì đó cũng gọi là vọng tưởng vì chúng không có tự tính chân thực, nghĩa là không thể đứng bên ngoài Tâm Vũ Trụ được. Vậy Tâm là gì? Xin lấy chữ “hridayam” trong tiếng Phạn để phân tích thì Hridayam = Hrit + ayam = this is the center. Nghĩa là:
HRIDAYAM = HEART AM I
Tâm không phải là vật thể, nó chính là Linh Hồn vũ trụ. Một cách gượng gạo, Tâm là điểm trung tâm mà người nào vật nào cũng cưu mang trong lòng như Tính Thể chân thực của mình, như trong câu “CÁC HỮU THÁI CỰC” (mỗi vật đều cưu mang Thái Cực). Tâm đó là Tâm Thái Cực viên dung vô ngại. Nói nhỏ thì Tâm nhỏ hơn những cái nhỏ nhất ta có thể tưởng tượng được, nó là điểm lí tưởng vô sắc vô thanh thông sang Vô Cực. Nói to thì Tâm to hơn cả những cái to nhất mà ta có thể hình dung ra được. Vậy mà tất cả những cái ta hình dung tưởng tượng đó chỉ ở trong Tâm Ta như câu nói của Trung Dung “PHÓNG CHI TẮC DI LỤC HẠP, QUYỆN CHI TẮC THỐI TÀNG Ư MẬT” (Mở ra thì nó phổ cập khắp cả vũ trụ, thâu lại thì nó sẽ ở yên một cách huyền bí trong lòng mình – Trung Dung, Chu Hi chương cú). Đây là con Tâm Đại Dương mà tất cả hiện tượng trên thế gian chỉ như là những bọt biển nổi trên bề mặt của nó. Lão Tử nói: “THIÊN HẠ VẠN VẬT SINH Ư HỮU, HỮU SINH Ư VÔ” (Mọi sự mọi vật dưới trời sinh ra từ Hữu Thể, còn chính Hữu Thể sinh ra bởi Vô Thể – Đạo Đức Kinh, chương 40). Cái Vô này chính là Chân Không mà cái Hữu đó chính là Diệu Hữu. Ôi! Đạo không thể gọi tên ra được bằng “cái” này hay “con” nọ, không thể nói ra được một cách hồ đồ loạn tưởng, nếu nói ra được, đặt tên được như những vật thể hiện tượng hữu hạn thì còn gì là Đạo Thường Hằng bất biến, là Danh Vĩnh Cửu vô biên nữa (ĐẠO KHẢ ĐẠO PHI THƯỜNG ĐẠO, DANH KHẢ DANH PHI THƯỜNG DANH – Đạo Đức Kinh, chương 1). Đạo là thái dương tỏa muôn tia sáng và sức sống cho vạn vật. Hỡi ơi! Không sinh ra Có, Im lặng sinh ra muôn lời. Vậy mỗi khi nói tới Đạo Học Đông Phương, chỉ một chữ VÔ là đủ gồm thâu hết mọi giá trị Tinh Thần, cũng như khi nói về Việt Đạo thì chỉ cần một chữ TRỐNG là đủ thu tóm được cả cốt lõi Tinh Hoa. Và chỉ có Tấm Lòng Uyên Mặc mới diễn tả được một phần nào cái Thể Tính của Chân Không Diệu Hữu này. Sau đây là những “phương trình” nền tảng nhất trong Đạo Học Đông Phương hay trong Truyền Thống nhân loại:
VÔ = TRUNG = ĐẠO = NHẤT = TRỐNG = KHÔNG
Muốn đạt đến cái Trống Vắng đó, Kinh Dịch đã viết một cách phất phơ “AN THỔ, ĐÔN HỒ NHÂN, CỐ NĂNG ÁI” (An trụ được Tâm Linh để hàm dưỡng cho thâm sâu Tình Người thì mới có khả năng yêu thương nhân loại được – Hệ Từ Thượng, chương 4). Thi hào Nguyễn Du cũng đã nói một cách thấp thoáng trong truyện Kiều khi trả lời về cách Ở Đời:
Đội Trời đạp Đất Ở Đời
Họ TỪ tên HẢI vốn người VIỆT ĐÔNG
Nghĩa là muốn Ở ĐỜI cho trọn vẹn cho ra người, ở đây và bây giờ, thì đầu phải đụng tới Trời, phải “HƯ KÌ TÂM” (trống rỗng tâm trí – Đạo Đức Kinh, chương 3), chân phải đạp lún xuống sâu tận vào lòng Đất thăm thẳm, phải “THỰC KÌ PHÚC” (nuôi dưỡng xác thân – Đạo Đức Kinh, chương 3), và Nội Tâm là một tấm lòng Đại Từ Đại Bi, Chí Nhân Chí Dũng như TỪ HẢI. Đó mới là mẫu người Việt Nam Muôn Thưở, mang Tình Thâm Bể Thẳm nhuần thắm khắp nhân quần xã hội. Chớ lấy thành bại luận Anh Hùng vì thành bại thuộc cõi hiện tượng, còn Anh Hùng đi những bước chân lưỡng hành vi diệu, ngang dọc dọc ngang giữa Trời cùng Đất, tiêu dao tự tại trong cái vô cùng vô tận của Tâm Linh Vũ Trụ, tuy Thực đấy nhưng mà Hư đấy, dẫu Hữu đó song lại Vô đó. Trong Kiếp Nhân Sinh này, Anh Hùng sống tận Nhân tận Nghĩa trong tâm trạng luôn An Nhiên Tự Tại Thư Thái. Đấy là nội dung thâm trầm mà Hi Văn tiên sinh đã nhắn nhủ:
NHÂN SINH NHƯ KÍ NHĨ
ĐẮC Ý TU TẬN HOAN
HỮU MÃ HỮU THUYỀN HỮU THỦY HỮU SAN
TỨC BỈNH CHÚC DẠ DU LƯƠNG HỮU DĨ
Đành vũ trụ ấy ngô nhân phận sự
Cũng tiêu dao cho tuế nguyệt thêm trường
VÂN THƯƠNG THƯƠNG HỀ THỦY ƯƠNG ƯƠNG
Phong quang ấy người sao nỡ phụ
NHƯỢC ĐÃI CÔNG THÀNH DANH TOẠI ĐỘ
NHẤT ĐÔI LÃO CỐT DĨ LĂNG TẰNG
THẾ THỜI SƠN CHI NAM SƠN CHI BẮC CHI TUNG HẰNG
Chắc đâu chuyện phù bình tán tụ
Lưng bầu rượu say cổ kim kim cổ
Một túi thơ vui hoa nguyệt nguyệt hoa
Khi cờ vây khi bài lá khi tiếu ngạo khi cầm ca
Nhận phong vị hào hoa làm lạc thú
Chỉ Lô Tản ngắm cùng thảo thụ
Cuộc tỉnh say say tỉnh ai hay
Thử xem con Tạo sau này
Con người là giống lưỡng thê, cái thân vật chất bé tẻo teo chẳng là bao nhưng khát vọng thì vô bờ bến, cho nên phải lái cái khát vọng đó vào con đường Tâm Linh. Chỉ có Tâm Đạo mới khiến cho được thảnh thơi thể xác, an lạc tâm hồn, gây nên những sảng khoái siêu vượt xuất thần.
Muốn đi trên con đường Tâm Đạo đó thì phải cố gắng mãi mãi đi vào Nội Tâm sâu thẳm của chính mình, nghĩa là phải “Tận Kì Tính” hay phải “Be Thyself”. Ở đây ta hãy đưa ra vòng Thái Cực (xin xem hình) để chỉ lên những bước tiến vào Nội Tâm. Vòng Thái Cực có bảy vòng đồng tâm tượng trưng cho bảy đợt tiến hóa của tâm thức con người. Càng tiến vào sâu trong Nội Tâm thì vật chất càng giảm bớt, tinh thần càng mở rộng từ 64 đến 32 và cứ mãi cho đến cuối cùng là VÔ THỂ, là TRUNG CUNG huyền diệu. Mỗi lần vượt qua một vòng là mỗi lần Giác Ngộ hay điểm đạo mà Truyền Thống nói bóng là sự Phục Sinh Tinh Thần. Chính đó là những may mắn bất ngờ làm ta cảm thấy thanh thoát đầy hứng khởi bừng sáng như có một dòng sống Tâm Linh viên mãn truyền dòng nước Cam Lồ vào mảnh đất Tâm làm nó trở nên sống động hữu tình, với những thái độ hành vi tràn đầy nhựa sống Tâm Linh và lòng Yêu Thương cao thượng, tâm trí ta ăm ắp với lí tưởng LÀM NGƯỜI, với chủ đạo VI NHÂN, như đang rung động quậy nhảy phong phú cuồn cuộn tuôn trào, như một hỏa diệm sơn đang phun những phún thạch tung tóe của Chân Lí. Có như vậy ta mới hiểu tại sao Khổng, Lão, Thích đã gây nên một ảnh hưởng thâm trầm sâu rộng bất chấp cả thời gian để đi vào tận lòng của một khối dân đông nhất nhân loại, đúng như lời Lão Tử đã diễn tả một cách mập mờ thấp thoáng “CỔ CHI THIỆN VI SĨ GIẢ, VI DIỆU HUYỀN THÔNG THÂM BẤT KHẢ THỨC” (Bậc Chân Nhân xưa tinh tế nhiệm màu thấu suốt lẽ cao siêu huyền bí sâu xa không thể đo lường được – Đạo Đức Kinh, chương 15). Các Ngài đã trở thành Một với Đạo Thể viên dung, sống mãi với vô tận thời gian cùng thở luồng thần khí, cùng hát khúc sinh ca vũ trụ. Các Ngài là những mùa Xuân bất tận bơm nhựa sống sinh lực nguyên sơ vào tất cả những Tâm Hồn biết hướng về với tất cả tấm lòng Thành Kính Tận Tín. Mặt trời luôn bao giờ cũng hiện hữu và soi sáng, nhưng muốn thấy muốn tiếp nhận được ánh sáng của mặt trời thì chúng ta phải xoay mặt đối diện với nó. Đi vào Nội Tâm hay “thối tàng ư mật” là đi về hướng mặt trời Tâm Linh đang soi rọi nuôi dưỡng dẫn dắt. Một trong những phương pháp mà Thiền Tông đã dạy: “Từ đa niệm tới thiểu niệm, từ thiểu niệm tới nhất niệm, từ nhất niệm vào vô niệm”. “Một niệm trong sáng nhất định ấy là cái học sáng rộng cái học của Thánh Nhân. Một niệm thuần nhất là không niệm, tức là niệm rời niệm. Cho nên cái học của quân tử lấy vô niệm làm tông chỉ” (NHẤT NIỆM MINH ĐỊNH TIỆN THỊ TẬP HI CHI HỌC. NHẤT NIỆM GIẢ VÔ NIỆM DÃ, TỨC NIỆM NHI LI NIỆM DÃ. CỐ QUÂN TỬ CHI HỌC, DĨ VÔ NIỆM VI TÔNG – Kim Định, Cơ Cấu Việt Nho, trang 268). Từ nhất niệm vào vô niệm để Tĩnh Tâm, để Phối Thiên, Huyền Đồng, hay Kiến Tính. Đó là một trong muôn ngàn cách để diễn tả hướng đi của Đạo Học là quay về Thống Nhất với Nội Tâm, là “phản thân nhi thành lạc mạc đại yên”. Kinh Dịch nói một cách rõ ràng “THÁNH NHÂN DĨ THỬ TẨY TÂM THỐI TÀNG Ư MẬT” (Tẩy rửa tất cả những thành kiến vô minh đang là những chướng ngại vật, tức là trở về với Tâm Linh mình, đó là cái học của Thánh Nhân vậy – Hệ Từ Thượng, chương 11). Điều cốt yếu là phải cực kì Trống Rỗng Tâm Trí. Đến đây ta cũng hiểu tại sao người quân tử dùng trúc làm biểu hiệu vì thân trúc thẳng lòng trúc rỗng (tiết trực tâm hư). Người quân tử phải có lòng trống rỗng không chứa thiên kiến. Để tẩy rửa sạch sẽ những thành kiến này, Lão Tử viết: “CHÍ HƯ CỰC THỦ TĨNH ĐỐC” (Đến chỗ rỗng không cùng cực, giữ im lặng rất mực – Đạo Đức Kinh, chương 16), nghĩa là phải nhảy ra khỏi các cặp tương đối để đi vào cái nõn xe (đạo xu), cái trung tâm của mọi huyền niệm, không còn những dục vọng khuấy động lên cho cái lí trí hữu vi nữa. Đó cũng là cực tả trạng thái Đạt Đạo trúng tiết của người quân tử vậy. Lúc ấy là đi vào miền “Tiêu Dao Viên Mãn Huyền Đồng Tề Vật” cùng vũ trụ vạn vật, để thấy rằng mọi sự đầy đủ nơi ta chỉ cần quay lại Nội Tâm thì không có cái vui nào bằng. Và cái học đời xưa cao thâm mạc trắc là như thế đấy. Càng học càng thấy bao la man mác mà lại sâu thẳm quyến rủ không cùng. Thế mới thấm câu nói của Chu Hối Am tiên sinh “KÌ VỊ VÔ CÙNG GIAI THỰC HỌC DÃ. THIỆN ĐỘC GIẢ NGOẠN SÁCH NHI HỮU ĐẮC YÊN, TẮC CHUNG THÂN DỤNG CHI, HỮU BẤT NĂNG TẬN GIẢ HĨ” (Cái ý vị của Đạo vô cùng vô tận mà tất cả đều là Thực Tại. Những ai chiêm nghiệm để đạt Đạo Trung Dung thì suốt đời thực hành cũng không thể múc cạn hết được vì cốt lõi của nó chính là Vũ Trụ Chi Tâm bao la man mác – Trung Dung, Chu Hi chương cú). Đường dẫu xa nhưng người xưa đã nói “Có chí thì nên”. Đó là nội dung của bài thơ Hữu Chí Cánh Thành sau đây của Ngộ Trai tiên sinh:
Cùng đạt có riêng chi mệnh số
Hành tàng nào hẹn với văn chương
Đường công danh sau trước cũng là thường
Con tạo Hóa phải rằng ghen ghét mãi
Duyên ngư thủy còn dành cơ hội lại
Quyết tang bồng cho phỉ chí trượng phu
Trong trần ai ai kém ai ru
Tài bộ thế khoa danh ờ lại có
ĐỘC THƯ THIÊN BẤT PHỤ
HỮU CHÍ SỰ CÁNH THÀNH
Giang sơn đành có cậy nơi mình
Mà vội mỉa anh hùng chi bấy nhẽ
Đã sinh ra ở trong phù thế
Nợ trần ai đành cũng tính xong
Nhắn lời nói với non sông
Giang sơn hầu dễ anh hùng mấy ai
Thanh vân trông đấy mà coi
Ôi! Đạo không xa người và không thể rời người dù chỉ một phút một giây. Đạo mà có thể xa người thì cái đó không phải là Đạo Thường Hằng nữa rồi. Đạo đã Thường Hằng thì Hồn cũng Thường Hằng vĩnh cửu, vẫn ở lại trong đời để linh nhuận đời sống, để dẫn đưa con người dấn bước trở về nguồn căn. Hồn mãi mãi âm thầm chờ đợi kêu gọi tiểu ngã lên đường trở về, đừng đi ra ngoài xa quá, đừng phóng tâm để rồi nỏ mồm lên kêu “lạc Hồn”, Hồn ta đâu rồi? Đi lạc nơi đâu rồi? Đã lạc rồi thì dù có hiện diện ở đây nhưng cũng không hiện hữu bây giờ. “TÂM BẤT TẠI YÊN THỊ NHI BẤT KIẾN THÍNH NHI BẤT VĂN THỰC NHI BẤT TRI KÌ VỊ” (Hồn đã chẳng hiện diện ở đây và bây giờ thì dù có hiện diện xác thân thì cũng chỉ là máy móc cơ khí mà thôi, dẫu có trông nhưng chẳng thấy, lắng nhưng không nghe được tiếng lòng, có ăn cũng chẳng biết được mùi vị – Đại Học, chương 7). Thế là mở đầu cho xú uế vong thân tràn vào, khổ lụy trùm khắp, dẫn đưa nhau vào vực thẳm vong bổn hết trọi. Lão Tử nói: “VẠN VẬT ĐẮC NHẤT DĨ SINH” (Muôn vật nhờ Hồn mà sống mà có tình cảm – Đạo Đức Kinh, chương 39), nay Hồn đã cao chạy xa bay thì “VẠN VẬT VÔ DĨ SINH TƯƠNG KHỦNG DIỆT” (Có hiện diện đó cũng như chết rồi – Đạo Đức Kinh, chương 39), nghĩa là có còn Ở Đời nữa đâu mà chẳng chết. Nhà đã lạc xa quá rồi, Tính đã lặn mất, Hồn đã tị nạn, thế là bơ vơ trơ trọi tứ cố vô thân, chỉ còn đường làm nô lệ cho vật chất dù dưới bất cứ dạng thức tinh vi nào đi nữa cũng chỉ là nô lệ, hoi hóp sống dưới lớp hương “nylon” giả tạo mà cứ tưởng là Thực Tại là Hồn Sống, rồi hè nhau mà cướp giật, mà đả kích, mà bôi nhọ. Bi phù!
Tâm Hồn cứ trụ mãi nơi những hữu thể mộng mơ giả tạo thì dù miệng có nói giải phóng, tay chân có hành động tích cực mấy đi nữa, rốt cuộc Hồn vẫn biền biệt. Muốn tìm lại Hồn đã lạc thì phải đào sâu, càng tiến sâu vào Nội Tâm của mình là càng trở về nhập vào Thể Tính Vĩnh Cửu của Thượng Đế. Chỉ vì Đạo Làm Người xuất phát tại nơi sâu thẳm ấy của Tâm Thái Cực nên không thể đổi dời, và người quân tử y cứ vào Nội Tâm siêu linh của mình để hành động xử thế theo Thiên Lí, vì “THIÊN LÍ TẠI NHÂN TÂM” và Nhân tâm thì không thể li lìa dù chỉ một giây. Đó chính là ý câu nói của Trung Dung “ĐẠO CHI BẢN NGUYÊN XUẤT Ư THIÊN NHI BẤT KHẢ DỊCH, KÌ THỰC THỂ BỊ Ư KỈ NHI BẤT KHẢ LI” (Trung Dung, chương 1). Chính vì thế mà khi hành đạo con người không bị vong thân vong bản, vì mọi tác động tinh tuyền đều phát xuất từ nguồn cội siêu linh, nên đều là tự nhiên nhi nhiên, tự do lai xuất. Hành động theo Thiên Lí, theo căn cơ của Thời gian mà cũng là căn cơ của con người Chân Nhân. Cho nên “THIÊN HÀNH KIỆN QUÂN TỬ DĨ TỰ CƯỜNG BẤT TỨC” (Trời tác động kiên cường lưu chảy suốt đêm ngày thì người quân tử cũn hành động TỰ CƯỜNG không ngơi nghỉ, tiến vào Nội tâm theo những vòng tròn đồng tâm xoáy vào trung tâm căn tính của đại Ngã Tâm linh – Kinh Dịch, quẻ Kiền). Hi Văn tiên sinh đã diễn tả một cách tài tình trong bài Đạo Phật:
Thuyền từ một lá chơi vơi
Bể trần chở hết mấy người trầm luân
THIÊN THƯỢNG THIÊN HẠ VÔ NHƯ PHẬT
Nhỏ không trong mà lớn cũng không ngoài
Chiếc thuyền Từ một lá chơi vơi
Vớt chìm đắm đưa lên cõi Tĩnh
Chữ KIẾN TÍNH cũng là SUẤT TÍNH
Trong ống nhòm để tiếng HƯ VÔ
Kẻ muốn đem nhân kì nhân hỏa kì thư lư kì cư
Song Đạo Thống hãy rành rành công cứ
BANG Y THIÊN LÍ HÀNH TƯƠNG KHỨ
ĐÔ TỰ NHÂN TÂM TỐ XUẤT LAI
Bát khang trang chẳng chút chông gai
Cũng nghiêng ngả một dòng Hà Lạc
Trong nhật dụng sao rằng đạo khác
Cái luân hồi chẳng ở đâu xa
Nghiệp duyên vốn tại mình ra
Nơi vuông tấc đủ Thiên Đường Địa Ngục
Ví chưa thoát lòng trần mắt tục
Nên mơ màng một bước lên khơi
Khiến cho phiền muộn NHƯ LAI
Cả nền văn Hóa dân Tộc là làm thế nào để người sống theo Bản Tính tự nhiên mà trời phú cho riêng mình mà thôi. Đó là dùng VĂN để cải hóa toàn thể thân tâm con người. Nếu “TÍNH TƯƠNG CẬN Dà TẬP TƯƠNG VIỄN DÔ (Tính bản nhiên thì gần, do tập tục hướng ngoại mà càng ngày càng xa – Luận Ngữ, chương Dương Hóa, tiết 2), thì Văn Hóa Dân tộc chính là ý nghĩa chữ TẬP, nhưng là tập làm sao để cho trở lại cùng với Tính, cùng với Thiên Lí, chứ không phải là những tập tục xa rời Tính Thể của Con Người muôn Thưở. Mà nó cũng có một nghĩa khác nữa là đi từ cái viễn nghĩa là cái tư riêng của mọi người, để đi đến chỗ Thống Nhất (nhưng không đồng nhất) hòa điệu cùng Tính Thể viên dung quán nhất. Sách Trung Dung cũng quảng diễn thêm “TỰ THÀNH MINH VỊ CHI TÍNH. TỰ MINH THÀNH VỊ CHI GIÁO” (Tự nhiên thành kính mà sáng đạo mà thành đạo gọi là Tính hợp với câu “suất tính chi vị đạo” ở đầu trang sách Trung dung. Những lúc Tính đã bị che khuất, lúc Hồn đã biền biệt, phải soi sáng phải minh giải mới hiểu ra để thi hành để tập luyện thì gọi là Giáo, cùng nghĩa với câu “tu đạo chi vị giáo” – Trung Dung, chương 21). Cho nên phải Trung Thành, không phải trung thành với những cái tư ý tư dục mà là Trung với Tâm và Thành với Đại Ngã Tâm Linh tức Tnh Mệnh. Mà Tính với Mệnh với Thần với Hồn là Một, tất cả đều trỏ vào một thực thể vô cùng u linh nhưng lại cực kì quang minh linh diệu, và ở ngay trong Thâm Tâm của ta. Đạo Học chính là làm sáng tỏ cái ĐỨC MINH đó, làm sáng tỏ đức Minh đó một cách thiết tha, bằng cả Tâm Hồn trìu mến, bằng một ý chí kiên cường. Xin hãy Lắng Nghe cấ nói của Đại Học “HỮU PHỈ QUÂN TỬ NHƯ THIẾT NHƯ THA, NHƯ TRÁC NHƯ MA, SẮT HỀ GIẢN HỀ, HÁCH HỀ HUYẾN HỀ, HỮU PHỈ QUÂN TỬ CHUNG BẤT KHẢ HUYÊN HỀ” (Người quân tử Tu Thân mình một cách thiết tha trìu mến, lúc nào cũng nhớ đến một mẫu Người Lí Tưởng Muôn Thưở để giùi mài cắt giũa, để cho toàn thể thân tâm mình luôn hướng về nguồn suối Tâm Linh, để nhập thể, để hoan ca, để nhảy múa theo bản nhạc vũ trụ đang tưng bừng chảy trong huyết quản của những ai Thành Tín thuận theo – Đại Học, chương 3). Là người quân tử ít ra ai cũng cưu mang trong lòng một hình bóng Đại Ngã như Luận Ngữ đã nói “QUÂN TỬ HOÀI HÌNH” (Chương Lí Nhân, tiết 11), để đôn đốc tâm nguyện làm người sao cho ngày càng thêm sung mãn tràn đầy Chân Thiện Mĩ. Xin hãy nghe Trương Hoành Cừ tiên sinh nói: “VỊ THIÊN ĐỊA LẬP TÂM, VỊ SINH DÂN LẬP MỆNH, VỊ VÃNG THÁNH KẾ TUYỆT HỌC, VỊ VẠN THẾ KHAI THÁI BÌNH” (Vì trời đất Thành Kính lập tâm, vì nhân loại mà lập mệnh, vì thánh nhân đã qua để tiếp tục cái ngọn đuốc vi nhân soi sáng cả hoàn cầu, vì muôn thưở khai mở an bình thịnh trị cho mọi người – Kim Định, Chữ Thời, trang 441-442).
Thế cái gì làm nên Con Người Muôn Thưở? Chính ĐỨC NHÂN NGHĨA làm nên Con Người Thực Sự. Trung Dung noi: “NHÂN GIẢ NHÂN DÃ, NGHĨA GIẢ NGHI DÔ (Đức Nhân làm nên con người, Đức Nghĩa là để thích nghi với hoàn cảnh – Trung Dung, chương 20). NHÂN chính là cái mà khi người nào có thì tỏ ra nhân hậu, nhân ái, nhân nhượng. Còn NGHĨA là thích nghi với mọi hoàn cảnh, nói rộng ra là thích nghi với cả trời cùng đất, nói cụ thể là thích nghi với tình người, để lúc nào cũng tạo điểu kiện đôn hậu cho tình người được phát triển đằm thắm tươi vui. Mạnh Tử viết: “TRẮC ẨN CHI TÂM NHÂN DÃ. TU Ố CHI TÂM NGHĨA DÃ. CUNG KÍNH CHI TÂM LỄ DÃ. THỊ PHI CHI TÂM TRÍ DÃ. NHÂN NGHĨA LỄ TRÍ PHI DO THA NGOẠI THƯỚC NGà DÃ. NGà CỐ HỮU CHI DÃ. PHẤT TƯ NHĨ HĨ. CỐ VIẾT: “CẦU TẮC ĐẮC CHI, XẢ TẮC THẤT CHI”.” (Có tấm lòng biết thương xót chẳng nỡ, đó là khởi đầu của Đức Nhân. Có tấm lòng biết hổ thẹn chán ghét, đó là khởi đầu của Đức Nghĩa. Có tấm lòng biết cung khiêm kính nhường, đó là khởi đầu của Đức Lễ. Có tấm lòng biết phải biết quấy, đó là khởi đầu của Đức Trí. Những Đức Nhân Nghĩa Lễ Trí này chẳng phải là cái gì bên ngoài có thể bổ chụp đo đếm, rồi đồng hóa như những vật thể hữu hạn. Tất cả đều có sẵn nơi Mình, nhưng tại mình chẳng tưởng tới mà thôi. Cho nên: “Ai tìm cầu thì đạt được. Ai bỏ phế thì mất.” – Mạnh Tử, chương Cáo Tử Thượng, tiết 6). Ở ĐỜI tức là khi nói về nơi chốn mà tâm hồn mình hướng vào. Chính Nhân Nghĩa mới là chỗ là nơi chốn để lòng hướng vào. Đấy là cái gốc lớn nhất để con người lập thân hành đạo vậy. Có như thế thì những cái nhỏ bé ngọn ngành mới không trói buộc được Ta. Đó mới chính là cái làm nên Đại Nhân vậy. Đấy cũng là ý trong câu nói của Mạnh Tử: “TIÊN LẬP HỒ KÌ ĐẠI GIẢ TẮC KÌ TIỂU GIẢ BẤT NĂNG ĐOẠT DÃ. THỬ VỊ ĐẠI NHÂN NHI DĨ HĨ.” (Chương Cáo Tử Thượng, tiết 15). Cho nên người xưa nói: “VÔ NGHĨA VÔ LỄ HÀ DĨ VI NHÂN” (Không nghĩa không lễ lấy gì để làm người). Chính ĐỨC NHÂN mới làm ta nên Người chứ không phải cái ta ăn vào miệng. Mỗi hành động Nhân Nghĩa của ta trọn vẹn hóa con người của ta, linh thiêng hóa con người tiểu ngã, làm cho Tâm Hồn ta ngày càng mở rộng, để cuối cùng đột nhiên mở rộng ra như vũ trụ bao khắp càn khôn, nhập vào làm Một với Vũ trụ Chi Tâm để trở thành một Hóa Công, cùng tham dự với trời đất trong việc hóa dục muôn loài. Nhà cách mạng Trần Cao Vân đã phô diễn một cách tuyệt vời trong bài Vịnh Tam Tài thời danh:
Trời đất sinh Ta có ý không
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Trời Đất in Ta một chữ đồng
Đất nứt Ta ra Trời chuyển động
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Trời che Đất chở Ta thong thả
Trời Đất Ta đầy đủ HÓA CÔNG
Xin đừng để cho những tư tưởng hành động nô lệ chen vào làm giảm đi cái giá trị Nhân Hoàng của con người Chân Nhân. Khi tâm tư mở rộng ra như vũ trụ là bao quát khắp hết không chừa sót một vật gì, để có thể sắp đặt trong một trật tự Vũ Trụ hòa hài, nơi mỗi vật được ở yên trong vị trí Tính Mệnh của mình, cùng nhau xây nên nền Thái Hòa Vũ Trụ. Sứ mệnh của Nhân hoàng nằm ở chỗ đó. Hãy Lắng Nghe Nguyên Ngôn thâm trầm bàng bạc “KIỀN ĐẠO BIẾN HÓA, CÁC CHÍNH TÍNH MỆNH, BẢO HỢP THÁI HÒA” (Đạo trời luôn biến hóa để mỗi vật đạt được Tính Mệnh của mình cùng nhau xây dựng nền Thái Hòa – Kinh Dịch, quẻ Kiền), để biết cái lí tưởng của con người là luôn mãi Tự Cường Bất Tức hành động theo Thiên Lí. Chính trong trạng thái Tâm Hồn rộng mở đó mà Trung Dung đã diễn tả “CHÍ TRUNG HÒA THIÊN ĐỊA VỊ YÊN VẠN VẬT DỤC YÊN” (Vào tận nơi sâu thẳm trung tâm điểm của mọi huyền lực thì sẽ đạt đạo là bảo hợp thái hòa, làm cho thiên địa đợc ở yên vào vị trí tiên thiên, và vạn vật được nuôi dưỡng giáo hóa – Trung Dung, chương 1). Cái Đạo Làm Người gần thì CHÍNH TÂM THÀNH Ý, Tu Tâm Dưỡng Tính hàm dưỡng chính mình cho ra Người Thực Sự, rồi phụng sự cha mẹ anh em bè bạn vợ chồng, xa thì phục vụ tha nhân xã hội nhân loại; phải đi từ gần đến xa, từ bản thân đến gia đình quốc gia thiên hạ, để mà “BÁC HẬU PHỐI ĐỊA CAO MINH PHỐI THIÊN DU CỬU VÔ CƯƠNG” (Đức rộng lớn bao trùm chuyên chở hết mọi vật như Không Gian, Đạo vận hành không ngừng nghỉ như Thời Gian, cả hai cùng hòa điệu tiến về Vĩnh Cửu Vô Biên – Trung Dung, chương 26), tiến hòai tiến mãi không ngừng nghỉ một giây phút nào, lúc nào cũng có công việc cho mình để làm, để cho mình tự thực hiện Sứ Mệnh Vi Nhân, lúc nào cũng phải sử dụng TRÍ NHÂN DŨNG để đạt tới Chân Thiện Mĩ trong từng giây từng phút. Người quân tử đến chết mới được an nghỉ (sinh kí tử qui), còn kẻ tiểu nhân đến chết mới thôi làm bậy. Tinh Thần Vi Nhân đó lúc nào và mãi mãi cũng cùng với Ta đi trên mọi nẻo đường đời, để trong mọi hoàn cảnh đều làm cho nó hoằng đại cao viễn phổ bác tới mọi chúng sinh. Chính vì thế mà ta mới thấu hiểu “NHÂN NĂNG HOẰNG ĐẠO, PHI ĐẠO HOẰNG NHÂN” (Con người có thể mở rộng đạo vì “linh tại ngã bất linh tại ngã”, nếu ta đã không linh đã lạc hồn không chịu làm người thì chẳng có đạo nào mà có thể hoằng đại cho ta được – Luận Ngữ, chương Vệ Linh Công, tiết 28). Như thế nhiệm vụ của mỗi người trai là phải làm cho Rõ Mặt Tu Mi như Uy Viễn tướng công đã thốt một cách thơ thới hân hoan:
THÔNG MINH NHẤT NAM TỬ
YẾU VI THIÊN HẠ KÌ
Trót sinh ra thời phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu lưng ba vạn sáu
Đố kị sá chi con Tạo
Nợ tang bồng quyết trả cho xong
Đã xông pha bút trận thì gắng gỏi kiếm cung
Cho Rõ Mặt Tu Mi Nam Tử
Trong vũ trụ đã đành phận sự
Phải có danh mà đối với non sông
Đi không chẳng lẽ về không
Sứ Mệnh Vi Nhân đó là KHẮC KỈ PHỤC LỄ. Khắc Kỉ tức là làm sung mãn con Tâm Đại Ngã của mình để nó luôn tuôn trào những tư tưởng sáng chói nóng bỏng Chân Lí, những hành động Yêu Thương Nhân Ái đại độ bao dung, để cho con Tâm Nhân Ái luôn bao trùm lấy mọi hành động cử chỉ của ta trong lối sống hàng ngày, để cho mối liên hệ giữa người và người ngày càng đẹp đẽ cao nhã linh thiêng, để làm nảy ra những mối tình cao thượng bao la trung thực, để trong mọi xử thế luôn đặt Tình trên lí, để ngoài tuy là lí nhưng trong là Tình, để Tình cực thâm hậu cho Đạo Làm Người được sáng tỏ ra. Đó mới là con người Văn Minh có Văn Hóa chân thực. Muốn thế cần trở lại với LỄ. Lễ ở đây có nghĩa là cái tiết điệu Uyên Nguyên của Vũ Trụ, để sống thuận theo Tính Mệnh, không lỗi nhịp trong cái bản đại hòa tấu của vũ trụ. Kinh Lễ thiên Nhạc Kí có nói: “ĐẠI NHẠC DỮ THIÊN ĐỊA ĐỒNG HÒA. ĐẠI LỄ DỮ THIÊN ĐỊA ĐỒNG TIẾT” (Nhạc lớn lao cao cả là cùng hòa nhịp với thiên địa, lễ lớn lao cao cả là đi trúng tiết với thiên địa). Người xưa mỗi khi nói Lễ là có Nhạc đi kèm, hoặc nói Nhạc là có Lễ đi kèm, để cho không bên nào lấn áp bên nào, để cho cả hai cùng nhau hợp xướng hòa điệu trong cái bản thần ca ca ngợi Con Người Muôn Thưở. “NHẠC THẮNG TẮC LƯU, LỄ THẮNG TẮC LI” (Nhạc mà lấn áp thì người trở nên phóng túng, lễ mà lấn áp thì người trở nên cách biệt – Kinh Lễ, thiên Nhạc Kí). Lễ Nhạc đưa con người vào Đạo Trung Hòa, mà cụ thể là không thái quá cũng không bất cập. Thiên về Nhạc thì thái quá lưu lãng bất cận nhân tình, mà thiên về Lễ sẽ ra bất cập hủ lậu không biết tùy thời mà ứng biến. Chỉ có Lễ Nhạc hòa hài, Lễ hai Nhạc ba, thì con người ung dung trúng đạo tự nhiên không phải miễn cưỡng. Còn khi hiểu theo nghĩa siêu hình thì Trung Hòa là Trung với Thường Hằng, với Tính thể Vĩnh Cửu Vô Biên, để lúc nào và bao giờ ở đây cũng làm cho trọn vẹn mọi hành động và tư tưởng của chính mình là Tiến Về Vô Biên bằng tác động tinh tuyền linh thiêng nhất. Nếu con người không có xương sống tuy không thể đứng được nhưng vẫn làm người được, thì làm người mà vô lễ vô nghĩa thì dẫu có đứng được như người nhưng cũng không thể thành nhân được. Không Học Lễ, không Hành Lễ Nghĩa Liêm Sỉ thì lấy gì mà lập thân hành đạo, đó chính là ý nghĩa của câu “BẤT HỌC LỄ VÔ DĨ LẬP” (Luận Ngữ, chương Quí Thị, tiết 13) vậy. Lễ chính là hàm súc dưỡng nuôi cho Tình Người ngày càng được thêm thâm hậu, hoàn bị hơn, để mối tương giao giữa người và người ngày càng trọn vẹn tràn đầy Nhân Tính hơn. Lễ chính là một cách linh động cụ thể của câu nói “NỘI TẬN Ư KỈ NHI NGOẠI THUẬN Ư ĐẠO” (Trong thì hoàn bị chính mình để chiếu ra ngoài thì thuận theo đạo làm người). Lễ là nét đặc trưng nhất của Văn Hóa Đông Phương, nơi mà con người cùng những mối tương giao được nuôi dưỡng và phát triển thực thâm sâu hồn hậu. Con người sở dĩ linh thiêng hơn vạn vật (nhân linh ư vạn vật) là vì có LỄ NGHĨA LIÊM SỈ. Lục Tử Tĩnh tiên sinh viết: “SỈ TỒN TẮC TÂM TỒN, SỈ VONG TẮC TÂM VONG.” (Biết xấu hổ thì Tâm còn. Không biết xấu hổ thì Tâm mất – Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc, quyển Hạ, trang 167). Không có Lễ Nghĩa Liêm Sỉ thì thân xác lí trí dẫu có khác loài vật thật đấy nhưng tâm hồn thì vẫn chỉ là một giống súc sinh mà thôi. Mà như thế có gọi là người đi nữa cũng chỉ là một danh từ suông mà không có thực chất. Người ta khi ăn cam biết ăn ruột bỏ vỏ, thì tại sao hành Lễ lại không biết Đôn Hậu Tình Người, Kính Trọng tha nhân mà chỉ còn hành Lễ với cái vỏ kềnh cơi, với những chi tiết rườm rà không thực tâm. Luận Ngữ có viết: “NHÂN NHI BẤT NHÂN NHƯ LỄ HÀ? NHÂN NHI BẤT NHÂN NHƯ NHẠC HÀ?” (Người mà không còn lòng Nhân Ái thì lấy cái gì mà thi hành Lễ Nghĩa Liêm Sỉ? Người mà không còn Tình Cảm thâm hậu không còn là Người nữa thì làm sao mà cảm được Nhạc – Chương 3, tiết 3).
Ở ĐỞI cho thâm sâu chính là CƯ KÍNH nghĩa là Ở LẠI mà Kính Trọng cái Đại Ngã Tâm Linh luôn hiện diện nơi mình, chứ không phải cái tôi tiểu ngã bé nhỏ với những huênh hoang, khoác lác, kênh kiệu, khoe mẽ, tự hào một cách vô ý thức. Nếu thực là Đại Ngã Tâm Linh thì luôn siêu việt thường hằng bất biến vô hình, vô tượng, vô thanh, vô xú, có hiện hình trờ trờ ra đó cho ta bắt lấy, cho ta chiếm đoạt làm của riêng mình đâu. Kính làm Tình Người ngày càng thêm thâm hậu sâu xa không lỗi nhịp, để ở đâu và bao giờ cũng theo đúng nhịp của Thời Gian và Vĩnh Cửu, cái nhịp Âm Dương Hòa, cái nhịp Đạo Thể luôn đập trong con Tâm Vũ Trụ ở nơi mình. Đạo Trung Dung giản dị như thế nhưng lại khó theo cho đến cùng cực là vậy. Sống với tư cách là một người dân luôn theo đuểi hiện tượng hàng ngày bị trói buộc vì sự vật ngổn ngang trăm mối và vì sự phiền não vô vị của xã hội, mà không sống với tư cách là người Nhân Chủ điều hòa xếp đặt vạn vật thì Đạo Trung Dung trở nên khó khăn vô cùng. Đó là ý của câu “TRUNG DUNG KÌ CHÍ HĨ HỒ, DÂN TIỂN NĂNG CỬU HĨ” (Trung Dung, chương 3). Kiếp nhân sinh có ra có vào, có lúc bận rộn cũng phải có lúc nhàn nhã, có lúc tỉnh thì cũng phải có lúc say sưa ngây ngất, có lúc thực là lắm lời thì cũng phải có lúc Im Lặng. Thế mới đi đúng tiết nhịp của Vũ Trụ Càn Khôn chứ nhỉ. Thế mới gọi là “KÌ DUY THÁNH NHÂN HỒ, TRI TIẾN THOÁI TỒN VONG NHI BẤT THẤT KÌ CHÍNH GIẢ, KÌ DUY THÁNH NHÂN HỒ” (Kinh Dịch, quẻ Kiền). Tồn Chất tiên sinh cũng phô diễn nhân sinh quan ấy trong bài Thú Rượu Thơ sau:
Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười
Cái công danh là cái nợ đời
Đường thản lí cát nhân chi đã vội
Dắt lỏng giang sơn vào nửa túi
Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu
Cảnh cùng thông ai có bận chi đâu
Mùi tiêu sái với trần gian dễ mấy
HỮU DANH NHÀN PHÚ QUÍ
VÔ SỰ TIỂU THẦN TIÊN
Đấng Anh Hùng an phận lạc thiên
So trời đất cũng nhất ban xuân ý
Khi lang miếu đã đành công danh ấy
Lúc yên hà khước thị xuất nhân gian
HÀNH TÀNG BẤT NHỊ KÌ QUAN
Cõi đời nở mặt giang san Thái Hòa
Còn Xuân may lại còn hoa
Thú Rượu Thơ càng lúc càng hiếm hoi. Cái Nhàn càng ngày càng ít ỏi trong cái thời đại bần nhược điêu linh này, khi tất cả đều bồn chồn lo lắng trong nỗi bất an thường trực. Hãy Lắng Nghe hương vị mênh mông trong bài thơ Mặc Đời mà Cao Chu Thần tiên sinh cảm hứng xuất thần:
Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy
Cảnh phù du trông thấy cũng nực cười
Thôi công đâu chuốc lấy sự đời
Tiêu khiển một vài chung lếu láo
ĐOẠN TỐNG NHẤT SINH DUY HỮU TỬU
TRẦM TƯ BÁCH KẾ BẤT NHƯ NHÀN
Dưới thiều quang thấp thoáng bóng Nam San
Ngoảnh mặt lại cửu hoàn coi cũng nhỏ
Khoảng trời đất cổ kim kim cổ
Mảnh hình hài không có có không
Lọ là thiên tứ vạn chung
Ôi! “Hỏi Nhàn là cái chi chi. Không chi chi cũng chi chi với Nhàn”. Hỡi ơi! Thời đại nô lệ, con người không còn làm chủ lấy được mình thì làm sao mà hiểu được ý vị thâm sâu của chữ nhàn. Thanh Nhàn là một cái gì mênh mông diệu vợi mà Uy Viễn tướng công đã tự nhủ với chính mình là hãy luôn trân trọng gìn giữ trong bất cứ giây phút nào của cuộc sống:
THỊ TẠI MÔN TIỀN NÁO
NGUYỆT LAI MÔN HẠ NHÀN
So lao tâm lao lực cũng một đàn
Người nhân thế muốn Nhàn sao được
Nên phải giữ lấy Nhàn làm trước
Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi
Mười lăm trẻ năm mươi già không kể
Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui sao chẳng cười khì
Khi hỉ lạc khi ái dục khi sầu bi
Chứa chi lắm một bầu nhân dục
TRI TÚC TIỆN TÚC ĐÃI TÚC HÀ THỜI TÚC
TRI NHÀN TIỆN NHÀN ĐÃI NHÀN HÀ THỜI NHÀN
Cầm kì Thi Tửu với giang san
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế
NGÃ KIM NHẬT TẠI TỌA CHI ĐỊA
CỔ CHI NHÂN TẰNG TIÊN NGÃ TỌA CHI
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni
Ai hay hát mà ai hay nghe hát
Sông Xích bích buông thuyền năm Nhâm Tuất
Để ông Tô riêng một thú thanh tao
Chữ Nhàn là chữ làm sao
Đó là lòng thâm tín chân thành của tôi khi sống trong bầu không khí Tâm linh của Đạo Làm Người mà Tiên Tổ Lạc Hồng đã cưu mang xây dựng và phát triển nước thiêng Tiên Rồng. Cái Đạo đó là nêu cao lí tưởng Làm Người viên mãn, dương cao ngọn cờ Vi Nhân, đem thái bình hạnh phúc không phải chỉ đến cho riêng mình, cho nhóm mình, cho tổ quốc mình mà còn cho cả nhân loại, để có thể thấy toàn nhân loại là một vườn cây trái tốt tươi luôn được phát triển sung mãn đến tột độ. Lí tưởng đó được gởi gấm trong bốn chữ VĂN HIẾN CHI BANG, nơi cưu mang những con người lí tưởng luôn hiến dâng cho VĂN cho ĐẠO LÀM NGƯỜI cao cả xiết bao. Thấy đáng làm là làm, làm vì NHÂN vì NGHĨA, làm vì ĐẠI NGHĨA để phục vụ nhân sinh không màng danh lợi. Xin hãy lắng nghe vần thơ muôn điệu của Tồn Chất tiên sinh trong bài Quân Tử Cố Cùng:
Tang bồng là cái nợ
Đấng làm trai chi sợ áng công danh
PHÚ QUÍ TƯƠNG DĨ HẬU NGÔ SINH
BẦN TIỆN TƯƠNG DĨ NGỌC NGÔ THÀNH
Cái vinh nhục nhục vinh là đắp đổi
THÙY NĂNG THẾ THƯỢNG VONG DANH LỢI
TIỆN THỊ NHÂN GIAN NHẤT HÓA CÔNG
Thôi thời thôi Quân Tử Cố Cùng
Cùng khi ấy hẳn là thông khi khác
SỐ TẢO VÃN TÙY CƠ PHÚ THÁC
Chớ như ai chí chắt cũng tay không
Chơi cho phỉ chí tang bồng
Rồi ngắm nhìn chiêm nghiệm lại cuộc đời của THÁNH GIÓNG, của những Anh Hùng Dân Tộc sẽ thấy tỏa ra ánh sáng lung linh khả kính bao phủ Vũ Trụ Tâm Linh của Con Người Muôn Thưở. Đạo Làm Người đó, nền Nhân Bản Tâm Linh tinh tuyền nhất đó đã hướng dẫn không những dòng giống Lạc Việt mà còn cả cõi Á Châu từ trong thời tiền sử tiền niệm, từ miền còn dùng toàn Trực Thị Tâm Linh, cho đến tận nay, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, vẫn luôn đứng vững vàng vì nền Văn Hóa đó chính là bản chất của Con Người Thiên Thu. Muốn Làm Người Vạn Đại thì con đường hữu hiệu nhất chính là trở về nguồn cội của chính mình, của nền Văn Hóa Dân Tộc mình, để thấy rằng Tiên Tổ đã xây Đạo Làm Người trên một nền tảng vững chắc nhất không có gì lay chuyển nổi. Nền tảng đó chính là căn cơ của Thời Gian mà cũng chính là căn cơ của Con Người Đại Ngã, là nền Nhân Bản Tâm Linh Vũ Trụ để con người sống hết cỡ người. Nền tảng đó nằm trong tất cả mọi người, và hễ đã sinh là người thì đều cưu mang sẵn Bản Tính chân thực đó trong tận nơi sâu thẳm của mỗi người. Chỉ cần mỗi chúng ta TẬN KÌ TÍNH thì đó chính là thực hành Đạo Làm Người trong hành trình tiến về Tuyệt Đối Thể. Và mọi nền giáo dục trung thực đều nhắm vào hướng hoàn bị con người Chân Nhân đó cho tất cả mọi người. Đó chính là ý vị thâm trầm mà sách Trung Dung đã khẳng định trong ba câu mở đầu bộ sách “THIÊN MỆNH CHI VỊ TÍNH, SUẤT TÍNH CHI VỊ ĐẠO, TU ĐẠO CHI VỊ GIÁO” (Tính bản nhiên chính là mệnh lệnh của Trời, Suất Tính hay Tận Kì Tính gọi là Đạo Làm Người. Tuân theo Đạo Làm Người chính là Giáo Dục). Nếu làm được như thế sao gọi được là “lạc Hồn”. Nếu làm được như thế sao chúng ta lại không thể hú Hồn về với nước cùng non. Nếu làm được như thế sao chúng ta lại không thể ngang dọc dọc ngang như Hi Văn tiên sinh đã diễn tả trong bài Quen Thú Vẫy Vùng:
Hồ thỉ đã quen tay vũ trụ
Cầm thư chi lạ mặt quan hà
Túi giang sơn bốn bể cũng là nhà
Nên vương thổ cả trong trời đất Việt
Ví chẳng điền viên vui tuế nguyệt
Âu đem thân thế hẹn tang bồng
Kém gì Nam Bắc Tây Đông
Đường thư kiếm vẫy vùng cho hết đất
DI KHUẤT TRƯỢNG PHU ƯNG BẤT BẤT
BÃO AN QUÂN TỬ TÍN VÔ VÔ
Cuộc trăm năm chữ tố hành hồ
Bề khu xử qui mô hoàn tự biệt
Cung tường ấy cho thiên hạ biết
Biết rằng ai to nhỏ nhỏ to
May ra mở mặt rừng Nho
Quân dân một gánh giang hồ cũng xong
NAM NHI ĐÁO THỬ THỊ HÙNG
Tôi xin mượn lời của Tăng Tử “QUÂN TỬ DĨ VĂN HỘI HỮU, DĨ HỮU PHỤ NHÂN” (Người quân tử lấy Văn Hóa cao cả, lấy Đạo Làm Người để hội thông cùng với những Tâm Hồn Văn Hiến, để nhờ những người BẠN này mà chúng ta cùng nhau tiến bước trên con đường VI NHÂN ngày một trọn hảo vẹn toàn, cùng nhau xây đắp nước thiêng Tiên Rồng để xứng đáng “Làm Người huy hoàng phải chọn làm người Việt Nam”, để nước thiêng lan tràn khắp hoàn vũ, đem lại một Trật Tự, một nền Thái Hòa Vũ Trụ cho toàn thể nhân loại – Luận Ngữ, chương Nhan Uyên, tiết 23). Và làm như thế mới thấy rõ ràng tâm niệm của mọi người Việt Nam được biểu lộ trong bài thơ sau đây của một người ẩn sĩ:
Oai hùng dân Việt sống hiên ngang
Bút sử còn ghi tích rõ ràng
Nhớ gốc TIÊN RỒNG công TỔ PHỤ
Cùng nhau xây đắp hậu HỒNG BÀNG
Đó không phải là một cuộc chơi vĩ đại hay sao, một cuộc chơi mang đầy tính chất Linh Thiêng hay sao, vì mình đã nhập cuộc chơi, chơi trò chơi thế mệnh, để mỗi người đều là một “HÓA NHI ĐA HÍ LỘNG” vui say hăng hái trong tạo dựng một trời mới đất mới, trong tâm trạng luôn Thức Tỉnh nhưng hành động say mê không vụ lợi như Hài Nhi. Đó mới là ý nghĩa chân thực của hai chữ “PHONG LƯU”, nghĩa là tác động tinh tuyền nhất vì tác động đó không có đối tượng là vật thể, hay nói chính xác hơn đối tượng đó chính là Siêu Việt Thể, Vô Biên Tính. Thánh Gióng làm vì Ngài thấy đáng làm là làm, làm theo Bản Tính Vũ Trụ, làm như chơi. BỐ Lạc Long Quân cũng làm công cuộc dựng nước như một trò chơi Sáng Tạo tinh tuyền. MẸ Âu Cơ như ẩn như hiện mà bóng dáng MẸ che rợp bầu trời Tâm Linh để các con luôn được Nghe Huấn Linh từ MẸ, từ Bà Mẹ Việt Nam Muôn Thưở. Mẹ sinh ra trăm con phương trưởng để người con nào cũng là Anh Hùng Văn Hóa, cũng là HÙNG VƯƠNG, đem TÌNH THƯƠNG bao la như Trời Biển nhuần thắm nhân loại, có thế mới chân nhận được giá trị tiềm tàng của bài thơ mang Thể Tính Vĩnh Cửu sau đây, mà một Người Bạn Muôn Thưở đã sáng tạo trong phút giây cảm hứng xuất thần:
Bọc TÌNH THƯƠNG MẸ đã sinh TA
Trăm con khôn lớn dựng Sơn Hà
Đắp xây TÌNH LÍ, VUÔNG TRÒN hợp
Hòa Nghê Thường khúc điệu hoan ca
Cuộc chơi vĩ đại đó còn được cảm nhận bàng bạc trong ước vọng của Tăng Điểm “MỘ XUÂN GIẢ XUÂN PHỤC KÍ THÀNH, QUÁN GIẢ NGŨ LỤC NHÂN, ĐỒNG TỬ LỤC THẤT NHÂN, DỤC HỒ NGHI< PHONG HỒ VŨ VU, VỊNH NHI QUI” (Ngày cuối Xuân mát mẻ, áo Xuân may xong, cùng năm sáu bạn đến tuổi đội mũ với sáu bảy em nhỏ, cùng ra tắm ở sông Nghi rồi lên hóng gió mát ở đền Vũ Vu, sau đó nắm tay nhau ca hát vang trời mà về – Luận Ngữ, chương Tiên Tiến, tiết 25). Cuộc sống mà được như thế là sướng nhất đời, ung dung tự tại đi đúng tiết nhịp của đất trời của Thời Gian căn cơ, nghĩa là đi đúng tiết nhịp của Đại Ngã Tâm Linh. Cái tinh tuyền của cuộc chơi nằm ở ca vũ, vì đó chính là tác động hoàn hảo nhất nhằm trọn vẹn hóa Con Người Muôn Thưở. Ca vũ chính là “Múa Trống Tâm Linh”, để con người chắp đôi cánh tiên của Mẹ Âu Cơ bay khắp bầu trời bao la an lạc của cõi Thiên tiên Đại Vũ trụ. Thế cho nên Học Làm Người tức là học làm sao chắp đôi cánh tiên bay vào vũ trụ. “HỒNG TIỆM VU QUÌ, KÌ VŨ KHẢ DỤNG VI NGHI” (Con chim Hồng bay vút vào vô tận Thời Gian nhưng cái lông vũ của nó vẫn còn rơi rớt lại để con người hăng hái an lạc dấn bước tiến về nguồn cội – Kinh Dịch, quẻ Phong Sơn Tiệm). Như vậy, Văn Hóa mới có ý nghĩa hoá thành Tiên Chim bay vào Vũ Trụ, nghĩa là:
VĂN HÓA = VŨ HÓA
Chính vì thế tôi muốn hiểu ba câu nói mở đầu sách Luận Ngữ “HỌC NHI THỜI TẬP CHI BẤT DIỆC DUYỆT HỒ? HỮU BẰNG TỰ VIỄN PHƯƠNG LAI BẤT DIỆC LẠC HỒ? NHÂN BẤT TRI NHI BẤT UẤN BẤT DIỆC QUÂN TỬ HỒ?” như sau: Học Làm Người là tập làm sao Múa Trống Tâm Linh để bay bổng vào khắp Vũ Trụ Đại Thời Không thì đó chính là vui sướng nhất đời. Để rồi nhờ bay vào Vũ trụ Tâm Linh đó mà gặp gỡ lại biết bao nhiêu bạn hữu cùng bay lượn khoái lạc trong bầu khí Đồng Thanh Tương Ứng Đồng Khí Tương Cầu, dẫu từ viễn phương xa xôi diệu vợi cũng cùng đến với Mình trong mối thần giao cách cảm để cùng chung nhau xây đắp Nước Thiêng Tiên Rồng theo Huấn Linh của Tiên Tổ truyền lại. Đó không phải là niềm an lạc lớn lao hơn hết trong Tình Bạn hay sao. Chính vì bay vào Vũ Trụ Tâm Linh sâu xa viên mãn như thế mà rồi cuối cùng sẽ gặp lại tất cả Hồn Thiêng Tiên Tổ cùng nhau Ca Múa trong bản Hòa tấu Vũ Trụ nhập vào Đại Dương sinh sinh bất tức. Đó không phải là sinh thú của người Quân tử Ở ĐỜI ư. Thế thì lúc nào và bao giờ cũng có thể tùy thời tùy hoàn cảnh mà tạo nên cuộc chơi đầy hứng khởi hoàn bị Con Người Đại Ngã nơi mình, không có chi phải lo buồn đau đáu như bị mất mát cái gì. “QUÂN TỬ KIẾN CƠ NHI TÁC” (Quân tử tác động thuận theo cái nhịp đập Uyên Nguyên của Thiên Địa Chi Tâm – Kinh Dịch, Hệ Từ Hạ, chương 5). Mà cái nhịp đó có lúc nào đứt quãng trong khoảng Đại Thời Không trong Mình đâu, thế nên ta có thể thấu hiểu niềm an nhiên tự tại trong vần thơ sau đây của Ngộ Trai tiên sinh, bài Lo Gì Chẳng Có Lúc Chơi:
THI TỬU CẦM KÌ KHÁCH
PHONG VÂN TUYẾT NGUYỆT THIÊN
Mặt tài tình đang độ thiếu niên
Cuộc hành lạc vẫy vùng cho phỉ chí
Thơ một túi gieo vần Đỗ Lí
Rượu lưng bầu rót chén Lưu Linh
Đàn Bá Nha gẩy khúc tính tang tình
Cờ Đế Thích đi về xe pháo mã
Lúc vị ngộ Vị tân Sằn dã
Lấy bút nghiên mà hẹn với non sông
Xe Thang Văn nhất đán tao phùng
Bao nhiêu nợ tang bồng đem trả hết
TRI MỆNH THỨC THỜI DUY TUẤN KIỆT
HỮU DUYÊN HÀ XỨ BẤT PHONG LƯU
NGÔ TÂM HÀ CỤ HÀ ƯU?
Ôi! Lo gì mà chẳng có lúc chơi. Chơi quên ngày quên tháng, quên cả cái già nua tuổi tác nó sắp đến như trong bài thơ Đời Người Thấm thoát sau đây của Hi Văn tiên sinh:
Nhân sinh ba vạn sảu nghìn thôi
Vạn sáu tiêu nhăng đã hết rồi
Nhắn bảo con tạo xoay vần lại
Để khách tang bồng rộng đất chơi
Cái Học Làm Người đó vui đến nỗi làm cho Đức Khổng quên cả ưu sầu vì cái già sắp tới. Cái Học làm cho con người càng già càng dẻo càng dai. Đó là ý vị sâu xa trong đoạn văn sau đây của Luận Ngữ “KÌ VI NHÂN DÃ, PHÁT PHẪN VONG THỰC, LẠC DĨ VONG ƯU, BẤT TRI LÃO CHI TƯƠNG CHÍ VÂN NHĨ?” (Chương Thuật Nhi, tiết 18). Học với một cái Tâm bao la quảng đại như thế thì có lúc nào mà chẳng an lạc vui tươi ôn hòa bình thản, lúc nào cũng AN NHIÊN TỰ TẠI nhịp theo Đạo Lớn. Những buồn vui tầm phào chỉ là những bọt biển chẳng thể nào động tới cõi lòng bao la man mác như Đại Dương đó được. Cái Học đó làm cho Ở ĐỜI càng ngày càng sung mãn chân thực hơn, luôn luôn tuôn chảy về hướng Đại Dương bao la của Tính Thể Vũ Trụ. Cái Học của kẻ Đại Trượng Phu mà Mạnh Tử đã diễn tả thực lớn lao cao cả “CƯ THIÊN HẠ CHI QUẢNG CU, HÀNH THIÊN HẠ CHI ĐẠI ĐẠO, LẬP THIÊN HẠ CHI CHÍNH VỊ. ĐẮC CHÍ DỮ DÂN DO CHI. BẤT ĐẮC CHÍ ĐỘC HÀNH KÌ ĐẠO. PHÚ QUÍ BẤT NĂNG DÂM, BẦN TIỆN BẤT NĂNG DI, UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT. THỬ CHI VỊ ĐẠI TRƯỢNG PHU” (Hãy ở nơi rộng lớn nhất trong thiên hạ nghĩa là ở nơi Đức Nhân. Hãy hành động theo cái Đạo cao cả nhất trong thiên hạ nghĩa là làm vì Đại Nghĩa. Hãy đứng trong vị trí Nhân Hoàng, nơi “Đại Lễ dữ thiên địa đồng tiết”. Đạt được Tâm Nguyện của mình thì cũng làm cho mọi người được đạt Tâm Nguyện của họ. Nếu không đạt được Tâm Nguyện thì một mình mình theo Đạo Lớn. Giàu sang không phóng túng buông lung để làm lạc mất chí mình. Nghèo hèn không thay đổi Đạo Làm Người. Không có một uy vũ nào trên cõi đời này có thể bắt buộc mình làm nô lệ được. Đó chính là Đạo Làm Người của bậc đại Trượng Phu – Mạnh Tử, chương Đằng Văn Công Hạ, tiết 2). Cái Học có nền tảng an lạc ngay từ căn để như thế không phải là thực học hay sao? Mùi vị của nó chẳng phải vô cùng là gì? Ôi! Bao la man mác viết mãi chẳng cùng. Cái Học như thế thì lo gì lạc với chẳng lạc mất Hồn. Cái Học đó ngày một ngày đưa Con Người vào cõi Tự Do, An Nhiên Tự tại trong việc xây đắp nền tảng Nhân Bản Tâm Linh để lưu truyền công nghiệp ngàn thu. Chính cái Học đó đã đeo đẳng mãi Phan Sào Nam tiên sinh trong suốt cuộc đời hành đạo vì dân vì nước, bất chấp trong lao tù khốn khổ. Bài thơ Ngồi Tù Cảm tác đã gói ghém phần nào tâm sự của tiên sinh:
Nếu chết phăng đi cái cũng hay
Còn Ta ta lại nghĩ sao đây
TRỜI ĐÂU CÓ NGỤC CHÔN THẦN THÁNH
ĐẤT HÁ KHÔNG ĐƯỜNG RUỔI GIÓ MÂY
Tát cạn bể Đông chiều tấc lưỡi
Phá tan rừng Bắc vẫy đôi tay
ANH EM AI NẤY XIN THÊM GẮNG
CÔNG NGHIỆP NGÀN THU HÁ MỘT NGÀY
Để kết thúc, xin mượn câu nói của Lụn Ngữ “NHÂN VIỄN HỒ TAI? NGÃ DỤC NHÂN TƯ NHÂN CHÍ HĨ” (ĐỨC NHÂN nằm ở nơi sâu thẳm trong TÂM TA đó, đâu có xa xôi gì. Nếu ta thực sự muốn LÀM NGƯỜI, muốn thấy được BẢN LAI DIỆN MỤC thì NHÂN tự khai mở để hớp Ta vào DÒNG SỐNG TÂM LINH ngay vậy – Chương Thuật Nhi, tiết 29). Rốt cuộc trong thâm sâu của Tính Thể Thời Gian, Hồn hiện diện từ lúc nào và từ bao giờ, chẳng mất mát chẳng suy suyển chút gì. Chỉ cần con người toàn tâm toàn ý Thành Tín với Hồn Đại Ngã trung thực đó trong mỗi tác động sinh sống thì rồi sẽ được hớp vào cuộc sống sinh sinh bất tức viên dung vô ngại hoan lạc tận cùng bất khả diễn tả. Kinh Dịch viết: “THƯ BẤT TẬN NGÔN, NGÔN BẤT TẬN Ý. NHIÊN TẮC THÁNH NHÂN CHI Ý KÌ BẤT KHẢ KIẾN HỒ. THÁNH NHÂN LẬP TƯỢNG DĨ TẬN Ý” (Sách viết không hết được lời, lời không múc cạn hết được ý. Mà cái ý của Thánh nhân khó có thể thấu hiểu tận nơi tận chốn được. Do đó Thánh nhân đưa ra những Sơ Nguyên Tượng để diễn tả hết mọi ý trong tất cả mọi khả thể tiềm tàng của nó – Hệ Từ Thượng, chương 12). Cái tượng đó là con Rồng với đôi cánh Tiên Chim bay hút vào vô tạn Thời Gian phủ trùm Vũ Trụ tỏa ánh sáng miên viễn vào tận đời sống thường nhật để hướng dẫn con người Thành Tín dấn bước lên đường theo tiếng gọi của Nguyên Ngôn, của Ý Trung Nhân lí tưởng đang chờ đón trong thiên thu vạn đại với nụ hôn nồng thắm chở theo đầy hoan lạc siêu phàm. Sơ Nguyên Tượng CON RỒNG CHÁU TIÊN là một Thực Tại Huyền Sử, do đó đã đi vào Tiềm Thức Cộng Thông của Dân Tộc, mà mọi người con Lạc Hồng đều chân nhận trong tận đáy lòng. Không những thế nó còn đi sâu vào Tiềm Thức của Nhân Tộc để thấy rằng nhân loại chỉ là anh em đúng với ý nghĩa câu “tứ hải giai huynh đệ”. Đó không phải là một sự thực khác được diễn tả lại trong Huyền Thoại cái bọc Thái Cực trăm trứng của Mẹ Âu Cơ đó ru! Không phải người trong nước đều là Đồng Bào ư! Sao nỡ để cái học trục vật làm xa rời NHÂN TÍNH như vậy! Sao nỡ để những tên Cao Biền của thời mới yểm trấn Linh Khí của núi sông như vậy! Xin tất cả hãy cùng nhau đứng lên nối chí Thánh Tản Viên nhổ vào mặt những tên Cao Biền như thế để hô to lên bốn chữ linh thiêng:
VIỆT THƯỜNG MUÔN NĂM
Chúng ta hãy để Dòng Sống VIỆT THƯỜNG luôn luôn tuôn chảy không ngừng trong Tâm Huyết của những VIỆT NHÂN như là những THỰC TẠI HUYỀN SỬ, luôn luôn mang lại những luồng thần khí Chí Đại Chí Cương mênh mông bát ngát nuôi dưỡng ĐẠI NGÃ, nuôi dưỡng DÒNG SỐNG TÂM LINH VĨNH CỬU, đem mẫu mực LẠC HỒNG làm gương soi sáng vạn thế, để dòng BÁCH VIỆT luôn mãi trường tồn trong Vô Tận Thời Gian. Xin Kính Tặng bài thơ sau đây như một món quà sơ khởi cho những ai đang trên hành trình tiến về TUYỆT ĐỐI THỂ TÂM LINH:
TA tự SINH SINH giữa NÚI SÔNG
Hỏi ra TA dòng dõi TIÊN RỒNG
Phong lưu TA sống đời AN LẠC
Căn cơ MÌNH cảm ở HƯ KHÔNG
VỊNH QUI (1) SẢNG KHOÁI HỒN GIAO CHỈ
DU NGHỆ (2) HÂN HOAN CHÍ LẠC HỒNG
Tất cả ĐẤT TRỜI vang TIẾT NHỊP
Vui chơi TA hành ĐẠO HÓA CÔNG
Vui chơi TA hành ĐẠO HÓA CÔNG
HƯ TÂM TRỜI ĐẤT CẢM GIAO THÔNG
Phải nên TẤU CÁCH VÔ NGÔN (3) nhỉ
Thời ra THÌ MỊ HỮU TRANH (4) không
QUỐC TỔ TRUNG THÀNH NĂNG DIỆU HỮU
GIA TIÊN TÍN THUẬN TẠI CHÂN KHÔNG
Nghìn năm công nghiệp VĂN LANG đó
Vạn thế noi gương mẫu LẠC HỒNG.
CHÚ THÍCH
(1) Vịnh qui: Lấy từ câu “Vịnh nhi qui” trong “Dục hồ Nghi, phong hồ Vũ Vu, vịnh nhi qui” (Luận Ngữ, chương Tiên tấn, tiết 11).
(2) Du nghệ: Lấy từ câu “Du ư nghệ” trong “Chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ” (Luận Ngữ, chương Thuật Nhi, tiết 6).
(3) & (4) Tấu Cách Vô Ngôn, Thì mị Hữu Tranh: Trích từ Kinh Thi, thiên Thương Tụng, bài Liệt Tổ.
SÁCH THAM KHẢO
(1) Tứ Thư Ngũ Kinh.
(2) Lão Tử Đạo Đức Kinh.
(3) Trang Tử Nam Hoa Kinh.
(4) Hoa Nghiêm Kinh, Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm.
(5) Phan Sào Nam, Khổng Học Đăng.
(6) Kim Định, Hồn Nước Với Lễ Gia Tiên.
(7) Kim Định, Triết Lý Giáo Dục.
(8) Kim Định, Cơ Cấu Việt Nho.
(9) Kim Định, Tâm Tư.
(10) Kim Định, Chữ Thời.
(11) Kim Định, Nhân Chủ.
(12) Kim Định, Văn Lang Vũ Bộ.
(13) Kim Định, Hùng Việt Sử Ca.
(14) Kim Định, Kinh Hùng Khải Triết.
(15) Kim Định, Sứ Điệp Trống Đồng.
(16) Kim Định, Pho Tượng Đẹp Nhất Của Việt Tộc.
(17) Giản Chi &Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Trung Quốc, quyển Hạ.
(18) Phạm Công Thiện, Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ & Triết Học.
(19) Phạm Công Thiện, Im Lặng Hố Thẳm.
(20) Lê Tôn Nghiêm, Lịch Sử Triết Học Tây Phương.
(21) Trần Trung Viên &Hư Chu, Văn Đàn Bảo Giám.
(22) Daisetz Teitaro Suzuki, Thiền Luậa, tập thượng, dịch giả Trúc Khê.
(23) Daisetz Teitaro Suzuki, Essays In Zen Buddhism, First Series.
(24) The Upanishads, volume IV, a new translation by Swami Nikhilananda,Ramakrishna – Vivekananda center, New York, Second Edition 1979.
(25) Martin Heidegger, Early Greek Thinking: The Dawn Of Western Philosophy, translated by David Farrell Krell and Frank A. Capuzzi, 1984.
(26) Friedrich Nieyzsche, The Birth Of Tragedy, translated by Francis Golffing, 1956.
(27) Carl Gustav Jung, The Archetypes And The Collective Unconscious, Volume 9 Part I Of The Collected Works, translated by R.F.C. Hull, Bollingen Series XX, Pantheon Books Inc., 1959.